Thanh niên phải có việc làm ổn định thì mới phát huy được thế mạnh của mình

Vũ Thơ
Vũ Thơ
18/03/2021 19:50 GMT+7

Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu cho rằng thanh niên phải có việc làm ổn định thì mới phát huy được thế mạnh của mình.

Ngày 18.3, T.Ư Đoàn, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, với sự tham gia của các chuyên gia, cựu cán bộ Đoàn, cán bộ Đoàn các cấp.
Hầu hết các ý kiến ở hội thảo đều đánh giá bản dự thảo chiến lược do Vụ Công tác thanh niên của Bộ Nội vụ soạn thảo chưa đạt yêu cầu và mong muốn của một chiến lược mang tầm quốc gia.
Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, cho rằng chiến lược phải thúc đẩy thanh niên phát triển, tiến về phía trước. Đặc biệt, Chiến lược phải chỉ ra được tình hình thanh niên và nhu cầu thanh niên trong 10 năm tới như thế nào, để từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp thúc đẩy thanh niên phát triển.

Đại biểu góp ý dự thảo chiến lược phát triển thanh niên tại hội nghị

Ảnh Vũ Thơ

Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hôi, trong chiến lược phát triển thanh niên, phải đặt thanh niên ở thế chủ động, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để họ được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Theo ông Chức, phải tìm thế mạnh đặc hữu của các bạn trẻ là gì, họ đang đứng ở vị trí nào?
“Thanh niên là những người dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi, sáng tạo, có trí tuệ bắt nhịp nhanh với kinh tế số, cách mạng 4.0”, ông Chức nhấn mạnh. Từ việc tìm ra được thế mạnh của thanh niên, sẽ đưa ra được các giải pháp phù hợp, cụ thể để xác định được tầm vóc, vị trí của thanh niên trong 10 năm tới.
Bên cạnh đó, theo ông Chức, cần đặt những thanh niên tài năng ở những vị trí quan trọng của đất nước, để từ đó phát huy được thanh niên hướng đến hiện thực hóa mục tiêu 2030, khát vọng 2045 về một Việt Nam hùng cường.

Cần thành lập ban soạn thảo quốc gia

Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Văn Hạ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng dự thảo chiến lược còn thiếu cơ sở pháp lý, khoa học nên các chỉ tiêu cái thiếu, cái thừa. 
Ông Hạ nói: "Một mục tiêu quan trọng là thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội thì lại không có. Thanh niên phải có việc làm và thu nhập ổn định thì mới phát huy thế mạnh của mình, đạt được điều họ mong muốn, sau đó là Đảng mong muốn về thanh niên”.

Ông Tạ Văn Hạ bày tỏ quan điểm tại hội nghị

Ảnh Vũ Thơ

Theo ông Hạ thì việc để một Vụ Công tác thanh niên của Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo chiến lược là chưa xứng tầm. Vì vậy, ông Hạ đề nghị cần thành lập ban soạn thảo quốc gia, do một Phó thủ tướng chủ trì, thì mới đủ tầm để có được một chiến lược phát triển thanh niên mới, có tác động như mong muốn để đuổi kịp xu thế phát triển và tiềm năng của thanh niên.
Kết luận hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương đánh giá cao sự tâm huyết và những ý kiến sâu sắc, thấu đáo, trách nhiệm của các đại biểu. Anh Lương cho biết, các ý kiến của đại biểu đều đánh giá việc xây dựng chiến lược rất quan trọng và cần thiết ban hành sớm. Tuy nhiên, đây là nội dung khó, phức tạp cần được xây dựng một cách khoa học, xuất phát từ đời sống thực tiễn của thanh niên và phù hợp với Nghị quyết ĐH Đảng 13 của Đảng, luật Thanh niên vừa có hiệu lực. Hiện, các mục tiêu chưa rõ cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, thực tiễn…
Anh Lương cũng thống nhất cao với ý kiến các đại biểu là cần thành lập Ban soạn thảo quốc gia với sự tham gia của đầy đủ các ban, ngành, các tổ chức liên quan đến thanh niên, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín… thì chiến lược mới xứng tầm và đáp ứng được mục tiêu trong Nghị quyết ĐH Đảng 13 đã đặt ra với thanh niên.
“Chiến lược phát triển thanh niên phải được đặt vào vị trí thực hiện khát vọng phát triển đất nước đến năm 2045. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược không chỉ dành cho thanh niên, mà còn là sứ mệnh của quốc gia”, anh Lương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.