Thăng trầm Ơ Đu: Tìm lại tiếng nói

Khánh Hoan
Khánh Hoan
25/11/2024 05:29 GMT+7

Người Ơ Đu có tiếng nói riêng, nhưng vì sống xen kẽ trong các dân tộc khác một thời gian dài nên đã khiến ngôn ngữ bị mai một và họ đang nỗ lực phục hồi tiếng nói của dân tộc mình.

Đau đáu với tiếng nói

Trước khi về nơi ở mới tại bản Văng Môn (xã Nga My, H.Tương Dương, Nghệ An), người Ơ Đu đã có khoảng thời gian rất dài sống xen kẽ với người Thái, Khơ Mú trong các bản làng ở thượng nguồn sông Cả.

Thăng trầm Ơ Đu: Tìm lại tiếng nói- Ảnh 1.

Ông Lo Thanh Bình trăn trở: “Mất tiếng nói là mất bản sắc”

ẢNH: K.HOAN

Theo TS Bùi Minh Hào (tạp chí Sông Lam, người có nhiều năm khảo cứu về dân tộc Ơ Đu), dù không có chữ viết nhưng người Ơ Đu có ngôn ngữ riêng và hệ thống tiếng nói này vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, do cư trú tản mát trong các làng bản của người Thái, người Khơ Mú nên người Ơ Đu bị đồng hóa ngôn ngữ. Chỉ có một dòng họ và theo quy tắc của cộng đồng, người Ơ Đu không kết hôn với nhau mà chủ yếu lấy người Thái và Khơ Mú. Những đứa con của dân tộc Ơ Đu được mẹ là người Thái hay Khơ Mú sinh ra và tiếp nhận tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngôn ngữ Ơ Đu càng mất dần sau nhiều thế hệ. Người Ơ Đu dần nói tiếng Thái và tiếng Khơ Mú, tiếng Kinh nhiều hơn và quên dần tiếng mẹ đẻ.

Đến nay, tại bản Văng Môn chỉ còn hai người biết được khá nhiều từ vựng tiếng Ơ Đu là ông Lo Thanh Bình (76 tuổi) và ông Lo Văn Cường (60 tuổi). Đây là những người biết nói 3 thứ tiếng: Ơ Đu, Thái và tiếng Kinh.

Trong căn nhà nằm ở lưng núi, hướng xuống con đường nhựa ở bản Văng Môn, ông Bình tỏ ra hồ hởi khi nói về ngôn ngữ của dân tộc mình. Gia đình ông Bình từng sống ở bản Xốp Bột (xã Kim Đa, H.Tương Dương) cùng 7 gia đình người Ơ Đu khác.

"Trước năm 1960, người Ơ Đu chúng tôi sống thành cụm, mỗi cụm 5 - 6 gia đình bên khe suối. Lúc đó, hầu hết người Ơ Đu đều giao tiếp với nhau bằng tiếng nói của dân tộc mình. Một số từ mới mà tiếng mình không có, chúng tôi mượn tiếng Thái để diễn đạt. Sau đó, nhà nước vận động chúng tôi quy tụ lại và các gia đình đã dời nhà đến sống tại các bản của người Thái, Khơ Mú. Do họ đông, mình lại quá ít người, để tiện cho việc giao tiếp với người Thái, chúng tôi phải sử dụng tiếng Thái và dần dần nhiều người quên mất tiếng mẹ đẻ của mình", ông Bình kể. Do lâu ngày ít sử dụng, hiện ông Bình chỉ còn nhớ được khoảng 40% tiếng Ơ Đu.

Năm 2006, gia đình ông Bình cùng 7 hộ Ơ Đu khác di chuyển về bản Văng Môn tái định cư để nhường đất xây thủy điện Bản Vẽ. Khi người Ơ Đu được quy tụ thành một bản, ông Bình, ông Lo Văn Cường và một số người lớn tuổi khác trong bản đề nghị khôi phục tiếng nói của dân tộc.

"Tiếng nói của cha ông là hồn cốt của dân tộc mình, nên rất cần phải giữ", ông Bình nói.

Mở lớp dạy tiếng Ơ Đu

Nguyện vọng của người Ơ Đu là rất chính đáng và Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sau khi tìm hiểu đã lập dự án khôi phục tiếng Ơ Đu. Ông Lo Văn Cường cho hay trước khi thực hiện dự án này, năm 2017, ông và ông Lo Văn Tình, Bí thư bản Văng Môn, đã sang Lào để tìm hiểu sau khi biết thông tin ở tỉnh Xiengkhuang có một cộng đồng người Ơ Đu sinh sống.

Thăng trầm Ơ Đu: Tìm lại tiếng nói- Ảnh 2.

Người phụ nữ Ơ Đu đang phục hồi việc thêu, may trang phục theo truyền thống dân tộc mình

ẢNH: TRẦN THẾ DŨNG

"Chúng tôi đón xe sang Lào, đi 2 chặng mất rất nhiều giờ đồng hồ mới tìm đến được bản Khạp, nơi có 72 gia đình người Ơ Đu sinh sống. Cách bản Khạp chừng 5 cây số cũng có 25 gia đình Ơ Đu nữa, đó là bản Xén Phùn. Tất cả họ đều nói tiếng Ơ Đu y như tiếng nói của chúng tôi trước đây. Chúng tôi rất mừng khi gặp được họ", ông Cường kể.

Ông Cường và ông Tình ngỏ ý mời những người có khả năng truyền đạt tốt sang Văng Môn để dạy tiếng. Trưởng bản và những người lớn tuổi gật đầu đồng ý và tỏ ra rất vui trước đề nghị này.

Không lâu sau đó, những lớp dạy tiếng Ơ Đu được mở ngay tại bản Văng Môn. Nhiều người dân háo hức đến lớp và theo tổng kết của chính quyền địa phương, có 210 người đã tham gia các lớp học này với thời gian 14 ngày.

"Những người trẻ và phụ nữ người Thái, Khơ Mú về làm dâu Ơ Đu thì hơi khó học vì thấy các từ vựng hơi xa lạ, những người lớn tuổi đã từng biết tiếng của mình thì dễ học hơn và cảm thấy rất thú vị", ông Lo Văn Cường kể. Sau khi tổ chức các lớp học này, nhiều người lớn tuổi như ông Cường, ông Bình thường sử dụng ngôn ngữ Ơ Đu để giao tiếp. Tuy nhiên, theo ông Bình, do từ vựng chưa nhiều và không dễ nhớ nên những người mới học cũng rất dễ quên và khó sử dụng để giao tiếp thường xuyên.

"Tôi đã lớn tuổi nên rất mong muốn con cháu mình phải biết và giữ gìn tiếng nói của cha ông để lại. Mất tiếng nói là mất bản sắc", ông Bình trăn trở.

Sau khi mở các lớp học tiếng Ơ Đu, một giáo trình và từ điển tiếng Ơ Đu - tiếng Việt được soạn thảo. Do người Ơ Đu không có chữ viết riêng nên tiếng được phiên âm thành tiếng Việt. Ông Lo Văn Cường cho rằng đây là những tư liệu để có thể dùng để tự học.

Theo TS Bùi Minh Hào, ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng của các tộc người, đặc biệt là tiếng nói. Ở VN, ngôn ngữ còn là một trong 3 tiêu chí để xác định tộc người (cùng với đặc trưng văn hóa và ý thức tự giác tộc người). Vì vậy, việc khôi phục, bảo tồn ngôn ngữ của các tộc người luôn được nhà nước quan tâm. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.