Thăm quê hương của những chú gà 'tiến vua'

Minh Phong
Minh Phong
11/02/2024 07:57 GMT+7

Trên khắp mọi miền đất nước nhiều địa phương có những giống gà đặc sản như gà 9 cựa ở Phú Thọ, gà Hồ ở Bắc Ninh, gà mía ở Hà Nội. Nhưng, khi ai đó nói đến gà 'tiến vua', chắc chắn mọi người đều chung suy nghĩ đó là giống gà Đông Tảo, dòng gà nổi tiếng đặc hữu và quý hiếm của tỉnh Hưng Yên.

Nét đặc trưng làm nên thương hiệu "tiến vua"

Gà Đông Tảo, có tên gọi khác là gà Đông Cảo, xuất xứ từ xã Đông Tảo (H.Khoái Châu, Hưng Yên). Không ai biết giống gà này có từ bao giờ, nhưng được người dân Đông Tảo truyền cho nhau con giống, cách chăn nuôi nhiều đời và đã trở thành vật nuôi cổ truyền.

Thăm quê hương của những chú gà 'tiến vua'- Ảnh 1.

Anh Hiếu bên những con gà trống được chọn làm giống

Minh Phong

Đây là một giống gà đặc hữu và quý hiếm không chỉ của Hưng Yên mà là của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, to và thô, khi trưởng thành có thể nặng tối đa 7 kg đối với gà trống, và 4 kg đối với gà mái. Gà thuộc giống gà to con, dáng hình bệ vệ, với thân hình to, da đỏ, đầu oai vệ, cặp chân vững chãi.

Gà Đông Tảo trống có hai màu lông cơ bản gồm màu tím pha đen và màu của trái mận. Gà có cặp chân to xù xì. Chân gà cũng có 2 loại là loại vảy rồng và loại vảy thịt. Với gà vảy rồng, lớp vảy xếp bao quanh chân. Gà vảy thịt bao quanh chân là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, da sùi giống bề mặt trái dâu tằm. Gà có 4 ngón chân xòe ra cân đối, bàn chân dày, nên gà bước đi vững chắc. Mào gà trống là mào sun, màu đỏ tía, tích và dái tai màu đỏ, kém phát triển, nhìn gọn và khỏe. Gà mái có màu lông vàng nhạt, màu lá chuối khô hoặc trắng sữa. Gà mới nở có lông trắng đục.

Thịt của giống gà này rất ngọt, giòn, với khối thịt ức ngồn ngộn đỏ hồng, những bắp thịt đùi với những bó cơ cuồn cuộn vắt lên nhau, trong thịt không có gân, không dai. Do chất lượng thịt vượt trội, nên gà Đông Tảo chế biến được rất nhiều món ăn ngon như chân gà tiềm thuốc bắc, đùi gà hấp lá chanh, nem gà, thịt gà quạt chả, gà xào sả ớt, xôi gà, gà giả cầy, xương gà hầm củ quả… Vì hiếm, thịt ngon nên gà Đông Tảo được dân gian mệnh danh là gà "tiến vua", khi có những con gà đẹp lên tới cả chục triệu đồng. Đó cũng là món quà quý mà mọi người thường mua tặng người thân mỗi dịp lễ tết.

Ăn ngủ... cùng gà

Về quê hương của những chú gà "tiến vua", chúng tôi hỏi đường tới nhà anh Giang Mạnh Hiếu, ở xóm Thống Nhất, thôn Đông Tảo Nam. Anh Hiếu là hộ chăn nuôi gà Đông Tảo lớn nhất tại địa phương.

Thăm quê hương của những chú gà 'tiến vua'- Ảnh 2.

Đàn gà Đông Tảo phục vụ dịp Tết Nguyên đán của anh Hân

Thăm quê hương của những chú gà 'tiến vua'- Ảnh 3.

Chú gà Đông Tảo của anh Hân đạt giải nhất đơn trống tại hội thi gà năm 2015

"Tôi đến với nghề nuôi gà Đông Tảo cũng là một cái duyên. Nhà tôi cũng như bao gia đình khác trong xã. Trước đây chăn nuôi gà manh mún, nhà nào cũng nuôi khoảng ba chục con, vì là giống gà quý nên không dám ăn, nuôi cả năm mới bán được một lứa, từ đó mới có tiền cho con cái ăn học, chi tiêu trong gia đình cũng như sắm sửa tết.

Lớn lên, xây dựng gia đình, tôi sống bằng nghề buôn hoa quả nhưng lời lãi chẳng được là bao. Nhiều đêm không ngủ, vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi trăn trở tại sao quê mình có giống gà quý, giá trị kinh tế cao mà mình lại không thể làm giàu từ chính vật nuôi này. Thế rồi, năm 2018, tôi bỏ nghề buôn hoa quả, quyết tâm nuôi gà Đông Tảo", anh Hiếu nhớ lại.

Lúc đầu, anh Hiếu mạo hiểm mạnh dạn đi vay mượn khắp nơi từ người thân, bạn bè đầu tư hệ thống chuồng trại, nuôi 1.000 gà con Đông Tảo với số tiền 240 triệu đồng. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, năm 2018, anh bán gà chỉ thu về được 60 triệu đồng, lỗ nặng. Năm 2019, anh tiếp tục vay vốn đầu tư và thua lỗ tiếp 700 triệu đồng vì không biết gì về thị trường, không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Không nản chí, năm 2020, anh Hiếu khăn gói lên Bắc Ninh học nghề nuôi gà. Trở về nhà, anh tiếp tục bắt tay vào công cuộc chăm gà "tiến vua". Lần này, quyết không thể thất bại thêm lần nào nữa, anh dọn xuống chuồng trại ăn ngủ… cùng gà.

Thăm quê hương của những chú gà 'tiến vua'- Ảnh 4.

Gà con mới được ấp nở

Anh Hiếu chia sẻ, do thời gian đầu nuôi gà Đông Tảo, anh nghĩ nuôi bình thường, không tốn nhiều công sức, nên gà bị chết nhiều. Khi đã học hỏi được kỹ thuật thì phải để ý, chăm sóc đàn gà như chăm con thơ. Mỗi ngày, bất kể sáng trưa, chiều tối, ngoài việc đột xuất vắng nhà, gần như anh dành toàn thời gian ở chuồng trại để theo dõi đường ăn, nết ở của từng con trong đàn. Nếu có biểu hiện của dịch bệnh là lập tức chữa trị nên tỷ lệ sống của đàn gà ngày càng được nâng cao.

Khi đàn gà đã ổn định, anh bắt đầu tìm hiểu thị trường, đến từng trang trại để tiếp thị sản phẩm gà con từ cơ sở chăn nuôi của mình. Trời không phụ lòng người, giờ đây mỗi năm việc chăn nuôi gà giúp anh thu nhập hơn 1 tỉ đồng.

Hiện tổng số gà Đông Tảo trong chuồng trại của anh Hiếu là hơn 10.000 con, bao gồm gà giống, gà nuôi thương phẩm và gà con. Vì gà Đông Tảo thuần chủng chân to nên rất vụng về trong giao phối với gà mái nên tỷ lệ trứng gà nở thành con chỉ đạt dưới 30%. Từ khi áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ gà con nở lên tới 75%. Do thị trường ngày càng được mở rộng, nguồn cung không đủ cầu, nếu có cơ sở đặt mua gà con thì phải xếp lốt khoảng 3 tháng. Từ đây, gà con và gà thương phẩm của anh theo thương lái đi khắp mọi miền đất nước.

Khát vọng bảo tồn nguồn gien của giống gà quý hiếm

Ông Tạ Đình Trung, Phó chủ tịch UBND xã Đông Tảo, cho biết hiện nay, do chi phí chăn nuôi cao nên ngoài các trang trại nuôi gà, người dân trên địa bàn xã chỉ nuôi với số lượng rất ít nhằm phục vụ đời sống của chính gia đình. Mặt khác, để tăng số đàn, tăng năng suất, người dân cho lai tạo với các giống gà khác, vì vậy, nguồn gien thuần chủng ngày càng giảm dần.

Anh Giang Lê Hân, ở thôn Đông Tảo Nam, hộ chăn nuôi gà đã 17 năm, chia sẻ: Để chọn được gà giống tốt thì gà con phải nuôi từ 2 tháng trở lên. Gà sinh sản thì phải tách gà trống và gà mái ra nuôi riêng, tiêm vắc xin theo định kỳ đầy đủ để tăng sức đề kháng. Gà trống đạt chuẩn lông màu mận, khung vai đều, đầu to vuông vắn, tích gà, chân gà to đỏ có gai, đứng vững chãi, không dị tật. Gà mái chân cũng phải to, lông màu trắng pha mận. Khi đạt được 180 ngày tuổi, gà bắt đầu vào độ tuổi sinh sản. Mỗi lứa, gà mái đẻ từ 15 - 17 trứng, 1 năm cho khoảng 70 trứng. Nói chung, để chọn được con giống ưng ý là vô cùng vất vả.

Từ khi áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và chọn con giống tốt ngay từ đầu để nhân giống gà Đông Tảo, tỷ lệ đàn gà đạt độ thuần chủng (F0) của anh Hiếu đạt tới 70%, số còn lại là gà con thuộc dòng F1, như vậy đã là rất cao, khi trước kia độ thuần chủng của đàn chỉ dưới 50%.

"Ngoài việc chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, ước mơ của tôi và những người chăn nuôi là bảo tồn, phát triển nguồn gien quý của dòng gà cổ truyền này...", anh Hiếu nói.

Theo ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo của xã Đông Tảo, hiện hợp tác xã có 16 thành viên, liên kết sản xuất với khoảng 10 trang trại trên địa bàn H.Khoái Châu, lượng gà sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024 vào khoảng 8.000 con. Nghề nuôi gà cho thu nhập ổn định 500 triệu đồng/năm. Hợp tác xã đã áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm gà thịt, giò gà lụa và giò gà xào, thị trường tiêu thụ gà Đông Tảo ngày càng được mở rộng, được giới chuyên môn, khách hàng đánh giá cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.