'Thành phố nghĩa tình', một thương hiệu độc đáo trên thế giới

26/01/2017 11:04 GMT+7

Tôi không phải cư dân Sài Gòn. Và thành phố này cũng chưa cho tôi sự gắn bó ngày mới gặp gỡ, ngày đó cách đây đã 42 năm.

Nhưng năm tháng dần qua, cùng với tuổi tác và sự từng trải, tôi đã có những cảm nhận sâu hơn về Sài Gòn.
Thành phố nào cũng có lịch sử của nó. So với Hà Nội thì Sài Gòn trẻ hơn nhiều về tuổi đời. Nếu nói về bề dày lịch sử, Sài Gòn cũng chưa phải đã “tầng tầng lớp lớp” những dấu ấn lịch sử hằn lên.
Nhưng thành phố này lại có một điều đặc biệt. Đó là thành phố hào sảng bậc nhất, nghĩa tình bậc nhất trong nước. Vì sao như vậy ?
Những cư dân đầu tiên của Sài Gòn là những lưu dân. Chủ yếu họ từ miền Trung vào sinh cơ lập nghiệp ở đất Chín Rồng, và là những người đầu tiên xây dựng lên Gia Định thành. Vị Tổng trấn vĩ đại của Gia Định thành là Lê Văn Duyệt, một người quê Quảng Ngãi. Và tôi còn tự hào hơn, vì ông là đồng hương cùng huyện Mộ Đức với tôi. Chính Lê Văn Duyệt đã thiết kế cho Gia Định thành một vóc dáng sẽ phát triển về sau này, đã là người đầu tiên đưa Sài Gòn mở cửa. Dưới triều Minh Mạng, Sài Gòn là một “thành phố kênh rạch” mà tôi nghĩ, nếu bảo tồn và phát triển tốt, nó đã không thua gì Venice của Italia.
Nhưng quan trọng hơn việc xây dựng thành phố, là việc xây dựng nhân cách con người thành phố.
Sài Gòn là thành phố của những người nhập cư với lý lịch bản thân đầy phức hợp. Nhưng vì sao, khi vào sinh sống, lập nghiệp tại Sài Gòn, những người nhập cư ấy đã nhanh chóng coi Sài Gòn là “thành phố của mình”? Chính từ cái nghĩa tình đối đãi với nhau của những cư dân thành phố. Rất nhiều người dân Sài Gòn sống một cách nghĩa hiệp. Họ biết chia sẻ, biết sống vì người khác. Có thể trong cùng một con phố, những cư dân chưa biết mặt nhau. Nhưng họ sẵn sàng cùng nhau làm việc nghĩa. Mà việc nghĩa thì không thiếu ở một thành phố năng động vào bậc nhất thế giới này. Tôi yêu Sài Gòn vì chất nghĩa hiệp của người Sài Gòn. Với một tiếng nhắc khẽ: “Chân chống kìa anh!” là người ngồi xe máy quên gạt chân chống lên đã cảm thấy mát lòng. Không phải chỉ những khi dập lửa một đám cháy mới có tình nghĩa với nhau, mà mỗi cử chỉ dù nhỏ nhặt trên đường phố cũng đủ cho người nơi khác mới đến thấy Sài Gòn thân thiện như thế nào.
Bây giờ thì những quán trà đá miễn phí, những xe hàng chất đầy quần áo ủng hộ cho người nghèo được chở giữa phố, những quán cơm tình nghĩa giá 2 nghìn - 5 nghìn đồng một bữa ăn khá tử tế, là những hoạt động thường xuyên tới mức bình dị ở Sài Gòn. Một số anh chị lãnh đạo thành phố đã thường tới ăn những bữa cơm tình nghĩa nầy, và đã đóng góp thực tâm cho quán hoạt động bền vững. Sài Gòn còn bao nhiêu người nghèo? Có thể rất khó thống kê chính xác. Nhưng chỉ cần “không người nghèo nào bị lãng quên” là thành phố đã hiện trước tôi với tầm cao thanh sạch của lòng nhân ái. Tiền luôn luôn quan trọng, nhưng tình còn quan trọng hơn rất nhiều. Hằng năm, tôi đã gặp rất nhiều đoàn làm công tác xã hội từ thiện về quê tôi Quảng Ngãi để cứu trợ lũ lụt, hỗ trợ người nghèo ăn Tết, và… Những đoàn quân nhân ái ấy hoàn toàn tự phát, cá nhân, vô vị lợi. Nếu bây giờ có những ai đó giàu có dùng hoạt động từ thiện của mình như một hình thức đánh bóng thương hiệu, ai đó dùng mạng xã hội để tung hô những cuộc tình dở khóc dở cười và kệch cỡm tới mức Vũ Trọng Phụng, tác giả Số Đỏ, có sống lại cũng phải “lạy bằng cụ”, thì vẫn còn biết bao người Sài Gòn lặng lẽ làm việc nghĩa, bình thản làm việc nhân ái và coi đó như bổn phận của mình.
Tôi yêu thành phố này vì lẽ đó.
Hàng vạn, hàng triệu con người sống hào hiệp nghĩa tình như vậy ở một thành phố lớn nhất nước đã như vô tình làm nên một thương hiệu của Sài Gòn. Đó là “Thành phố nghĩa tình”. Thương hiệu ấy là độc đáo, thậm chí là có một không hai trên thế giới.
Chúng ta đang xây dựng “thành phố đáng sống”, “thành phố thông minh” hay “thành phố văn minh”. Những danh hiệu này trên thế giới đã có khá nhiều. Nhưng tôi bảo đảm, thế giới chưa có một thành phố lớn nào được mang danh là “Thành phố nghĩa tình”, như Sài Gòn đã có những cơ sở vô cùng hiện thực để được mang danh.
Và tôi cũng nói luôn: chính thái độ và tình cảm đối với người nhập cư đã quyết định cho Sài Gòn có được thương hiệu “Thành phố nghĩa tình”.
Người nhập cư từ bao đời nay đã góp phần lớn lao nhất xây dựng lên Sài Gòn. Họ có thể rất giàu, có thể rất nghèo, có thể chưa có “hộ khẩu đàng hoàng thành đô”, nhưng một khi họ là những người lao động lương thiện, họ đã góp phần cụ thể xây dựng lên thành phố này.
Tôi muốn nói với những người lãnh đạo Sài Gòn bây giờ, hãy rất chú trọng tới những vùng ven đô, những huyện sắp lên quận và những huyện vẫn còn là huyện của thành phố. Việc đầu tư xây dựng những khu ngoại ô sẽ nói lên tình nghĩa của lãnh đạo thành phố với nhân dân. Vì, ai cũng biết, những vùng ngoại ô hiện vẫn còn nghèo, và là nơi tập trung người lao động nhập cư. Sài Gòn - TP.HCM không thể là “Thành phố nghĩa tình” nếu không giải quyết được công ăn việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của những người lao động nhập cư. Hãy có những kế hoạch năm năm, mười năm để những vùng ngoại ô phát triển thành những vệ tinh năng động và giàu có của thành phố.
Tôi vừa có dịp đi Cần Giờ và rất muốn viết một ký sự về “rừng ngập mặn Cần Giờ”, nơi mà tôi cho là đã và sẽ cứu thành phố khỏi rất nhiều tai ương. Cần Giờ vẫn đang là một huyện nghèo, mặc dù đây là khu sinh quyển thế giới, là niềm tự hào của một thành phố đông dân cư vào bậc nhất châu Á.
Để thực sự có thương hiệu “Thành phố nghĩa tình”, Sài Gòn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng ngay từ bây giờ, cư dân thành phố mang tên Bác Hồ đã khiến thành phố mình, dù Tết này không bắn pháo hoa, vẫn rực rỡ một không gian thân thiện và cuốn hút. Đây có phải là “Thành phố đáng sống” không ư, hãy hỏi chính những người dân đang bị nạn kẹt xe hay triều cường làm mệt mỏi nhiều khi, họ sẽ trả lời chính xác cho bạn. Bởi dù có những lúc mệt mỏi bực bội như thế, thành phố này vẫn rất đáng sống đối với họ, nếu so với những thành phố lớn khác trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.