Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển TP.Cần Thơ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/01/2022 07:09 GMT+7

Chiều 7.1, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ.

Tạo động lực phát triển cho khu vực ĐBSCL

Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội (QH) 8 chính sách đặc thù cho TP.Cần Thơ với 6 chính sách đã được thí điểm với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng liên quan tới quản lý tài chính, đất đai, điều chỉnh cục bộ quy hoạch... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất 2 chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và các dự án tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Cảng Cái Cui sẽ là một trong những nơi hưởng lợi lớn để phát triển, mở rộng khi luồng Định An được khơi thông

Đình Tuyển

Nêu ý kiến thảo luận, hầu hết các đại biểu (ĐB) đều đồng tình với các chính sách đặc thù được đề xuất thí điểm cho TP.Cần Thơ. Theo các ĐB, các chính sách này không chỉ tạo điều kiện cho TP.CầnThơ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững mà còn giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho khu vực ĐBSCL “chuyển mình, cất cánh” trong tương lai.

Góp ý cụ thể, ĐB Nguyễn Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho rằng dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ khi được triển khai sẽ tháo gỡ điểm nghẽn quan trọng trong hạ tầng giao thông của các tỉnh vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, ĐB Trang đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá làm rõ tính kết nối, huy động sự tham gia đồng bộ, tích cực của các địa phương trên tuyến dự án; đồng thời đánh giá kỹ tác động môi trường để có phương án khả thi nhất hạn chế tối đa các tác động môi trường, không làm phát sinh xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều hiện có. Đối với dự án này, theo ĐB Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu), cần quan tâm tới phát triển kết nối giao thông đồng bộ không chỉ đường thủy mà các loại hình khác trong khu vực ĐBSCL

Quan tâm hạ tầng giao thông

Đối với chính sách cho khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ, ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị nên định hướng đây là trung tâm sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao và cần có tiêu chí cụ thể. Như vậy mới có thể áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao với giá trị gia tăng lớn, thương hiệu mạnh, khả năng cạnh tranh cao để thâm nhập thị trường toàn cầu.

Đồng tình với quan điểm cho rằng hàng hải và nông sản là 2 lĩnh vực mũi nhọn của TP.Cần Thơ cũng như ĐBSCL, ĐB Trần Thị Hoa Ry cho rằng: “Với cơ chế chính sách cho khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, tôi đề nghị cũng cần xem xét quy hoạch tổng thể hơn, đặc biệt là quy hoạch vùng sản phẩm ứng dụng công nghệ cao kèm theo các giải pháp của nhà nước, không để tình trạng “được mùa rớt giá” như vừa qua”.

Theo ĐB Trần Thị Hoa Ry, một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của TP.Cần Thơ chính là kết nối hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng cao song chưa được cụ thể hóa thành chính sách trong dự thảo Nghị quyết. “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu các vấn đề này bổ sung vào Nghị quyết”, ĐB Trần Thị Hoa Ry nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.