Thẩm mỹ 'chui' cấp tốc lại tung hoành bất chấp: Vấn nạn nhức nhối phải xử lý triệt để

Duy Tính
Duy Tính
21/01/2024 07:14 GMT+7

Như Thanh Niên đã phản ánh, nạn thẩm mỹ 'chui' đã và đang trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của người dân, gây mất an ninh trật tự, an toàn đời sống, do đó cần có giải pháp cứng rắn với người làm thẩm mỹ 'chui', đào tạo thẩm mỹ 'chui'.

Dịp cận Tết Nguyên đán 2024, thẩm mỹ "chui", khám chữa bệnh (KCB) không phép, trái phép hoành hành, vì vậy số lượng ca tai biến nhập viện cũng gia tăng. Quản lý thẩm mỹ "chui" và quản lý KCB không phép, trái phép là một trong những trọng tâm mà Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã và đang thực hiện quyết liệt.

Thẩm mỹ "chui" diễn biến phức tạp, nguy hiểm

Nhận định về tình hình thẩm mỹ "chui", Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, cơ sở thẩm mỹ "chui" nở rộ ở TP.HCM và một số tỉnh, gây ra hàng loạt trường hợp tai biến nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Thẩm mỹ 'chui' cấp tốc lại tung hoành bất chấp: Vấn nạn nhức nhối phải xử lý triệt để- Ảnh 1.

Thẩm mỹ “chui” gây ra hàng loạt trường hợp tai biến nguy hiểm đến tính mạng người dân

DU YÊN

Đặc biệt, loại hình thẩm mỹ "chui", KCB không phép, trái phép quảng bá công khai trên mạng xã hội, tư vấn qua Zalo và thực hiện tại các căn hộ, khách sạn hay nhà riêng… gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, an ninh trật tự, an toàn đời sống dân sinh và các hoạt động chính trị - xã hội trên địa bàn TP.HCM. Đáng chú ý là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế có sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp, hỗ trợ của Sở TT-TT cũng như Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM).

Các đối tượng thực hiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ lén lút tại các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, các khách sạn và cơ sở lưu trú (căn hộ, chung cư…).

Các cơ sở KCB không phép hoạt động lén lút và có tính chất đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, như thay đổi biển hiệu, giải thể cơ sở cũ thành lập cơ sở mới, đổi tên chủ sở hữu cơ sở…

Thẩm mỹ 'chui' cấp tốc lại tung hoành bất chấp: Vấn nạn nhức nhối phải xử lý triệt để- Ảnh 2.

Tiêm filler ở một cơ sở thẩm mỹ “chui”

DU YÊN

Một số cơ sở, phòng khám vẫn cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động; một số cơ sở, phòng khám vẫn lén lút hoạt động dù đã bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt đình chỉ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động KCB.

Một số người không có chứng chỉ hành nghề nhưng lên mạng quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ; khi khách hàng quan tâm và hỏi thông tin thì dẫn dắt đến cơ sở của mình (không có giấy phép hoạt động KCB).

Giải pháp phối hợp liên ngành

Năm 2024, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành kế hoạch công tác kiểm tra, trong đó kiểm tra về công tác KCB có 11 chuyên đề, bao gồm kiểm tra chuyên đề về thẩm mỹ, làm đẹp. Ngoài ra còn có các đợt kiểm tra đột xuất với trọng tâm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm trong quá trình hoạt động của các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) và các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về PTTM theo quy định.

Hiện nay, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã có quy chế phối hợp rất hiệu quả. Theo đó, ngay sau khi nhận được tin báo có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực y tế, đoàn kiểm tra nhanh chóng được thành lập với sự tham gia của Thanh tra Sở, Công an TP.HCM, phòng y tế và chính quyền địa phương… để tiến hành kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn ngay lập tức và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế trên địa bàn quản lý. Việc này đã được triển khai trong các năm qua và được đẩy mạnh trong năm 2023, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Thẩm mỹ 'chui' cấp tốc lại tung hoành bất chấp: Vấn nạn nhức nhối phải xử lý triệt để- Ảnh 3.

Bên trong một cơ sở thẩm mỹ “chui"

DU YÊN

Chính phủ cũng đã cảnh báo về các tội phạm công nghệ cao và lợi dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp và hoạt động mạnh. Riêng trong lĩnh vực y tế, trong năm 2024 và những năm sắp tới, phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ ngày càng rộng hơn, bởi có nhiều loại hình hoạt động tư vấn, quảng cáo KCB diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội với nhiều nội dung không được cấp phép, dẫn dắt bệnh nhân đến những địa điểm bất hợp pháp để thực hiện thủ thuật, cũng như những thủ đoạn lừa đảo bệnh nhân tinh vi khác mà chúng ta chưa biết hết.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong cách làm, phối hợp hiệu quả hơn với các lực lượng để đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của ngành y tế, chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của người dân.

Phải xóa nạn thẩm mỹ "chui"

Đặc biệt, để xóa bỏ vấn nạn hành nghề thẩm mỹ "chui", Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp Công an TP.HCM tăng cường quản lý tại các khách sạn, khu dân cư… nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng liên quan hoạt động thẩm mỹ không phép. Đề xuất sớm đưa vào hoạt động phần mềm khai báo lưu trú theo quy định của luật Cư trú (phần mềm ASM) tại các khách sạn, căn hộ cho thuê…

Trước thực trạng quảng cáo trái phép trên nền tảng mạng xã hội, trong năm 2024, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp Sở TT-TT và Sở KH-CN tiến hành rà soát, kiên quyết xử lý các trang tin, cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội có hành vi vi phạm về quảng cáo, đặc biệt vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực KCB, dịch vụ thẩm mỹ và thông tin kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể các nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng (internet, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo...)

Tuy nhiên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng nhìn nhận, trong bối cảnh hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế sử dụng công nghệ cao và lợi dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, việc truy vết người có hành vi vi phạm trên không gian số khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo người dân lưu ý khi lựa chọn thực hiện các dịch vụ làm đẹp, có thể vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế TP.HCM cấp giấy phép hoạt động. Không lựa chọn cơ sở làm đẹp chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ"... Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế TP.HCM, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị cá nhân, tổ chức quan tâm, cung cấp các thông tin giúp lực lượng Thanh tra Sở Y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi có thông tin về các trường hợp hoạt động PTTM không phép, trái phép; các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở kinh doanh có điều kiện về KCB, dược phẩm, mỹ phẩm... không tuân thủ quy định của pháp luật, đề nghị liên hệ về tổng đài Sở Y tế TP.HCM (0967771010); số điện thoại đường dây nóng xử lý vấn nạn "vẽ bệnh moi tiền" 0989401155; gửi phản ánh theo ứng dụng (app) "Y tế trực tuyến", hoặc qua hộp thư điện tử của Thanh tra Sở Y tế (thanhtra.syt@tphcm.gov.vn).

Năm 2023, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra hoạt động của 316 cơ sở, trong đó ban hành 300 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 13,3 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động KCB; KCB khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề KCB; quảng cáo không phép. Đặc biệt, Sở Y tế TP.HCM đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 20 vụ việc (trong đó 20 vụ việc chưa có kết luận, đa phần chuyển điều tra về vấn đề chứng chỉ hành nghề giả).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.