Với một người không gặp gỡ, khoảng thời gian 8 năm đủ để có những bất ngờ về sự thay đổi. Với tôi, khi thực hiện loạt bài “Thần đồng biến mất”, còn kèm theo đó là nỗi tiếc nuối trước những tài năng.
Cậu bé "thần đồng" Châu Long năm xưa
|
Trong số đó, Trần Ngọc Châu Long là trường hợp nổi bật nhất. Ngay từ khi nằm trong nôi, bố của em đã áp dụng phương pháp giáo dục “phương án không tuổi” của Giáo sư Phùng Đức Toàn bên Trung Quốc. Xung quanh nôi của Long được dán cơ man nào là chữ số, chữ viết bằng cả tiếng Việt, Anh, Pháp… Vì thế, chỉ khoảng 18 tháng tuổi, Long đã đọc được chữ cái tiếng Việt, đọc được từ, số tiếng Anh, Pháp, thuật ngữ toán học. Nhưng gây sốc nhất là vào tháng 5.2007, bố của Châu Long tung tin ông có nhận được hai cuộc gọi của một công ty nước ngoài. Công ty này đề nghị mua lại bé với giá 1 triệu USD.
Chúng tôi vào cuộc, tìm đến tận nhà em ở Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, Long An. Sau đó, lại phải vòng ngược về lại bệnh viện Nhi đồng 2 vì Châu Long bị viêm phổi, đang phải chữa trị ở đây. Do quá ham học, ham đọc mà không vui chơi như bạn bè đồng lứa tuổi, Long rất ốm yếu, liên tục bị bệnh. Cuối cùng thông tin “1 triệu USD” khó được chứng thực và khả năng chỉ là tin đồn. Nhưng quan trọng nhất là khi tự mình khảo sát và chứng kiến khả năng của Long, chúng tôi hết sức thán phục. Em đúng là có những khả năng mà nhiều người đồn đại.
Đúng 8 năm sau, tôi lại ngược về Đức Hòa Thượng để tìm em. Vẫn là khuôn mặt có nhiều nét quen thuộc của Châu Long nhưng khả năng em đã mai một ít nhiều. Vẫn học giỏi, nhưng danh xưng “thần đồng” mà mọi người tán tụng em trước đó đã gần như biến mất. Long trở thành một học sinh bình thường như nhiều em khác.
Từ Châu Long, chúng tôi tìm hiểu thêm nhiều trường hợp khác. Số lượng các em “thần đồng” hồi đó không hề ít. Một câu lạc bộ được lập ra khi đó để hỗ trợ các trường hợp này khi đó đã tập hợp đến gần 40 trẻ được gọi là “thần đồng”. Nhưng giờ huyền thoại “thần đồng” đều đã trở thành quá khứ. Cái câu lạc bộ kia cũng đã giải tán rồi. Lòng cảm thấy ít nhiều bâng khuâng!
Điều mà tôi mãi day dứt cũng là day dứt của bố mẹ những trẻ này. Đa phần họ đều là gia đình nông dân, lao động phổ thông, hoàn cảnh khó khăn. Vui mừng khi con bộc lộ năng khiếu phát triển sớm, nhưng họ cũng không biết làm thế nào để con mình phát triển thêm. Chưa kể, dù có tiền thì tại Việt Nam cũng không hề có một nơi nào chuyên bồi dưỡng cho những trẻ dạng này. Các em đành chấp nhận học tập ở môi trường bình thường, học kiến thức như những trẻ bình thường khác.
Bây giờ cậu ấy là một học sinh bình thường, đang học lớp 7
|
Có một câu chuyện rất thú vị được PGS.TS Dương Anh Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM kể lại mà chưa có điều kiện đưa được vào bài. Những năm trước, ông có dẫn đoàn học sinh lớp 12 của Việt Nam đi thi Olympic Tin học Thế giới. Có một cậu bé 11-12 tuổi của Belarus dự thi nhiều năm cùng các anh chị lớn tuổi hơn mình rất nhiều. Và năm nào cậu bé cũng giành được huy chương vàng. Nhưng cậu bé cũng đùa giỡn, sinh hoạt đúng như lứa tuổi của mình. Cậu còn chơi bóng đá, bòng bàn cực siêu. Đó là sự phát triển của một thần đồng hoàn hảo!
Vừa được phát triển như trẻ bình thường vừa được vun đắp phát triển tài năng, điều đó còn quá xa vời. Tôi, cha mẹ các em, thầy cô, bạn đọc đều tiếc cho khả năng của các em là vì vậy!
Bình luận (0)