Tự động phát
Tuyên bố này chưa được chứng minh, và khác với kết luận chính thức mà theo đó một quả ngư lôi bị lỗi đã gây ra thảm họa hải quân tồi tệ nhất của Nga thời hậu Xô Viết.
Ông Popov là chỉ huy của Hạm đội phương Bắc Nga khi tàu ngầm Kursk gặp nạn và chìm khi đang hoạt động ở biển Barents.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, cựu đô đốc này nói tàu ngầm của NATO đã vô tình va phải tàu ngầm Kursk khi theo sát tàu ngầm Nga ở khoảng cách gần.
Tàu ngầm của NATO cũng bị ảnh hưởng bởi vụ nổ và đã gửi tín hiệu cấp cứu từ hiện trường. Ông Popov nói đã không nhận diện được tàu ngầm NATO. Ông cũng thừa nhận thiếu bằng chứng cho tuyên bố của mình.
Tàu ngầm Kursk của Nga khi còn hoạt động. |
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về tuyên bố trên và lặp lại kết luận chính thức rằng thảm họa là do thuốc nổ rò rỉ từ một quả ngư lôi bị lỗi gây ra.
Ông Popov từng bị lên án vì phản ứng chậm chạp trong thảm họa tàu ngầm Kursk khi còn là chỉ huy Hạm đội phương Bắc. Truyền thông Nga cho rằng 2 tàu ngầm Mỹ và một tàu ngầm Anh đã có mặt gần khu vực hải quân Nga đang tập trận ở biển Barents khi thảm họa tàu ngầm Kursk xảy ra.
Tàu ngầm Kursk chìm vào ngày 12.8.2000 sau 2 vụ nổ lớn. Phần lớn trong tổng số 118 thủy thủ đoàn thiệt mạng ngay lập tức. Tuy nhiên khi tàu ngầm chìm xuống đáy biển, ở độ sâu khoảng 108 m dưới mặt biển, 23 người đã kịp thoát về phần đuôi tàu và chờ đợi hỗ trợ.
Nạn nhân thiệt mạng trong thảm hoạ tàu ngầm Kursk. |
reuters |
Bộ Chỉ huy Hải quân Nga mất nhiều giờ trước khi quyết định hành động, từ chối sự hỗ trợ từ phương Tây và triển khai các tàu ngầm mini ở cửa thoát hiểm của tàu ngầm nhưng không thành công. Sau một tuần, Nga mời các thợ lặn Na Uy và mở được cửa tàu ngầm nhưng đã quá muộn để cứu người.
Sau vụ việc, nhiều quan chức hải quân cho biết các thành viên thủy thủ đoàn sống sót sau vụ nổ có thể đã còn sống trong 3 ngày sau. Tuy nhiên, các điều tra viên kết luận tất cả đã thiệt mạng trong vòng 8 tiếng sau vụ nổ vì ngộ độc khí carbon monoxide.
Cách xử lý thảm họa và nỗ lực cứu hộ đã khiến toàn nước Nga bàng hoàng, khiến uy tín của Tổng thống Vladimir Putin suy giảm. Xác tàu ngầm Kursk được trục vớt trong tháng 10.2001, cho phép các điều tra viên thu thập được 115 thi thể và tìm kiếm manh mối trên thân tàu để tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Bình luận (0)