Tháo nút thắt nơi cửa ngõ TP.HCM

29/01/2024 06:42 GMT+7

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, ùn tắc khắp tuyến đường trong nội đô, đặc biệt nơi cửa ngõ TP.HCM là nỗi ám ảnh với người dân. Cũng vì thế, việc khơi thông các cửa ngõ bằng 12 dự án mà TP đang triển khai được trông đợi hơn bao giờ hết.

Khởi động 12 công trình mở cửa ngõ TP

UBND TP.HCM đang lên kế hoạch triển khai thực hiện 12 dự án mở rộng đường, xây cầu nhằm xóa "nút thắt cổ chai" thường xuyên kẹt xe tại 4 cửa ngõ. Trong đó, có 5 dự án được áp dụng loại hợp đồng BOT theo cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm theo Nghị quyết 98, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng QL13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp, mở rộng QL1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp QL22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Nhìn vào danh sách trên, không khó để nhận ra công trình mở rộng QL13 - dự án đang nắm giữ kỷ lục về thời gian "nằm trên giấy" sau 22 năm trầy trật điều chỉnh. Đồng thời, đây cũng là công trình có tổng mức đầu tư lớn nhất, ước tính hơn 13.800 tỉ đồng. Là tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM và Bình Dương, đi các tỉnh Tây nguyên, đoạn đường gần 6 km từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương sẽ được mở rộng lên 53 - 60 m. Hiện nay, với mật độ phương tiện đông đúc, cửa ngõ 6 làn xe này thường xuyên quá tải.

Hy vọng thoát ám ảnh kẹt xe nhờ dự án mở rộng đường cửa ngõ TP.HCM

Đặc biệt, đoạn qua cầu Ông Dầu chỉ có 4 làn xe tạo thành "nút thắt cổ chai" khiến tình trạng căng thẳng lan rộng ra khắp tuyến đường xung quanh. Để tạm thời "chữa cháy", Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) mới đây đã hoàn thành mở rộng cầu Ông Dầu bằng cách xây thêm một cầu tạm, giúp nới phần cầu thêm khoảng 2 m về phía bên phải, giúp các phương tiện thoát nhanh hơn. Bởi vậy, công trình mở rộng toàn bộ QL13, đối với người dân TP.Thủ Đức, sự trông đợi không kém gì ngóng giấc mơ metro thành hiện thực.

Tháo nút thắt nơi cửa ngõ TP.HCM- Ảnh 1.

TP.HCM đang triển khai các dự án để giải tỏa kẹt xe ở cửa ngõ đông bắc

Nhật Thịnh

Cùng với mở rộng QL13, cửa ngõ phía đông TP.HCM cũng chuẩn bị được triển khai thêm hai công trình là mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao ngã năm Đài liệt sĩ. Đường Ung Văn Khiêm, từ nút giao ngã năm Đài liệt sĩ đến Khu du lịch Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) lâu nay là điểm nóng ùn tắc. Cứ vào giờ cao điểm sáng và chiều, hàng ngàn phương tiện nối đuôi di chuyển chậm chạp, biến con đường thành một "rừng người" nhích từng chút trong khói bụi. Đây cũng là hai dự án nằm trong cụm công trình khơi thông cửa ngõ phía đông, "xếp hàng" cùng QL13 chờ hơn 2 thập niên qua do vướng bài toán tài chính.

Theo Sở GTVT TP.HCM, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được áp dụng phương án trả chậm bằng ngân sách, thay vì thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước. Hai dự án Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao ngã năm Đài liệt sĩ nằm trong nhóm ưu tiên triển khai theo hình thức BT. Dự kiến, đường Ung Văn Khiêm sẽ được mở rộng theo lộ giới 30 m, quy mô 6 làn xe, dài 1,7 km, kéo dài từ ngã năm Đài liệt sĩ đến nhà hàng Tân Cảng. Tại ngã năm Đài liệt sĩ sẽ làm vòng xoay với đường kính 22,5 m phía bên trên, phía dưới thiết kế hầm chui.

Phía tây TP, mỗi dịp cuối tuần hay cao điểm lễ tết, các tuyến đường QL1, QL22 lại biến thành "bãi đậu xe" khổng lồ kéo từ khu vực đường Trường Chinh, Cộng Hòa… Do đó, không chỉ tập trung mở rộng hai tuyến quốc lộ, việc mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý cũng được xác định là công trình chiến lược trong giai đoạn tới. Theo kế hoạch, đường Trường Chinh sẽ được mở rộng (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ dài 765 m) lên 30 m cho 6 làn xe lưu thông, rộng gấp khoảng 3 lần mặt đường hiện hữu, bằng với đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Lê Trọng Tấn dài 636 m) sau khi hoàn thành mở rộng.

Hai dự án này đã được thai nghén từ năm 2005 khi tình trạng kẹt xe diễn ra trầm trọng nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên chưa thể triển khai. Gần đó, đường Vĩnh Lộc (thuộc địa bàn H.Bình Chánh và Q.Bình Tân) mới đây cũng đã được đề xuất nâng cấp, mở rộng lên 30 m nhằm tạo kết nối giao thông đồng bộ giữa Bình Chánh, Bình Tân và H.Hóc Môn ở cửa ngõ phía tây TP.

Tại phía nam, cả hai dự án cầu đường Bình Tiên và nâng cấp trục đường Bắc - Nam đều sẽ được triển khai theo hình thức BOT, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028. Cùng với cầu đường Nguyễn Khoái đã trình nghiên cứu tiền khả thi, cả ba công trình này sau khi hoàn thành ước tính giảm tải tới trên 50% lượng phương tiện di chuyển trên đường Nguyễn Văn Linh, kết nối trực tiếp từ trung tâm TP ra tới Vành đai 2. Chưa kể, sẽ có cầu Thủ Thiêm 4 hình thành giảm áp lực nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Khu công nghiệp Tân Thuận... kết nối nhanh từ khu đô thị mới Thủ Thiêm tới khu nam TP.

Các dự án đang được gấp rút triển khai

Nhìn lại, kỹ sư Vũ Thắng, nguyên Phó ban Chuẩn bị đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông TP.HCM, chỉ ra tất cả dự án mở cửa ngõ TP đều đã được quy hoạch và triển khai từ cách đây rất nhiều năm. Điều đó cho thấy từ nhiều nhiệm kỳ trước, các thế hệ lãnh đạo TP đã xác định được tầm quan trọng của các tuyến giao thông huyết mạch kết nối liên vùng. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, TP tập trung giải bài toán giao thông nội đô, mở rộng, xây mới các mạng đường đô thị phía trong. Trong khi đó, nguyên tắc cơ bản là nếu bên ngoài tắc thì không thể tổ chức được giao thông nội đô thông suốt.

Tháo nút thắt nơi cửa ngõ TP.HCM- Ảnh 2.

Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ chuẩn bị tạm đóng 8 tháng để phục vụ thi công

H.M

Trong bối cảnh hiện nay, mạng lưới cao tốc dọc tuyến Bắc - Nam đang thần tốc hình thành, hệ thống đường Vành đai 3, Vành đai 2 cũng đã chịu áp lực phải khép kín nhanh nhất có thể. Chưa kể tại nhiều tuyến quốc lộ đoạn qua các địa phương khác cũng đã được mở rộng. Vì thế, TP không còn cách nào khác là phải dồn lực ưu tiên hoàn thành ngay các dự án mở cửa ngõ. Nếu không sẽ trở thành "nút cổ chai" không chỉ kéo ùn tắc vào vùng nội đô mà còn gây tắc nghẽn mạch thông thương, mạch kinh tế của toàn vùng.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, khẳng định chưa bao giờ các dự án đứng trước thời cơ thuận lợi để triển khai, mau chóng hoàn thiện như hiện nay. Hiện các dự án đều đã được hoạch định rõ chủ trương, cơ chế, nguồn vốn, xác định thời gian thực hiện chi tiết và được lãnh đạo UBND TP ưu tiên thúc đẩy. Đơn cử, 5 dự án thực hiện theo hợp đồng BOT đang được Sở GTVT lập đề án tiền khả thi, phấn đấu trong quý 2 trình chủ trương đầu tư, đến cuối năm lập dự án khả thi và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đến năm 2025 sẽ khởi công 5 dự án chiến lược này. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 thì đã nghiên cứu xong và trình Sở KH-ĐT nghiên cứu thẩm định dự án tiền khả thi… Cùng với đó, TP có 3 tuyến Vành đai (2, 3, 4) đều đang trong quá trình thực hiện. Vành đai 3 đang xây dựng bám sát tiến độ; Vành đai 2 đã thông qua chủ trương, đang triển khai khép kín tất cả các đoạn phía đông (từ đường Võ Chí Công đến QL1). Vành đai 4 cũng đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, triển khai sau Vành đai 3 một nhịp, theo tiến độ thì khoảng năm 2027 sẽ hoàn thành.

Tất cả các dự án chiến lược đang được gấp rút triển khai và chắc chắn sẽ xây dựng, hoàn thành trong vài năm tới. Khi đó, không gian đô thị, không gian hạ tầng được mở rộng, người dân sẽ thấy rõ một bức tranh giao thông TP rất khác.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm

Mạng lưới quốc lộ hướng tâm, vành đai khép kín sẽ nối trực tiếp vào các tuyến cao tốc mà Bộ GTVT đang chủ trì nghiên cứu mở rộng gồm: cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Về phía TP.HCM cũng đã chủ động đầu tư nút giao An Phú, đã làm đường song hành cao tốc, đang mở rộng đường Lương Định Của... Đến năm 2025, cơ bản đảm bảo kết nối với tuyến cao tốc sau mở rộng. Ngoài ra còn có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng đang được ưu tiên triển khai.

"Tất cả các dự án chiến lược đang được gấp rút triển khai và chắc chắn sẽ xây dựng, hoàn thành trong vài năm tới. Khi đó, không gian đô thị, không gian hạ tầng được mở rộng, người dân sẽ thấy rõ một bức tranh giao thông TP rất khác", Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định.

Đừng để dự án xóa tắc thành "thủ phạm" gây kẹt

Tuy vậy, trong thời gian chờ đợi thông cửa ngõ, những ngày cận kề Tết Nguyên đán, đường phố TP.HCM khắp mọi ngả đều hầm hập xe cộ, ùn ứ từ sáng sớm đến tối khuya. Nỗi ám ảnh kẹt xe càng lớn bao nhiêu thì niềm vui, kỳ vọng trước thông tin các công trình giao thông "động đậy", tăng tốc, càng tăng lên bấy nhiêu. Nhưng sự háo hức lại đi kèm với lo lắng bởi các dự án đồng loạt khởi công, thi công, cũng đồng nghĩa biến TP trở thành đại công trường. Trong khi vào cuối năm, tình trạng đào đường, rào chắn các dự án lớn trong trung tâm lần lượt được tháo dỡ thì cũng là lúc lô cốt lại bắt đầu "chạy" ra các cửa ngõ.

Điển hình, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) đang là nút thắt lớn nhất, bóp nghẹt giao thông khu nam TP. Đều đặn sáng nào cũng vậy, từ 7 giờ, hàng dài xe bồn, xe tải, xe con chia nhau dàn hàng hết hai làn đường, kéo dài hơn 1 km từ đoạn giao với đường Đông Tây (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) tới tận vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Cầu Rạch Đĩa 2 ngày hai lần sáng - chiều, chia đều hai hướng biến thành những "bãi đậu xe" khổng lồ, xe máy chen chúc len lỏi vào trong làn ô tô, leo lên cả phần cầu dành cho người đi bộ. Mỗi lần chủ đầu tư thông tin mở rộng thi công, tăng tốc thi công là thêm một lần diện tích mặt đường bị bó hẹp. Rồi những đoạn lồi lõm, ổ gà bắt đầu xuất hiện, khiến phương tiện càng di chuyển khó khăn hơn, chậm hơn.

Tháo nút thắt nơi cửa ngõ TP.HCM- Ảnh 3.

Mới nhất, Sở GTVT TP.HCM thông tin giai đoạn tới, dự kiến phải rào chắn toàn bộ nút giao để bắt đầu thi công 3 đốt hầm chính ngay giữa giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Chỉ vừa mới đọc thông tin "đóng" nút giao này, rất nhiều người dân sống tại khu vực xã Phước Kiển, H.Nhà Bè vô cùng hoang mang.

"Mới rào chắn thế mà xe cộ đã ùn ứ cả ngày rồi, giờ rào hết vào luôn thì xe đi kiểu gì? Sắp tới chắc chị em mình phải thuê phi cơ đi làm mất thôi", chị Ngọc Huyền nhắn tin cho người bạn gần nhà khi nghe tin chuẩn bị đóng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Nhiều người thậm chí tính phương án thuê tạm nhà gần cơ quan trong thời gian nút giao thi công bởi xe máy còn luồn lách chỗ này chỗ nọ, chứ xe container, ô tô "nhiều thế này thì đi đường nào? Dồn sang các đường khác vốn cũng đang chẳng rộng, chẳng thoáng gì, sẽ còn kẹt đến mức nào".

Đáng nói, dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được khởi công vào tháng 4.2020, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2023 nhằm giải tỏa ách tắc khu vực phía nam TP. Tuy nhiên, khi tiến độ đạt khoảng 35% thì dự án phải tạm ngưng vì vướng mắc công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn thành.

"Trên khắp TP, có hàng loạt dự án được kỳ vọng là chìa khóa giảm ùn tắc, cuối cùng đều ì ạch thi công, lùi tiến độ, trở thành "thủ phạm" gây kẹt xe, khiến người dân vô cùng ngao ngán. Có cầu mới, đường to ai chẳng muốn, nhưng chúng tôi mong lãnh đạo TP sát sao, đẩy nhanh công tác thi công để dự án nào dứt điểm dự án đó, đừng để mỗi công trình khởi công rồi lại đắp chiếu, ì ạch, nói làm 8 tháng mà chờ mấy năm thì người dân đi lại đã khổ, lại càng khổ hơn", chị Ngọc Huyền bày tỏ.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận 2024 tiếp tục là năm của các dự án, khối lượng công việc của ngành giao thông rất lớn. Giai đoạn này các công trình trọng điểm mở rộng, kết nối cửa ngõ TP đang tăng tốc, không thể tránh khỏi những tác động đến đời sống của bà con. "Ngành giao thông mong bà con thông cảm, cùng chia sẻ, tạo điều kiện để các dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, siết chặt công tác kiểm qua, quản lý quá trình thi công, tái lập mặt đường, đồng thời xây dựng phương án phân luồng giao thông hợp lý để đảm bảo tối đa điều kiện lưu thông cho người dân", đại diện Sở GTVT TP.HCM nói.

Dự kiến trong hai năm 2024 - 2025, TP.HCM sẽ tập trung triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 51 dự án giao thông chiến lược (lập, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, chủ trương đầu tư các dự án và phê duyệt các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư PPP), trong đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư 19 dự án đã được bố trí kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư 59 dự án chiến lược giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 231.048 tỉ đồng. Trong đó, 12 dự án khơi thông cửa ngõ chiếm hơn 67.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.