Thành phố lớn Trung Quốc nhìn vào 'tấm gương' Thượng Hải

13/04/2022 14:21 GMT+7

Câu chuyện của Thượng Hải có thể tạo tiền lệ để những nơi khác tại Trung Quốc triển khai các biện pháp ngày càng mạnh tay nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Giữa lúc lệnh phong tỏa ở Thượng Hải khiến cư dân chật vật trong việc mua thực phẩm và khám chữa bệnh, người dân ở các địa phương khác của Trung Quốc lo sợ những biện pháp mạnh tay tương tự sẽ được áp dụng với họ, cho dù chính quyền đang ra sức trấn an.

Tiền lệ Thượng Hải

Tại thành phố cảng Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, toàn bộ 18 triệu cư dân buộc phải xét nghiệm Covid-19 sau khi một số ca nhiễm được phát hiện vào tuần trước, theo Tân Hoa Xã. Giới chức nhấn mạnh rằng thực phẩm và các mặt hàng khác đã được chuẩn bị đầy đủ, dù một tờ báo địa phương đưa tin về tình trạng cháy hàng tại các siêu thị khi người dân bắt đầu tích trữ vì lo sợ.

Trong khi đó, các bài báo, bài viết về việc ứng phó với dịch bệnh được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc - bao gồm mẹo bảo quản rau củ hay những gì cần chuẩn bị khi phải đi cách ly. Các bài báo khác nói về cách các thành phố đảm bảo đủ nguồn cung cấp hàng hóa trong thời gian phong tỏa.

Bầu không khí lo lắng xuất hiện khi Trung Quốc bước vào giai đoạn khó khăn của cuộc chiến chống lại Covid-19. Làn sóng dịch bệnh ở Thượng Hải, cũng như tỉnh Cát Lâm vùng đông bắc, đã chứng kiến biến chủng Omicron BA.2 lây lan đến mức chưa từng thấy ở Trung Quốc.

Một nhân viên chống dịch đứng giữa hàng rào phong tỏa tại Thượng Hải.

reuters

Cát Lâm rồi đến Thượng Hải lần lượt là tâm điểm của đợt bùng phát lần này, song 29 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, tức gần như toàn bộ Trung Quốc, đã ghi nhận ca nhiễm. Điều này tạo ra thách thức đáng kể đối với Trung Quốc khi nước này vẫn kiên định với chiến lược "zero-Covid" để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Trên thực tế, trong những ngày đầu của đợt bùng phát lần này, Thượng Hải vẫn áp dụng có tiếp cận có phần mềm mỏng hơn khi chỉ phong tỏa từng phần và thậm chí có lúc làm dấy lên đồn đoán về việc từ bỏ chiến lược "zero-Covid". Song trung tâm tài chính của Trung Quốc cuối cùng đã "quay xe" để áp dụng các biện pháp hà khắc nhất. Và ít nhất 3 cán bộ địa phương đã bị cách chức vì sai sót trong công tác chống dịch. Trong khi đó, thành phố Thâm Quyến ở phía nam đã được ca ngợi vì kiểm soát dịch bệnh bằng cách nhanh chóng phong tỏa toàn thành trong vòng một tuần hồi tháng 3.

Câu chuyện của Thượng Hải có thể tạo tiền lệ cho các biện pháp ngày càng khắc nghiệt được triển khai ở những nơi khác nhằm kiểm soát dịch bệnh, các chuyên gia nhận định.

"Ngay cả khi đã xét nghiệm toàn dân, chúng ta có thể nói rằng virus đã lan ra ngoài Thượng Hải trước khi thành phố bị phong tỏa", Nicholas Thomas, phó giáo sư, chuyên gia về an ninh y tế tại Đại học Thành phố Hong Kong, nhận định trên CNN.

"Trong khi cách tiếp cận có mục tiêu có thể sẽ được áp dụng ở các thành phố nhỏ, di sản của Thượng Hải sẽ là sự trở lại của việc phong tỏa diện rộng tại các thành phố lớn hơn trong ngắn và trung hạn", ông nói.

Thượng Hải phong tỏa chống Covid-19, du học sinh than thở "như sống trong lồng"

Bùng phát cùng lúc

Quảng Châu là đô thị lớn tiếp theo sau Thượng Hải áp đặt phong tỏa toàn thành, bắt đầu từ tuần này, dù mới chỉ có vài chục ca nhiễm. Là trung tâm thương mại, sản xuất quan trọng ở cửa ngõ phía nam với sân bay bận rộn nhất Trung Quốc, Quảng Châu cho đến nay chưa mạnh tay như Thượng Hải, song có thể từng bước gia tăng mức độ hạn chế.

Theo đó, từ ngày 11.4, người bên ngoài không được phép đi vào thành phố, trong khi cư dân Quảng Châu chỉ được rời khỏi thành phố nếu với lý do đặc biệt cũng như phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ.

Toàn bộ 11 quận của thành phố đã thông báo kế hoạch xét nghiệm người dân từ 8.4. Các trường tiểu học và trung học đã chuyển sang dạy học trực truyến, một số khu dân cư đã bị phong tỏa một phần và một trung tâm triển lãm đã được cải tạo thành bệnh viện dã chiến.

Một bệnh viện dã chiến ở Quảng Châu.

Reuters

Tại thành phố Vũ Hán, nơi các ca Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào cuối năm 2019, hành khách đi tàu điện hiện tại cần xuất trình kết quả xét nghiệm Covid âm tính.

Và ở Bắc Kinh, cư dân sống tại một khu vực được gọi là nguy cơ cao đã bị hạn chế di chuyển, sau khi 8 ca nhiễm được phát hiện tại đây trong 2 tuần. Các nhà chức trách ở thủ đô Trung Quốc tuần trước cho biết hàng trăm người tiếp xúc gần đang được theo dõi. Họ cũng đang giám sát "nhiều chuỗi truyền bệnh", bao gồm những người từng ghé qua một cửa hàng quần áo và một trường mẫu giáo.

Các địa phương lân cận Thượng Hải đã áp đặt phong tỏa theo những mức độ khác nhau do lo ngại về nguy cơ virus lây lan từ thành phố lớn nhất Trung Quốc. Tại tỉnh láng giềng Chiết Giang, chính quyền cam kết sẽ tăng cường kiểm soát những người vào tỉnh.

Hiện tại, tình trạng bùng phát dịch bệnh ngoài Thượng Hải vẫn ở quy mô nhỏ. Song hiệu quả của những biện pháp này - và tác động của chúng đến cuộc sống con người như thế nào - về lâu dài vẫn là một câu hỏi lớn.

Một nghiên cứu chung của nhóm tác giả đến từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Chiết Giang ở Trung Quốc, Đại học Princeton ở Mỹ và Đại học Trung văn Hong Kong cho thấy cách tiếp cận "zero-Covid" của Trung Quốc có thể khiến sản lượng kinh tế sụt giảm ít nhất 46 tỷ USD mỗi tháng - tức 3,1% GDP Trung Quốc.

Song các nhà phân tích từ lâu đã cho rằng Trung Quốc sẽ không mạo hiểm từ bỏ hay điều chỉnh lập trường "zero-Covid" trước đó vì lo ngại bất ổn. Giới chức y tế đã cảnh báo virus có thể làm tê liệt các hệ thống chăm sóc sức khỏe và khiến người già, những người chậm tiêm chủng, gặp nguy hiểm.

Nhất là khi tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm nhạy cảm về chính trị đối với Bắc Kinh: trước Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra vào mùa thu năm nay. Dự kiến thông qua sự kiện được tổ chức 5 năm một lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền với nhiệm kỳ thứ ba - động thái chưa từng có trong những thập kỷ gần đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.