Mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên Ấn Độ đến Mỹ du học với hy vọng có thể ở lại, tìm được việc làm thu nhập cao và tiến tới định cư. Tuy nhiên, những chính sách mới về người nhập cư của chính quyền Mỹ cùng nhiều rào cản khác khiến con đường đạt được “giấc mơ Mỹ” ngày càng khó khăn. Theo CNN, làn sóng người trẻ Ấn Độ quay về nước lập nghiệp đang là xu hướng mới và không ít người nhận ra quê nhà đem lại nhiều cơ hội thành đạt hơn ở xứ người.
Trong những năm qua, Ấn Độ xếp thứ 2 sau Trung Quốc về du học tại Mỹ với tỷ lệ cứ 6 sinh viên quốc tế có 1 người Ấn. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, năm ngoái có hơn 62.000 thị thực du học được cấp cho sinh viên Ấn Độ, gấp 2,5 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định con số này sẽ giảm mạnh trong thời gian tới do làn sóng quay về của người trẻ trong bối cảnh khởi sắc của kinh tế Ấn Độ, còn Mỹ tiếp tục siết chặt chính sách nhập cư và định cư.
CNN dẫn lời Giáo sư Devesh Kapur tại Đại học Pennsylvania cho hay Ấn Độ đã mất nhiều chuyên gia giỏi, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, vào tay Mỹ trong nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, ông cho rằng ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ trở về nước sau vài năm làm việc. Theo ông Kapur, tính trung bình thì người trẻ Ấn Độ phải chờ ít nhất 10 năm để chuyển từ visa H-1B dành cho lao động lành nghề sang thẻ xanh (thường trú nhân). “Đó là chặng đường dài và cuộc đời bạn bị treo lơ lửng. Ai biết các chính sách sẽ thay đổi như thế nào”, ông nói.
Một trong những trường hợp điển hình là Mani Karthik (29 tuổi) đến Mỹ vào năm 2010 để làm việc cho một công ty truyền thông ở Thung lũng Silicon. Một doanh nghiệp khác sau đó đồng ý bảo trợ cho anh xin thẻ xanh trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, Karthik quyết định về nước hồi đầu năm bởi: “Có nhiều điều không chắc chắn ở đây liên quan người nhập cư cũng như thái độ của mọi người đối với họ nên tôi không thích”. Theo Karthik, nhiều người cũng lo ngại về nạn bạo lực đối với công nhân nước ngoài, sau khi 2 kỹ sư gốc Ấn bị bắn chết ở bang Kansas hồi đầu năm nghi do phân biệt sắc tộc. Trước khi về nước, Karthik mở trang ReturntoIndiakit.com đưa ra những lời khuyên dành cho người Ấn ở Mỹ muốn hồi hương, từ cách bán nhà, bán xe cho tới việc tiến hành các thủ tục. Tháng trước, anh vừa ra mắt một công ty khởi nghiệp (start-up) về xuất bản ở New Delhi.
Việc người trẻ Ấn Độ về nước lập nghiệp có nhiều thuận lợi nhờ nền kinh tế phát triển nhanh, trong khi chính phủ triển khai các chương trình khuyến khích khởi nghiệp như Start-up India nhằm hỗ trợ vốn và giảm bớt thủ tục hành chính.
Một trong những người hưởng lợi từ các chính sách này là Natasha Jain (28 tuổi). Cô rời quê nhà tại TP.Ambala để sang Mỹ du học và sau khi lấy bằng thạc sĩ của Đại học Stanford năm 2012, cô lập tức được nhận vào làm quản lý tại một công ty thiết bị y tế với mức lương “trong mơ”. Sau đó, cô cùng bạn bè mở công ty start-up gia sư Freshmentors dành cho các sinh viên mới. Tuy nhiên, với visa H-1B, cô không được làm việc tại 2 công ty cùng lúc. Bức xúc, Jain đóng cửa Freshmentors và về nước lập công ty start-up ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động mang tên Ruplee. Chỉ sau 2 năm, Ruplee đã có hơn 1 triệu người dùng. Hiện cô đang điều hành công ty start-up thứ ba mang tên Bent Chair chuyên về thiết kế và trang trí nội thất thành lập từ năm 2016 với 100 nhân viên. Doanh thu công ty đạt hơn 1 triệu USD và cô đang dự định mở rộng thị trường ra nước ngoài. “Trong thời gian ngắn sau khi về nước, tôi đã có thể tự làm chủ và giúp tạo nhiều công ăn việc làm. Đây là điều mà tôi khó làm được khi ở Mỹ,” cô chia sẻ với CNN.
Bình luận (0)