Câu chuyện nắm cát tha hương của người xứ Quảng

26/01/2017 09:00 GMT+7

Ngôi chợ xứ Quảng giữa Sài Gòn đã tấp nập. Người ta mua rau Trà Quế thơm ngát; bánh đa đường ngọt lịm; củ nén, củ tỏi Lý Sơn nồng ấm; cái bánh tổ vàng ươm... Và cũng ít ai quên mua thêm vài nắm cát.

“Trẻ xứ tôi lớn lên trong cát. Người già chết con cháu cũng gánh cát đổ vô hòm để liệm. Giờ xa quê, dù nghèo cỡ mô, năm hết Tết đến cũng phải mua cho được nắm cát quê thay lư hương cho bàn thờ ấm áp”, bà Huỳnh Thị Hằng, 80 tuổi, quê Quảng Nam, chia sẻ.

Nắm cát quê ấm lòng người tha hương

Món hàng đặc biệt ở chợ bà Hoa ẢNH: PHAN GIANG
Theo phong tục, cứ từ 20 đến 23 tháng Chạp, nhiều người lại lau dọn bàn thờ, thay cát trong lư hương. Tới dịp này, ở một góc chợ bà Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM), bà Nguyễn Thị Lợi lại bày ra bao cát trắng. Trên có cắm cái biển viết tay trên tấm bìa các tông “Bán cát thay nồi lư hương”.
20 năm trước, lần đầu đặt cái bao cát ra trước cửa tiệm, nhiều người đi ngang xì xầm. Có ý bảo: "Cái bà đến là ngộ. Tới nắm cát cũng đem bán". Thế nhưng, có sinh ra ở vùng cát nóng miền Trung, đôi khi có ăn chén cơm lẫn vài hạt cát như người đàn bà này mới hiểu giá trị của hạt cát nhỏ bé này ra sao.
10 tuổi, bà theo mẹ từ Quảng Điền, Quảng Nam tha hương vào Sài Gòn. Kẽ đôi dép còn vương vài hạt cát trên rú quê nhà. Từ đó, vài ba năm, bà theo mẹ về quê. Lần nào, người lớn cũng dắt trẻ con đi thắp hương trên mộ ông bà. Ngày trở vô Sài Gòn, thế nào họ cũng hốt theo túi cát trắng.
Bà Lợi, người đầu tiên chở cát trắng từ Quảng Nam vào Sài Gòn để bán
ẢNH: PHAN GIANG
"Hồi nớ chỉ biết người lớn lấy cát quê thay lư hương. Bởi đó là loại cát sạch, trắng phau. Và do rất mịn nên khi cắm cây nhang đứng thẳng, không bị ngả nghiêng. Lớn lên, tôi có gia đình, có bàn thờ thờ cúng riêng, lần nào về quê trở vô, tôi cũng lại hốt theo túi cát. Đến lúc đó tôi mới hiểu trong nhà có nắm cát quê cảm giác ấm áp biết chừng nào", bà Lợi chia sẻ.
Vậy là khi mở cái tiệm nhang, đèn, đặc sản xứ Quảng, bà bán thêm cát trắng. Những bao cát nặng trĩu theo chuyến xe đường dài từ miền Trung vào Sài Gòn hoa lệ. Bà Lợi lại sàng sẩy, hong cho khô cho thơm mùi nắng rồi mới bán. Mỗi lon cát có giá bằng một ổ bánh mì không. Mà giá trị của món hàng đặc biệt này không còn ở những đồng tiền lẻ.

Góc trang trọng của người xa quê

Cát quê không chỉ là một món hàng ẢNH: PHAN GIANG
Giờ dân Quảng ở Sài Gòn muốn mua cát trắng quê nhà cứ chạy đến chợ bà Hoa. Người mua chỉ một vài lon mà mỗi năm bà Lợi cũng bán trên hai tấn cát. Ngoài tiệm của bà thì vài nơi khác cũng bắt đầu bán cát.
Hoạt động buôn bán cát trắng diễn ra quanh năm. Nhưng đặc biệt tấp nập vào dịp gần Tết. Khi cơn gió Bấc hiu hiu đủ se thắt lòng người tha hương vời vợi nỗi nhớ quê nhà. Trước ngày đưa ông Táo về trời, người ta lại đổ cát cũ đi và thay cát mới cho lư hương. Và nắm cát mới ấy, phải là nắm cát trắng xứ Quảng quê nhà. Nơi chôn nhau cắt rốn, nơi yên nghỉ của tổ tiên ông bà.
Bà Huỳnh Thị Hằng, một khách hàng lâu năm của bà Lợi, cho biết: "Năm nào nhà tui cũng phải thay lư hương bằng nửa bao cát. Mình cắm cát quê hương mình thích hơn. Tưởng tượng như quê nhà đang ở rất gần".
Trên 40 năm xa quê, người đàn bà này vẫn không nguôi nỗi nhớ: "Quê tôi ở Đại Lộc,Điện Bàn, Quảng Nam. Hồi nhỏ khóe chân lúc nào cũng lấm tấm cát. Cát An Thới quê tôi trắng phau. Mỗi lần gia đình nào có người chết, 2 - 3 người lại đi gánh cát nớ về đổ vô hòm để lịm. Bởi vậy người ta nói sống trong cát, chết cũng vùi trong cát là rứa đó".
Bà Hằng, bà Lợi cũng như bao người xứ Quảng tha hương khác. Mấy chục năm xa quê nhưng cái chất giọng miền Trung "chi, mô, răng, rứa" vẫn không hề thay đổi. Như bản chất thủy chung son sắt vốn có của người miền quê ấy thách thức mọi đổi thay.
Cát nồi lư hương trên bàn thờ gia tiên phải là cát quê hương
ẢNH: PHAN GIANG
"Tôi có 8 đứa con, 30 đứa cháu, tôi dạy chúng nó bàn thờ ông bà phải luôn giữ sạch sẽ. Mai này tôi có chết rồi, chúng nó cũng phải nhớ năm nào cũng có nắm cát quê đặt lên bàn thờ. Không về quê được thì tưởng nhớ bằng tâm trí mình vậy", người đàn bà 80 tuổi chia sẻ.
Ngôi chợ quê nhà xứ Quảng giữa Sài Gòn đã vào mùa tấp nập. Người đi chợ đã chuẩn bị sắm sửa đồ ăn Tết. Người ta mua từng cọng rau thơm Trà Quế thơm ngát; cái bánh đa đường ngọt lịm; củ nén, củ tỏi Lý Sơn nồng ấm; cái bánh tổ vàng ươm... Và cũng ít ai quên mua thêm vài nắm cát. Cát trắng 5 nghìn đồng một lon sữa bò, bằng giá một ổ bánh mì không. Nhưng có lẽ, giá trị của nó không nằm ở những đồng tiền lẻ.
Nhiều người miền Trung gắn bó đời mình với những rú cát. Bưng chén cơm cũng bị gió đẩy đưa vô vài hạt cát. Vì vậy, nỗi nhớ, niềm thương của họ cũng đã bám rễ vào mặt cát quê hương. Dù tha hương, nhưng tâm hồn họ, nỗi nhớ của họ ở quê nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.