Tháng cuối năm 2021: Tiểu thương chợ Bà Chiểu ‘mong Tết sum vầy hơn là sung túc’

Thanh Khương
Thanh Khương
07/12/2021 12:12 GMT+7

Sau thời gian dài nghỉ bán phòng dịch Covid-19 , tiểu thương chợ Bà Chiểu (TP.HCM) vẫn phải gồng... chờ khách. Với nhiều người "năm nay xem như bỏ", họ không mong một cái tết sung túc nhưng "phải thật sum vầy”.

Lối đi vào chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) vắng khách

T.K

Sau từng hồi loa thông báo của chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vang lên: ‘Đề nghị tất cả tiểu thương nhanh chóng ra trước sân chợ để xét nghiệm Covid-19’, tiếng bước chân vội vã, gương mặt hồi hộp và cái thở phào nhẹ nhõm lại đan xen nhau.

Không lo lắng nhiều như lúc đỉnh dịch Covid-19 nhưng vẫn phập phồng...

10 giờ sáng, nhà lồng chợ Bà Chiểu xôn xao tiếng hỏi thăm rồi thở phào của các tiểu thương.

- Ông ra ngoải test chưa?

- Rồi, rồi. Âm rồi bà ơi.

- Mừng quá, tui cũng âm.

Lối ra vào trở nên thênh thang hơn bởi không có những bước chân chen chúc mỗi dịp cuối năm. "Đại dịch Covid-19 giáng một đòn mạnh lên cuộc sống của chúng tôi”, bà Trần Thị Thu (54 tuổi), tiểu thương bán giày dép thời trang nữ tại đây nói.

Chợ tổ chức test Covid-19 cho tiểu thương, người phụ việc

T.K

4 chị em bà Thu kế thừa sạp giày dép thời trang nữ của mẹ

T.K

Kế thừa cơ nghiệp từ mẹ, 4 chị em bà Thu chưa khi nào rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm như bây giờ. Hơn 4 tháng ở nhà không thu nhập, những tưởng ra chợ sẽ có đồng ra đồng vào nhưng “nhiều khi 3, 4 ngày liên tiếp cũng chưa có mở hàng”. Ngày khá nhất, sạp hàng của bà chỉ đón chừng 5, 6 khách.

“Giờ hàng online nhiều quá nên mấy người già bán ở chợ như chúng tôi riết thua. Sáng đi sớm dọn hàng rất cực, ở chợ rủi ro về bệnh dịch lại cao nhưng không bán được. Đây là công việc kiếm ăn hằng ngày của mấy chị em, không bỏ được. Bế tắc lắm nhưng phải cắn răng chịu chứ già rồi ai thuê gì mà làm”, bà nói giọng tủi thân.

Các sạp hàng bán quần áo thi thoảng mới có khách

T.K

Giơ tay chỉ vào mấy đôi giày bị tróc da vừa được soạn ra, bà Thu cho biết việc đóng cửa nhiều tháng liền khiến hàng hóa hư hỏng ít nhiều. Đồng lời ít ỏi vì lượng khách giảm sâu không đủ bù vào số hàng đó. Tuy vậy, hiện sạp vẫn dè dặt nhập về mẫu mã mới để khách có thêm lựa chọn.

Người phụ nữ chia sẻ: “Hồi đầu đeo khẩu trang cả ngày đau tai, khó thở, nhức đầu nhưng dần dà cũng quen. Giờ ra ngoài không có khẩu trang là thấy thiếu liền, nói chung muốn khỏe phải tuân thủ 5K. Nếu như khi thành phố ở đỉnh điểm của dịch Covid-19, mình căng thẳng và hoảng sợ thì từ hồi tiêm đủ vắc xin tới lúc ra chợ bán đã đỡ lo được 70%. Còn 30% phập phồng trong bụng vì không biết khi nào tới lượt mình”.

Người bán trong chợ che chắn cẩn thận

T.K

“Năm nay khổ quá, giờ nhìn chợ thế này không có bất cứ hy vọng nào. Tôi chỉ mong cuộc sống sớm bình thường, chẳng cần lễ Giáng sinh hay Tết, miễn dân bình yên, vui vẻ như ngày nào là tốt rồi”, bà Thu bày tỏ.

"Không có ý chí thép là không ngồi nổi"

Vừa bước lên lầu 1, ngay đầu cầu thang là sạp áo khoác nam nữ của vợ chồng bà Lê Thị Thu Thảo (58 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Bà Thảo cho biết sạp đóng cửa 5 tháng, lúc mới ra không bán được, 1-2 tuần sau bán được 3-4 món/ngày, mấy hôm nay vắng trở lại.

Bà Thu Thảo và chồng ngày nào cũng bày hàng ra dù không có khách

T.K

Vợ chồng bà Thảo cưới nhau rồi gầy dựng sạp này, tới nay được 28 năm. Bà kể: “Mở mắt ra là thấy lỗ, ai cũng nói không biết chịu đựng được tới lúc nào. Tuy nhiên, vốn liếng đều đổ hết vô đây nên dù bán được hay không cũng phải ra ngồi.

Dọn một gian hàng rất cực, nhiều ngày liền không có khách mở hàng nên chán lắm. Không có ý chí thép là không ngồi nổi. Có khách đứng lên đi lại nó vui, giờ ngồi thầm lặng từ ngày này sang ngày khác vậy đó, coi chịu nổi không. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó”.

Lúc TP.HCM mở cửa lại, ra chợ với 200.000 đồng trong túi, bà mới nói với mấy tiểu thương gần đó: “Nếu còn ở nhà chắc tôi đói quá”.

Đa số các sạp hàng đều dựng tấm chắn chính giữa

T.K

Bà Dương Mai (65 tuổi) đã bán tại chợ hơn 50 năm

T.K

Bà Thảo chia sẻ: “Lúc dịch bùng phát sợ đến mức hàng xóm đi lấy đồ viện trợ, còn mình vẫn chốt kín cửa nên nhiều ngày không có gì ăn. Bây giờ mình dần thích nghi và nghĩ bệnh này cũng như cảm cúm thông thường. Đến hiện tại ăn uống vẫn còn hà tiện lắm, để lỡ có gì còn có cái mà xài".

Không có tia hy vọng nào, năm nay xem như bỏ. Mình sao người ta vậy, lo cái ăn là trước nhất. Hy vọng tất cả mọi người đều bình an, có một cái tết dù không sung túc nhưng phải thật sum vầy”.

Ngán ngẩm “tết Covid”

Cạnh đó là sạp bán giày dép của ông Nguyễn Tất Phong (55 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Sạp của ông chủ yếu bán cho khách quen, công nhân, nhân viên nhà hàng… khoảng chừng tháng nay, lượng khách này giảm hẳn vì nhiều người chưa trở lại thành phố.

Khu vực bán thịt của chợ Bà Chiểu vắng hoe

T.K

Trước đó, ông Phong bán cùng vợ nhưng đợt này ông chỉ ra một mình vì không có khách. “Chợ giờ buồn lắm. Buôn bán khó khăn nhưng được cái ông trời cho mình sức khỏe. Năm ngoái đã èo uột, năm nay lại càng thê thảm hơn. Chẳng mong nghỉ nữa vì ăn “tết Covid” cả mấy tháng rồi”, người đàn ông cười xót xa.

Giữa trưa, bà Mỹ Lệ (60 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đứng ở một sạp lựa áo cho chồng. Người phụ nữ đeo khẩu trang, bao tay kỹ lưỡng, cứ một lúc lại lấy ra chai xịt khuẩn được bỏ gọn trong túi áo xịt khắp xung quanh. Bà cho biết mình cũng là dân buôn bán, hằng ngày tiếp xúc với khách luôn tuân thủ 5K, nhận tiền hay trả tiền thừa đều xịt khuẩn để an tâm.

Bà Mỹ Lệ luôn mang theo chai xịt khuẩn bên người

T.K

“Tôi không có thói quen mua sắm trực tuyến, nhất là quần áo. Nhiều khi nhìn trên mạng đẹp mà mua về không vừa ý. Cứ phải ra tận nơi, nhìn tận mắt mới mua”, bà Lệ chia sẻ.

Vừa dứt lời, tiếng loa của chợ vang lên: “Thông báo, đề nghị tất cả tiểu thương và người phụ việc chưa thực hiện test nhanh Covid-19 cần nhanh chóng ra phía trước sân chợ để được xét nghiệm”.

Một tiểu thương bán rau củ quả trang bị nước rửa tay kỹ càng

T.K

Nhân viên chợ Bà Chiểu phun khử khuẩn khu vực bán trái cây

T.K

- Bà ra test lẹ đi, sạp kế bên dương tính rồi, vừa thu dọn đồ về kìa.

- Trời. Để tui ra liền.

Nghe vậy, vài người gần đó cũng vội vã tiến ra khu vực cổng chợ, miệng lẩm bẩm: “Cầu mong âm tính”.

Khách giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái

Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Trường (Trưởng Ban quản lý chợ Bà Chiểu) cho biết chợ mở cửa lại từ 1.10, hiện có khoảng 55% tổng số hộ kinh doanh đã hoạt động lại. Lượng khách giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chợ có 19 cửa ra vào, quá trình đo thân nhiệt và khai báo y tế cho người vào chợ chỉ sàng lọc được một phần. Có nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng nên nguy cơ lây nhiễm còn cao. Từ 1-4 tuần, chợ sẽ tổ chức test Covid-19 cho tiểu thương, người phụ việc và cán bộ nhân viên 1 lần. Qua đó, ai có kết quả dương tính thì phối hợp với địa phương, Trung tâm Y tế phường đưa về nhà điều trị.

“Sau 2 tháng mở cửa, tâm lý của tiểu thương đã ổn định hơn. Bản thân tôi chấp nhận thích nghi với cuộc sống mới, đối với cán bộ nhân viên thì nhắc nhở, với tiểu thương thì tuyên truyền và kiểm tra để tất cả cùng chấp hành nghiêm 5K”, ông Trường chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.