Thanh toán 'chui' nở rộ

24/08/2018 07:28 GMT+7

Các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng WeChat Pay, Alipay tại Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang ngày càng phổ biến, công khai, trong khi các công cụ quản lý của nhà nước hoàn toàn không có.

“Chấp nhận thanh toán WeChat”
Tờ giấy màu xanh “Chấp nhận thanh toán qua WeChat Pay” xuất hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng khu vực đường Hậu Cần, Vườn Đào, Cái Dăm (P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long). Ông Nguyễn Quốc Dũng, chủ một cửa hàng trang sức tại P.Bãi Cháy chuyên phục vụ khách Trung Quốc, kể: “Họ chỉ cầm chiếc điện thoại thông minh chụp vào QRcode (mã phản hồi nhanh) là có thể thanh toán xong mà không phải dùng đến tiền mặt. Vì tiện lợi nên rất nhiều khách Trung Quốc đến mua hàng đều hỏi có thanh toán qua WeChat Pay hay không. Vì vậy, tôi cũng lập một tài khoản WeChat Pay để giao dịch. Để tham gia dịch vụ này, phải có một tài khoản Visa hoặc MasterCard của ngân hàng VN. Nếu không thì nhờ một người Trung Quốc mở tài khoản phía nước họ cũng được. Khi thanh toán, chủ cửa hàng sẽ in mã vạch và dán lên các sản phẩm của mình để khách có thể thanh toán qua WeChat khi cần”.
Tại siêu thị có tên Nông sản Việt trên đường Hạ Long, P.Bãi Cháy, anh Tuấn, chủ siêu thị, cho biết: “Trước đây có nhiều khách Trung Quốc đến mua sắm yêu cầu chúng tôi thanh toán qua WeChat nhưng chúng tôi không có. Cách đây khoảng 1 tuần, có người xưng là của Công ty Vimo đến giới thiệu cách mở tài khoản và tôi đồng ý. Ngay sau đó được cấp một mã QRcode và giao dịch thành công”.
Ông Trần Nhuận Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên tỉnh Quảng Ninh, xác nhận rất nhiều khách Trung Quốc muốn dùng WeChat để mua sắm cho an toàn và tiện lợi, lại dễ có khuyến mãi.
Để phục vụ đối tượng khách này, nhiều cửa hàng đã đồng ý thanh toán tiền qua WeChat. Thậm chí nhiều hướng dẫn viên cũng gợi ý du khách thanh toán qua WeChat nên việc này dần trở thành phổ biến.
Một cửa hàng trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP.Nha Trang) chấp nhận thanh toán bằng WeChat Pay Ảnh: Nguyễn Chung
Tại TP.Đà Nẵng, tình trạng thanh toán qua Alipay, WeChat Pay không chỉ có ở chợ Hàn mà nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng dùng ứng dụng này để thanh toán với đối tác. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỳ nghỉ Đà Nẵng - Chủ nhiệm CLB lữ hành khai thác thị trường Trung Quốc, khẳng định chính từ nhu cầu của du khách, đối tác Trung Quốc mà nhiều đơn vị trong nước vì lợi nhuận đã bất chấp.
Th.S Lê Văn Hiển, chuyên gia tài chính, cho hay không chỉ Alipay, WeChat Pay... mà nhiều hình thức thanh toán trung gian như vậy cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở VN. Đơn cử là thanh toán qua card, qua thẻ của các dịch vụ vận chuyển, người dân chấp nhận thanh toán cho thấy nhu cầu và sự tiện lợi của phương thức này. “Do hệ thống kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không làm được, nên không chỉ thất thu thuế, các ngân hàng thương mại không giữ lại được tiền để kinh doanh, mà còn ảnh hưởng an ninh tiền tệ, tiền Trung Quốc lưu thông vô tội vạ trên lãnh thổ”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng cho biết phương thức thanh toán trung gian này khoảng 3 năm qua có 5 - 6 đơn vị của VN đã làm được, nhưng ngành ngân hàng, thuế chưa phối hợp để triển khai và kiểm soát, để Alipay, WeChat Pay lấn sân.
Nhiều cửa hàng tại Hạ Long công khai chấp nhận thanh toán qua WeChat Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu
Quản lý nhà nước: loay hoay
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ninh, khẳng định hiện nay các ngân hàng ở VN chưa liên kết với WeChat. Vì vậy, nếu giao dịch tại VN qua WeChat là sai luật. Việc tiền chạy từ “ví điện tử này qua ví điện tử” kia trên WeChat mà không được ngân hàng nào của VN kiểm soát cũng khiến nhà nước thất thu thuế.
Ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND TP.Hạ Long, thừa nhận: “Thời đại công nghệ 4.0 nên có nhiều vấn đề cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp được. Ngoài việc giao cho lực lượng chức năng rà soát, chúng tôi cũng chỉ có thể tuyên truyền tới các chủ cửa hàng không tiếp tay cho hành vi thanh toán trái phép này. Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cũng mới chỉ có biện pháp chống thất thu thuế bằng cách để các cửa hàng tự khai, nếu phát hiện cửa hàng nào gian lận mới yêu cầu khai lại và thanh tra”.
Chủ một cửa hàng tại TP. Hạ Long đang dán quảng cáo chấp nhận thanh toán qua WeChat để giao dịch với khách Trung Quốc Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu
Trao đổi với Thanh Niên ngày 23.8, đại diện NHNN cho biết, đang tăng cường chỉ đạo thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các đơn vị thanh toán bằng WeChat Pay, Alipay bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật, trốn thuế và tiềm ẩn rủi ro cho các cửa hàng tại VN. Cụ thể, quy trình thanh toán trái phép này được thực hiện như sau: khách du lịch mua hàng chuyển thẳng tiền ra nước ngoài thông qua các máy chấp nhận thẻ (POS) hoặc mã phản hồi nhanh (QRcode) trái phép mà không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của VN. Các giao dịch này đều được thực hiện bằng các POS hoặc QRcode được đưa trái phép từ nước ngoài vào VN.
Đại diện NHNN thừa nhận: Hiện nay đa số du khách đều có thiết bị di động thông minh và có thể dễ dàng cài đặt các ứng dụng thanh toán do các tổ chức thanh toán ở nước ngoài cung cấp. Vì vậy, VN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đối với việc sử dụng trái phép các thiết bị POS, đặc biệt là thanh toán qua các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện thoại di động trái phép.
Rủi ro cho cửa hàng VN
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, giải thích bản chất của hình thức thanh toán này là cửa hàng nằm ở VN, mua sắm ở VN nhưng sử dụng hệ thống thanh toán, cửa hàng nhận tiền của du khách ở Trung Quốc. Dòng tiền được chuyển từ tài khoản của du khách (mở tại ngân hàng Trung Quốc) sang cho cửa hàng mở tài khoản tại Trung Quốc, chứ không phải chuyển tiền từ VN ra nước ngoài. Về mặt kỹ thuật, khách Trung Quốc dùng điện thoại di động kết nối vào hệ thống thanh toán của nước ngoài, sử dụng ID của cửa hàng Trung Quốc để kết nối vào hệ thống thanh toán tại nước họ. Các cửa hàng có thể trốn được thuế, phí nhưng phải đối mặt với rủi ro vì cửa hàng của VN nhưng lại thanh toán thông qua ID - tài khoản mở bên Trung Quốc. Nếu không có sự tiếp tay, hỗ trợ thì có thể không nhận được tiền từ phía Trung Quốc chuyển về cho các cửa hàng tại VN. Trong khi nhà nước thì thất thoát lớn thuế, phí. “Đây là các vấn đề liên quan đến vai trò, chức năng của nhiều bộ, ngành, cơ quan. Đặc biệt cần sự quản lý, thanh tra và giám sát trực tiếp của các cơ quan chức năng tại địa phương để xử lý triệt để. Đảm bảo hoạt động kinh doanh của các cửa hàng này tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh được nguy cơ thất thu về thuế cho nhà nước…”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.