Hồi cuối tháng 1, EU cho rằng việc Trung Quốc áp dụng những biện pháp trừng phạt thành viên khối này là Lithuania (Litva) là hành động vi phạm những nguyên tắc và quy định chung của WTO. Trước đó, Lithuania đã tăng cường thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với Đài Loan khiến Trung Quốc đại lục giận dữ.
Giờ đây, EU khởi động quá trình kiện tụng Trung Quốc tương tự ở WTO về việc Trung Quốc trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ cao của EU như Erisson hay Nokia, khởi kiện Trung Quốc ở tòa án bên ngoài phạm vi lãnh thổ Trung Quốc về việc Bắc Kinh xâm hại sở hữu bản quyền phát minh sáng chế và trí tuệ công nghiệp của họ.
EU lại kiện Trung Quốc lên WTO |
reuters |
Theo quy định của WTO, Trung Quốc sẽ phải giải thích và trả lời những câu hỏi của phía EU. Nếu phía EU vẫn không hài lòng hoặc không chấp nhận thì có thể đưa 2 vấn đề trên ra tòa án trọng tài của WTO và khởi kiện thực sự. Với phán quyết thuận của tòa án này, phía EU có quyền áp dụng những biện pháp trừng phạt thích ứng đối với Trung Quốc.
Nhìn vào bản chất của vụ việc thì chuyện kiện tụng trước tòa án trọng tài của WTO là không thể tránh khỏi, bởi EU chẳng thể không phản ứng Trung Quốc và bởi biện luận của Bắc Kinh không mới mẻ gì đối với EU. Nhìn vào triển vọng kết cục cuối cùng thì EU có nhiều khả năng thắng kiện hơn là Trung Quốc, nhưng dẫu có thắng kiện thì EU cũng vẫn rất khó khiến Trung Quốc thay đổi.
Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc hiện tại không phải là xấu, nhưng thực chất không được tốt đẹp và suôn sẻ. EU có thể và sẽ phải tiến hành các biện pháp chính sách trừng phạt Trung Quốc dựa trên phán xử có lợi của tòa án trọng tài của WTO. Khi ấy, Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa bằng hình thức này hay cách khác. Vòng xoáy ăn miếng trả miếng lẫn nhau sẽ bị kích hoạt.
Bình luận (0)