Cụ thể, Trung Quốc hiện có hơn 150 tiêm kích J-20A. Dù Mỹ gia tăng số lượng tiêm kích F-35A, số lượng tiêm kích thế hệ thứ 5 này hiện có khoảng 360 chiếc.
Tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) John Chipman nói: “Tốc độ sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang bắt kịp. Nếu việc bàn giao duy trì tiến độ hiện tại, số lượng J-20A vào năm 2023 sẽ làm lu mờ kho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Không quân Mỹ là F-22”.
F-22 là tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên được đưa vào biên chế và từ lâu được xem là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ. Máy bay này bị cấm xuất khẩu vì công nghệ quá tiên tiến nên không thể để lọt vào tay nước khác.
F-22 hiện không còn được sản xuất do chi phí cao và Mỹ đã chuyển nguồn lực qua F-35, được xem là mẫu có giá cả phải chăng và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, F-22 dự kiến sẽ tiếp tục được sử dụng đến thập niên 2030, mang lại ưu thế trên không cho Không quân Mỹ.
J-20 là tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên của Trung Quốc, được thiết kế nhằm đối phó F-22.
Báo cáo lưu ý rằng mức tăng danh nghĩa 7% trong ngân sách quốc phòng năm 2022 của Trung Quốc thể hiện khoản tăng khoảng 16 tỉ USD cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và là mức tăng hàng năm lớn nhất.
Những khoản tiền này đang tạo điều kiện cho PLA tiếp tục hiện đại hóa, bao gồm việc bổ sung tàu sân bay, tàu khu trục và tàu hộ tống phức tạp hơn, cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới, tầm xa hơn như JL-3.
Bình luận (0)