Tham vọng mẫu hạm không người lái của Mỹ

10/10/2013 09:40 GMT+7

Lầu Năm Góc đưa ra dự án đầy tham vọng có thể báo hiệu ngày tàn của các tàu sân bay đồ sộ.

 Phác thảo ý tưởng về hệ thống Hydra - d
Phác thảo ý tưởng về hệ thống Hydra - Ảnh: DARPA - Đồ họa: Thái Nguyên

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa mới kêu gọi các công ty quốc phòng đấu thầu dự án nghiên cứu chế tạo mẫu hạm không người lái. Thông báo mời thầu cung cấp ý tưởng nghiên cứu được Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng cao cấp (DARPA) của Lầu Năm Góc công bố trên website chính thức từ cuối tháng 8.


Quái vật nhiều đầu

Được gọi là Hydra, theo tên quái vật nhiều đầu trong thần thoại Hy Lạp, dự án mới của DARPA tập trung vào một mô hình tàu mẹ tự hành dưới mặt biển, có thể triển khai các máy bay, tàu ngầm hoặc tàu nổi không người lái ở mọi lúc mọi nơi chỉ với một cú nhấn nút từ xa. “Dự án Hydra sẽ phát triển và trình bày một hệ thống không người lái dưới nước, cung cấp cơ chế mới để triển khai các phương tiện không người lái trên không và dưới nước trong môi trường tác chiến”, thông báo trên website của DARPA mô tả.

Theo đó, mục tiêu của dự án Hydra là chế tạo một tàu sân bay không người lái dưới mặt nước để đảm bảo năng lực do thám, hậu cần và tấn công trên toàn cầu, thông qua môi trường đại dương, kể cả các vùng nước nông và thậm chí có thể là cả hệ thống sông ngòi. Khi được kích hoạt, các máy bay không người lái sẽ tách ra khỏi tàu mẹ, trồi lên mặt nước trước khi cất cánh thực hiện nhiệm vụ.

Ý tưởng chủ đạo của Hydra xuất phát từ sự kết hợp ưu điểm ba loại vũ khí chủ lực của hải quân hiện nay là tàu chiến, tàu ngầm và tàu sân bay, đồng thời khắc phục được những điểm yếu của chúng. Tàu chiến vốn hữu dụng cho việc tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên bộ song hạn chế về khả năng không chiến. Tàu ngầm có khả năng lẩn tránh cao, có thể đối phó với tàu chiến và tiêu diệt những mục tiêu ở xa bằng tên lửa song cũng dễ thành “mồi ngon” cho các máy bay săn ngầm. Trong khi đó, điểm yếu của tàu sân bay là dễ bị tổn thương và có thể bị loại ra khỏi cuộc chơi bởi những tên lửa hành trình ngày càng hiện đại. Với ý tưởng đó, mẫu hạm không người lái hoạt động dưới đáy biển sẽ được thiết kế để hội tụ các năng lực tàng hình, tấn công kẻ thù ở dưới và trên mặt nước cũng như trên không trung. Một trong những lý do khác để DARPA nung nấu tham vọng chế tạo mẫu hạm không người lái là nhằm tiết kiệm ngân sách trong môi trường an ninh ngày càng bất định, khi việc duy trì và vận hành các tàu sân bay đồ sộ đang dần vượt quá khả năng của Lầu Năm Góc.

Theo Giám đốc dự án Hydra của DARPA Scott Littlefield, “cơ sở hạ tầng công nghệ không người lái ở dưới mặt biển có thể giúp giải tỏa một số căng thẳng nguồn lực và mở rộng năng lực quân sự trong khu vực ngày càng nhiều thách thức”. Báo mạng Motley Fool đưa tin các ứng cử viên triển vọng nhất của dự án này là 2 nhà thầu từng xây dựng phần lớn hạm đội tàu ngầm của Mỹ, hãng Huntington Ingalls và General Dynamics. Ngoài ra, Boeing, hãng từng chế tạo một tàu lặn điều khiển từ xa có tên Echo Ranger, cũng là một nhà thầu tiềm năng.

Căn cứ dưới đáy biển

Theo dự kiến, nguyên mẫu của Hydra sẽ ra mắt vào cuối năm 2018. Dự án là một ví dụ nữa về sự chú trọng của chính quyền Mỹ với môi trường đại dương và khu vực Thái Bình Dương. DARPA hiện còn có một dự án tham vọng khác có tên gọi Upward Falling Payloads (UFP) nhằm phát triển phương tiện chứa và dự trữ các thiết bị quân sự điều khiển từ xa dưới đáy biển. Vào năm ngoái, Lầu Năm Góc đã mở rộng chương trình đo đạc các khu vực dưới biển để phục vụ kế hoạch này. Khác với Hydra là một mô hình cơ động có thể được triển khai trong vài tuần hoặc vài tháng tại vùng biển tương đối nông, UFP giống như một căn cứ đặt tại những vị trí cố định dưới đáy biển trong nhiều năm liền trước khi được “đánh thức” để thực hiện nhiệm vụ cần thiết. UFP chủ yếu sử dụng cho mục đích do thám, hậu cần hoặc nghi binh.

Theo tờ USA Today, phần lớn các kế hoạch xuất phát từ nhu cầu ứng phó tình hình an ninh đang biến chuyển tại châu Á - Thái Bình Dương. Những dự án mới được kỳ vọng sẽ giúp quân đội Mỹ khắc chế chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD) mà Trung Quốc đang phát triển và vô hiệu hóa uy lực của các loại tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM).

Sơn Duân

>> Lính dù Nga sẽ có máy bay không người lái hạng nặng vào năm 2018
>> Máy bay không người lái Trung Quốc có thể phóng tên lửa?
>> Iran trình làng máy bay không người lái tấn công
>> Nhật và Trung Quốc sẽ dùng máy bay không người lái nếu xung đột
>> Mỹ biến chiến đấu cơ F-16 thành máy bay không người lái
>> Chiến đấu cơ không người lái Nga tăng tốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.