Mở rộng lực lượng tác chiến UAV
Ngày 2.4, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay quân đội nước này (PLA) đang mở rộng hoạt động của máy bay không người lái (UAV) đối với lục quân, để hướng đến phát triển một đội ngũ điều khiển UAV tác chiến chuyên nghiệp trong lực lượng này. Theo đó, sau 2 năm thử nghiệm, lục quân Trung Quốc sẽ mở ra một loạt chương trình đào tạo nhân lực điều khiển UAV chiến đấu ngay trong năm nay.
Tờ PLA Daily mới đây dẫn lời một sĩ quan cấp cao của lục quân Trung Quốc cho hay các chương trình đào tạo trên giúp "xây dựng nhanh hơn khả năng tác chiến trong lĩnh vực mới". Các ứng viên đạt tiêu chuẩn và hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được trao cả chứng chỉ vận hành UAV quân sự và giấy phép điều hành UAV dân sự.
Theo South China Morning Post, máy bay không người lái là một lực lượng đang phát triển trong chiến tranh hiện đại và Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này. Lâu nay, không quân là lực lượng sử dụng UAV chủ yếu trong PLA, được biên chế thành nhiều đơn vị mà trong đó một số nhân viên là cựu phi công lái chiến đấu cơ đã được đào tạo lại để sử dụng UAV chiến đấu.
Tiến đến tham vọng mới
Không chỉ như vậy, ngày 1.4, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đang phát triển dòng UAV chiến đấu mang tên FH-97A đạt tốc độ tương đương với chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 của nước này. Hầu hết các loại UAV vũ trang hiện đại nhất thế giới đến nay hầu hết có tốc độ tối đa dưới 1.000 km/giờ, trong khi phần lớn chiến đấu cơ có người lái tối tân đều có thể đạt tốc độ tối đa trên 2.000 km/giờ. J-20 của Trung Quốc cũng đạt tốc độ tối đa khoảng 2.000 km/giờ.
Ra mắt tại Triển lãm hàng không Chu Hải (Trung Quốc) vào tháng 11.2022, FH-97A được giới chuyên gia quân sự phương Tây mô tả là một bản sao của Kratos XQ-58A Valkyrie do Mỹ chế tạo, cũng được trang bị động cơ phản lực. Mỹ phát triển Kratos
XQ-58A Valkyrie để tác chiến cùng các loại tiêm kích thế hệ 5 tàng hình F-22 và F-35. Chính vì thế, việc Trung Quốc phát triển FH-97A có tốc độ tối đa tương đương J-20 được xem là có mục tiêu tương tự.
FH-97A có thể mang theo 8 tên lửa đối không thông minh nên có thể hỗ trợ tác chiến cho J-20 trên không.
Mới đây, một phân tích trên chuyên san Naval and Merchant Ships chỉ ra: "Việc kết hợp giữa FH-97A và J-20 sẽ giải phóng J-20 khỏi các nhiệm vụ chiến đấu tiền tuyến để nó có thể chuyên môn hóa các chức năng như chỉ huy và kiểm soát, phân phối dữ liệu và ngắt liên lạc". Vừa qua, CCTV cũng đã tiết lộ PLA hướng đến tích hợp UAV chiến đấu cùng máy bay có người lái và hình ảnh mô phỏng được đăng tải có sự hiện diện của J-20.
Trả lời Thanh Niên ngày 3.4, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: "Trung Quốc đang phát triển UAV mới như một phần song hành chiến đấu cơ của họ. Đây là điển hình của chiến thuật chiến tranh mới. Nói chung, UAV bay theo cặp thì sẽ chiến đấu hiệu quả do hỗ trợ nhau. Và thay vì dùng chiến đấu cơ có người lái theo cặp thì Trung Quốc sử dụng kèm UAV để tăng sức mạnh không quân nhanh chóng, do quá trình đào tạo phi công đòi hỏi thời gian dài. Hiện nay, các nước khác cũng chú trọng đến chiến thuật UAV bay kèm chiến đấu cơ có người lái, nhưng chưa nước nào đạt hiệu quả cao".
Thực tế, truyền thông quốc tế thời gian qua đưa tin Trung Quốc đang thiếu hụt lực lượng phi công điều khiển chiến đấu cơ truyền thống. Trong khi đó, việc đào tạo nhân lực điều khiển UAV sẽ nhanh hơn và có thể tận dụng những phi công chiến đấu cơ nghỉ hưu.
"Kiểu tích hợp công nghệ mới và truyền thống như vậy là bước đầu tiên để sử dụng công nghệ mới một cách hiệu quả. Trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia vào năm 2020, quân đội Azerbaijan đã thành công trong việc kết hợp quân sự truyền thống và sử dụng UAV để đánh bại lực lượng vũ trang Armenia", TS Nagao phân tích và dự báo các nước khác cũng sẽ tăng cường năng lực tác chiến trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các chiến lược trên.
Bình luận (0)