Thời hoàng kim của thanh long đã hết ?
Trên một số diễn đàn nông sản gần đây tràn ngập thông tin kêu gọi "giải cứu thanh long"; giá "công nhân" chỉ 5.000 - 5.500 đồng/kg, bao cước vận chuyển lên tận TP.HCM, Bình Dương… Tại thị trường TP.HCM, giá từ xe đẩy đến quầy sạp phổ biến từ 10.000 - 15.000 đồng/2 kg thanh long ruột trắng; ruột đỏ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Tại các siêu thị giá thanh long các loại cũng chỉ cao hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Đây là mức giá rất thấp nếu so với hồi đầu năm khi giá tại vườn từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại. Ông Nguyễn Tánh, chủ vườn hơn 1.000 trụ thanh long tại H.Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), thở dài: "Thanh long đang vào giai đoạn chính vụ, những ngày qua gặp mưa nhiều nên nấm bệnh gia tăng, giá bán giảm mạnh". Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 27.000 ha thanh long đang vào chính vụ nhưng có đến gần 20% diện tích bị bệnh đốm nâu. Ngoài ra, bệnh thối rễ tóp cành bị nhiễm gần 700 ha, bệnh nám vàng cành 620 ha… Đó cũng là tình cảnh của nhiều nhà vườn ở Long An, Tiền Giang.
Việc thanh long rớt giá vào thời điểm này không phải là điều mới mẻ mà có tính chu kỳ. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, phân tích: Thanh long của VN những năm gần đây chỉ bán tốt trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Người Trung Quốc rất thích sử dụng thanh long làm vật phẩm thờ cúng nên đây là cao điểm tiêu thụ của thị trường này. Sau tháng 5, trong văn hóa của người Trung Quốc không còn nhiều dịp lễ lớn liên quan tới thờ cúng. Thêm vào đó, từ tháng 5 đến tháng 11 lại vào vụ thu hoạch thanh long của nước này. Đó là 2 lý do chính khiến tiêu thụ thanh long giảm mạnh giai đoạn hiện tại. Đây là thông tin quan trọng mà người dân cần biết để điều chỉnh lịch thời vụ cho phù hợp.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, bổ sung: Thị trường tiêu thụ chính của thanh long VN là Trung Quốc. Hiện nay, họ đã chủ động canh tác thanh long nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế, thanh long chỉ có giá và hút hàng khi không phải mùa vụ của Trung Quốc. Chưa kể, Ấn Độ cũng đã trồng thành công loại quả này. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ quyết định xây lộ trình canh tác lên 50.000 ha trong 5 năm tới, từ 3.000 ha hiện nay. Ngoài ra, Mexico cũng đã canh tác được thanh long khiến thị phần xuất khẩu của VN sang Mỹ và Canada bị hạn chế.
Thống kê của Tổng cục Hải quan 3 năm gần đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu thanh long liên tục giảm: năm 2019 đạt 1,25 tỉ USD nhưng sang năm 2020 chỉ còn 1,12 tỉ USD, đến năm 2022 chỉ còn 632 triệu USD, giảm gần 39% so với năm 2021. Sáu tháng đầu năm 2023 mới đạt khoảng 350 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Việc bị cạnh tranh quyết liệt từ nhiều đối thủ khắp thế giới đã khiến thanh long VN gặp nhiều khó khăn trong tăng kim ngạch. Dự báo các năm tiếp theo, giá mặt hàng này cũng khó tăng cao nếu hàng Ấn Độ, Trung Quốc sản xuất ra sản lượng lớn. Thậm chí nguy cơ hàng nước bạn sẽ xuất ngược sang VN khi giá của họ rẻ hơn là điều cần tính đến.
Bài học cho sầu riêng
Trong khi đó, xuất khẩu sầu riêng lại đang tăng trưởng "thần tốc". Hiện tại, giá sầu riêng tại nhiều vườn ở khu vực Tây nguyên đã tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng trước, lên mức 85.000 - 90.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phía nam Hội Làm vườn VN, giải thích: Hiện nguồn cung khan hiếm cục bộ đẩy giá lên cao do vụ mùa ở khu vực miền Đông đang vào giai đoạn kết thúc, khu vực này diện tích chỉ khoảng 21.000 ha nên sản lượng khá hạn chế. Còn Tây nguyên là nơi có diện tích lớn nhất, lên đến trên 51.000 ha, trên tổng diện tích hơn 110.000 ha của cả nước lại mới bắt đầu vụ. Theo ông Nguyên, do thời gian vận chuyển ngắn, sầu riêng VN tươi ngon hơn sầu riêng Thái Lan nên chính doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc đẩy giá sầu riêng VN tại thị trường nước này lên ngang giá với sầu riêng Thái Lan.
TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, phân tích: So với sầu riêng thì thanh long khá dễ trồng. Hiện nay nhiều nước trồng được và trồng rất nhiều, đặc biệt là Trung Quốc. Chính vì vậy mà nhiều khả năng thanh long sẽ không thể quay về thời hoàng kim là mặt hàng tỉ USD được. Với sầu riêng thì vấn đề lại khác. Những thông tin mới nhất từ Trung Quốc cho thấy họ trồng sầu riêng chưa thành công. Đây là điều dễ hiểu vì sầu riêng là loại cây trồng nhiệt đới và để trồng thành công sầu riêng họ phải cần thêm thời gian hoặc đầu tư rất lớn cho hệ thống nhà kính. Điều này sẽ khiến giá thành tăng cao và khó cạnh tranh.
"Tôi muốn nhấn mạnh là Trung Quốc chưa trồng thành công chứ không phải là không thành công. Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận ở thị trường Trung Quốc hiện nay, thương hiệu sầu riêng của Malaysia và Thái Lan cũng mạnh hơn. Đây là yếu tố cản trở với sầu riêng VN. Bên cạnh đó, Lào và Campuchia cũng đầu tư trồng sầu riêng để giành thị phần ở thị trường đông dân nhất thế giới. Trung Quốc đang đầu tư 12.000 ha để trồng sầu riêng tại Lào. Đây là những thách thức rất lớn cho sầu riêng VN trong hiện tại và những năm tới. Như vậy để phát triển cây sầu riêng bền vững cần phải củng cố, nâng cao niềm tin và giữ vững thị trường tiêu thụ nội địa của 100 triệu người dân VN. Bên cạnh đó, ngoài thị trường truyền thống thì việc mở rộng thị trường mới tại các nước có nhiều người Việt và người Hoa sinh sống là cần thiết, riêng cộng đồng người Việt ở nước ngoài có trên 5,3 triệu người, trong đó tại Mỹ hơn 2 triệu người cũng là thị trường tiềm năng của sầu riêng VN trong tương lai", theo ông Thoại.
Bình luận (0)