Gập ghềnh đường “gieo chữ”
Cao Sơn là tên gọi chung cho 3 bản Son, Bá, Mười - nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái ở xã Lũng Cao (H.Bá Thước, Thanh Hóa). Nơi này nằm tách biệt với bên ngoài, giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, và có vị trí cao cách mực nước biển hơn 1.100 m.
Cao Sơn ở độ cao hơn 1.100 m so với mực nước biển |
Minh Hải |
Trước đây, tỷ lệ học sinh đến trường ở Cao Sơn rất thấp, bởi để đi học thì các em phải đi bộ băng qua nhiều dãy núi có độ dốc cao mới đến được trung tâm xã. Do đó, năm 2008, Trường liên cấp tiểu học - THCS Cao Sơn được thành lập. Kể từ khi thành lập trường đến nay, ngôi trường chỉ có giáo viên nam mà chưa từng có bất cứ giáo viên nữ nào đến công tác.
Dù lãnh đạo nhà trường không chia sẻ, nhưng khi trao đổi chúng tôi hiểu rằng điều kiện đi lại khó khăn, đường từ trung tâm xã đến Cao Sơn tuy không xa, chỉ dài hơn 6 km, nhưng phải vượt qua nhiều dốc núi hiểm trở nên ít người phụ nữ nào dám cầm lái xe máy lên Cao Sơn. Hơn nữa, đoạn đường này vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng đá sạt lở, là mối nguy hiểm thường trực khiến cho cả người dân và những thầy giáo lên - xuống Cao Sơn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Những người thầy ở Cao Sơn
Xa gia đình, người thân, sống và làm việc ở nơi "phơi quần áo cả tuần không chịu khô", nhưng trong 13 thầy giáo ở Trường tiểu học - THCS Cao Sơn hiện tại, có những người đã bám trụ liên tục 14 năm qua, kể từ ngày thành lập trường để gieo chữ nơi đại ngàn núi rừng.
Thầy giáo Trần Ngọc Hải lên "gieo chữ" ở Cao Sơn kể từ ngày thành lập trường đến nay |
Minh Hải |
Thầy giáo Trần Ngọc Hải (40 tuổi, quê tại xã Vĩnh Hùng, H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là người thấm thía và hiểu hơn ai hết những cái khó khi dạy học ở Cao Sơn. Thầy là người gắn bó lâu nhất với ngôi trường này - kể từ ngày thành lập trường cho đến nay.
“Ngày đầu lên công tác, đường lên đây không phải dài, nhưng quá khó khăn và nguy hiểm. Cung đường dài hơn 6 km từ trung tâm xã lên trường là đường đất, đá, đi men theo bìa núi. Chỉ cần sơ sẩy là sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Bây giờ đường đã đổ bê tông, nhưng nguy hiểm vẫn rình rập vì nhiều khúc cua tay áo, dốc và đặc biệt là đá lăn liên tục", thầy Trần Ngọc Hải kể rồi cho biết thêm có những thời điểm tưởng chừng như không thể trụ nổi, nản lòng, nhưng rồi nghĩ tới học sinh, nghĩ tới trách nhiệm của người giáo viên anh lại cố gắng vượt qua khó khăn để vun đắp cho những mầm non tương lai ở nơi đặc biệt khó khăn này.
Cao Sơn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái |
Minh Hải |
Từ nhà đến trường phải đi quãng đường dài hơn 130 km, thầy giáo Cầm Hoài Nam (31 tuổi, quê xã Xuân Chinh, H.Thường Xuân, Thanh Hóa) đã phải xa gia đình, người thân cắm bản gieo chữ cho những em nhỏ ở Cao Sơn.
“Hơn 1 năm công tác tại trường, cũng có nhiều cái đáng nhớ lắm. Vì trường toàn giáo viên nam nên nhiều việc xử lý cũng khó. Chỉ cần học sinh lớp 8 hoặc lớp 9 nó kêu đau bụng thôi cũng gây khó cho các thầy. Vì các thầy không thể hỏi han, gần gũi tâm sự như giáo viên nữ nên khi xử trí những tình huống đó rất khó", thầy giáo Cầm Hoài Nam chia sẻ.
Cao Sơn được ví như Sa Pa ở Thanh Hóa, bởi nơi đây quanh năm không khí mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 18 - 24 độ C, kể cả mùa hè. “Đặc sản” nơi đây còn là nơi có độ ẩm rất cao, sương mù dày đặc, thế nên giờ học ở đây cũng phải bắt đầu muộn hơn, thường là từ 8 giờ mỗi ngày mới vào học.
Sương mù ảnh hưởng đến học tập và cả cuộc sống của người dân, thầy giáo ở đây. Những đợt sương mù kéo dài thì quần áo, chăn chiếu giặt cả tuần không khô. Vì thế, nhiều giáo viên thường gom quần áo, chăn chiếu đến cuối tuần đưa về nhà giặt rồi đầu tuần lại tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ lên trường dạy học.
Trường tiểu học - THCS Cao Sơn rất đặc biệt, vì ngôi trường chỉ toàn giáo viên nam và có số lượng giáo viên ít nhất tỉnh Thanh Hóa - chỉ 13 người |
Minh Hải |
Khó khăn khi trường không có giáo viên nữ
Cái đặc biệt, cái khó nhất của Trường tiểu học - THCS Cao Sơn hiện tại có lẽ là không có giáo viên nữ, nên nhiều việc diễn ra ở trường khó để tiếp cận, xử lý cho tốt.
Thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Cao Sơn cho hay: “Việc không có giáo viên nữ nhiều lúc cũng làm khó các thầy. Như học sinh nữ lớp 8, lớp 9, các em đã lớn rồi. Nhiều khi trong giờ học các em đau ốm, hay có triệu chứng gì bất thường thì giáo viên nam không thể tiếp xúc, hỏi han gần gũi, và giữa thầy với trò không thể chia sẻ hết được. Công việc trang trí phòng, lớp học và cả một số việc khác rất cần bàn tay người nữ giáo viên. Nhưng từ khi thành lập trường đến nay chưa từng có giáo viên nữ nào đến công tác cả. Trường cũng là trường có số lượng cán bộ, giáo viên ít nhất tỉnh. Cả hiệu trưởng và giáo viên, kế toán tổng cộng có 14 người, toàn là nam giới thôi”.
Trường tiểu học - THCS Cao Sơn |
Minh Hải |
Toàn bộ vùng Cao Sơn có gần 200 hộ dân, với gần 800 nhân khẩu sống dọc theo dãy núi Phà Hé. Do số lượng dân cư ít nên năm học 2022 - 2023, Trường tiểu học - THCS Cao Sơn chỉ có 126 học sinh (cả cấp tiểu học và THCS), đây là ngôi trường có số lượng học sinh, giáo viên ít nhất tỉnh Thanh Hóa.
Bình luận (0)