T.K |
Lối vào Trung tâm thương mại chợ An Đông thưa khách |
Khung cảnh vắng vẻ, im lìm
15 giờ, bà Phạm Thị Thúy Điểu (54 tuổi, ngụ Q.8) ngồi nhìn xa xăm, ánh mắt đượm buồn. Sắp tới giờ tan chợ nhưng 10 sạp vải của bà hôm nay mới đón 1 người khách. Quanh đây, các tiểu thương khác cũng có cùng tâm trạng.
T.K |
Giờ này mọi năm, tiểu thương, phụ việc đóng hàng không nghỉ tay |
7 tuổi, bà Điểu theo mẹ ra chợ rồi gắn bó với nghề bán buôn tới giờ. Ròng rã mấy tháng giãn cách xã hội, chợ đóng cửa, việc bán hàng buộc phải tạm ngưng. Trước tình cảnh đó, không riêng gì bà mà nhiều tiểu thương khác đều đứng ngồi không yên.
Theo lời bà Điểu, giờ này mọi năm khu chợ này rất đông đúc, thậm chí khách đứng kín các lối ra vào. Còn năm nay, có ngày không có lấy một người đi ngang, huống gì là người mua. Cảnh bán – mua tấp nập ở chợ truyền thống chỉ còn trong ký ức, bởi nơi này giờ đây thật im lìm và não nề.
T.K |
Khu vực bán vàng bạc, đá phong thủy ít người qua lại |
Lượng khách xưa nay vốn ổn định, nhưng rồi dịch bệnh Covid-19 càn quét khiến nơi giao thương ấy vắng vẻ chưa từng thấy. Bà Điểu cho hay ra chợ thấy không khí ảm đạm nhiều khi rất chán, chán đến mức không muốn ra bán.
Người phụ nữ ngoài 50 bày tỏ: “Tôi thấy “nhục” với bản thân vì bao nhiêu năm làm ăn không sao, giờ lại rơi vào tình huống này. Hạnh phúc là qua mấy tháng dịch cả nhà đều bình an, mạnh khỏe. Tết tới đây coi như không màng đến”.
T.K |
Khu vực ăn uống cũng im ắng |
“Năm nay thua lỗ nặng. Vốn liếng đổ hết vô đây nên đâu bỏ được, chưa kể phải nuôi 3 bạn nhân viên. May không phải thuê mướn mặt bằng, nhưng phải móc tiền túi ra trả thuế, hoa chi, điện nước… Làm ăn mấy mươi năm cũng có chút tích lũy, giờ lấy tiền đó đắp đổi chờ ngày hết dịch”, bà Điểu trăn trở.
Không mở hàng, không thu nhập
Hơn 20 năm xem chợ là nhà, bà Phạm Hồng Nga (50 tuổi, ngụ Q.10) không giấu được xót xa trước khung cảnh vắng lặng, đìu hiu. Bà có 4 sạp đồ thời trang, chừng này mọi năm đã tất bật đóng hàng gửi đi các tỉnh. Năm nay, từ lúc thành phố nới lỏng giãn cách, có nhiều ngày liền không mở hàng, không thu nhập.
T.K |
Bà Nga ra chợ ngồi để bạn hàng có ra trả tiền còn có người |
T.K |
Bà luôn trang bị chai xịt khuẩn, rửa tay ở các sạp hàng |
“Năm ngoái nghỉ nửa tháng rồi bán tới Tết, còn năm nay nghỉ gần nửa năm. Không có khách nhưng vẫn phải ra vì nhiều bạn hàng còn thiếu tiền, nếu không ra lỡ họ ghé trả không gặp mình thì thiệt”, bà Nga cho biết.
Người phụ nữ thở dài tâm sự, thời gian qua thấy nhiều sạp xung quanh nghỉ cũng muốn nghỉ theo vì “một mình một sạp đã buồn, không có khách lại càng buồn hơn. Ai cũng vậy thôi, nhớ cảnh buôn bán tấp nập ngày trước, còn bây giờ thì, coi đó…”.
“Lỗ nhiều chứ, phải dùng đến tiền tiết kiệm để trả thuế, hoa chi, điện nước, nhân viên… Nhưng phải chịu thôi vì hai vợ chồng từng này tuổi rồi biết đổi nghề gì. Đại dịch quá khủng khiếp, nhất là khi trong xóm có mấy người lần lượt ra đi nên càng hoảng. Cho tới khi tiêm đủ vắc xin, tôi mới yên tâm phần nào. Giờ ra chợ bớt lo rồi vì ở đây khác nào ở nhà, có khách nào đi qua đâu mà…”, vừa dứt câu, bà cười to.
Hơn 16 giờ, chợ vắng hoe nên nhiều người tranh thủ dọn hàng |
T.K |
T.K |
Nhiều sạp đóng cửa, dán giấy sang sạp từ đầu mùa dịch |
Những ngày gần đây, ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM tăng trở lại, người đi chợ thưa thớt đi nhiều. Tiểu thương này bày tỏ mong muốn: “Tôi ước Covid-19 cũng như cúm mùa để xem khách có đông hơn không. Hy vọng dịch bệnh qua mau để tất cả mọi người được bình an, cùng hưởng cái Tết xum vầy”.
Mặc lỗ, giữ lại nhân viên
Gần 17 giờ, nhiều khu vực bên trong chợ An Đông đã kín cửa, tối đèn. Ở tầng hầm, 5 sạp hàng ăn uống của bà Thôi Huệ Viễn (52 tuổi, ngụ Q.11) và người chị vừa được thu dọn gọn gàng. Như nhiều tiểu thương khác, bà Viễn cũng nối nghiệp buôn bán từ mẹ.
Bà Viễn cũng nhanh chóng dọn dẹp vì không có khách |
tuấn hà |
Lối đi vào khu vực bán quần áo thênh thang |
T.K |
Bà Viễn kể, thu nhập trước kia dao động từ 9-10 triệu đồng/ngày, dịp cuối năm có thể tăng lên vài ba triệu đồng, hiện giảm gần 90%. Giờ cao điểm khách ngồi kín 40 ghế và còn xếp hàng dài để đợi. Nếu như khách hàng trước kia chủ yếu là du khách, người nước ngoài thì giờ chỉ có nhân viên trong chợ, người giao hàng, công nhân làm gần đây,…
Nguyên liệu phải mua ít đi, duy giữ lại tất cả 3 nhân viên. Bởi theo bà, “4 giờ 30 phải dậy để chuẩn bị dọn hàng ra, mình phải tính đường sau này chứ giờ tuyển nhân viên phụ quán ăn khó lắm, lỗ cũng đành chịu”.
Thu nhập giảm đáng kể, 2 con lại đang tuổi ăn tuổi học nên vợ chồng bà Viễn phải chạy vạy khắp nơi để lo cho các con. “Năm nay con trai vô năm nhất đại học, vợ chồng bán không được nên cũng gắng mượn tiền lo cho nó. Con thấy vậy mới bảo hay để con nghỉ một năm, năm sau mới học, nghe vậy đau lòng lắm”, bà xúc động nói.
Nhiều bảng sang sạp xuất hiện trên các cánh cửa |
T.K |
Khu vực tầng hầm của chợ An Đông |
T.K |
Cuối cùng, người phụ nữ gốc Hoa bày tỏ mong muốn: “Chỉ mong nhà nước, Ban quản lý chợ du di cho chúng tôi đóng chậm thuế, hoa chi… Vay mượn ngân hàng rồi, nhưng ra bán mà không đủ trả lương cho nhân viên thì thời gian tới khó lòng xoay xở”.
Nhiều hộ kinh doanh xin nghỉ, tạm ngưng buôn bán
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (Phó Ban quản lý chợ An Đông), cho biết: “Ước chừng có hơn 60% hộ kinh doanh đã bán trở lại. Một số ngành hàng như đồ mỹ nghệ, giày dép còn đóng cửa nhiều. Giờ này mọi năm đóng hàng đi các tỉnh để bán dịp Noel và Tết nhưng năm nay... nhiều ngày tìm 10, 20 khách không có. Mọi thứ dường như bị ngưng trệ do lượng khách sụt giảm rất nhiều. Nhiều hộ kinh doanh hiện làm đơn xin nghỉ hoặc tạm ngưng buôn bán, không ít tiểu thương đã trả sạp từ đầu mùa dịch”.
Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ An Đông đang vận động tiểu thương tự test nhanh Covid-19 . Đối với trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh sẽ cho cách ly tại nhà và thông báo địa phương đến điều trị. Khu vực kinh doanh của những người này sẽ được khử khuẩn cẩn thận.
Bình luận (0)