Ngày 14.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 28 bị can liên quan đến vụ bán rẻ “đất vàng” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) và một số đơn vị liên quan.
Đây là vụ án được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Trong vụ án này, có 22 bị can bị đề nghị truy tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó, có nhiều bị can từng là lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bình Dương, gồm: Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh…
6 bị can bị đề nghị truy tố về tội “tham ô tài sản”, gồm Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương; Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương; Nguyễn Thục Anh, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển (con gái bị can Nguyễn Văn Minh)… Riêng 3 bị can Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải, nguyên thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương bị đề nghị cả 2 tội danh.
Bên ngoài khu đất “vàng” 43 ha được bán với giá “bèo” |
Đỗ Trường |
“Bùa phép” để lấy đất
Theo kết luận điều tra, Tổng công ty Bình Dương là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, sau khi cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm quyền chi phối. Bị can Nguyễn Văn Minh là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương từ năm 2010 đến tháng 9.2017. Ông Minh còn đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành), là doanh nghiệp liên doanh giữa Tổng công ty Bình Dương và đối tác; Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng từ năm 2004 đến tháng 3.2019.
Trong quá trình điều hành hoạt động Tổng công ty Bình Dương, bị can Nguyễn Văn Minh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thao túng hoạt động của hội đồng thành viên theo mục đích cá nhân. Trong đó, quá trình liên doanh góp vốn 2 khu đất có vị trí đắc địa tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), bị can Nguyễn Văn Minh đã cố ý vi phạm các quy định pháp luật, vi phạm điều lệ, quy chế quản lý tài chính; không thực hiện việc định giá các khu đất này theo quy định mà tự ý định giá nhằm phục vụ cho mục đích chuyển nhượng trái phép các dự án đầu tư trên các khu đất này, không dựa trên cơ sở pháp lý nào, không có báo cáo và không được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt.
Cụ thể, từ năm 2010, bị can Nguyễn Văn Minh chủ trương liên doanh với đối tác thành lập Công ty Tân Phú để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha, có nguồn gốc nhà nước giao cho Tổng công ty Bình Dương quản lý. Sau đó, bị can Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm đã chuyển nhượng đất và cổ phần góp tại Công ty Tân Phú cho doanh nghiệp có liên quan đến con rể ông Minh là Nguyễn Đại Dương, cũng là bị can trong vụ án. Hậu quả là nhà nước mất toàn bộ sở hữu tại khu đất nêu trên với số thiệt hại là trên 201 tỉ đồng.
Năm 2007, ông Nguyễn Văn Minh ký hợp đồng liên doanh với 2 công ty Hàn Quốc lập ra Công ty Tân Thành, vốn điều lệ 30 triệu USD nhằm thực hiện dự án “CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp” trên khu đất 145 ha. Đến năm 2011, do khó khăn về vốn nên 2 công ty Hàn Quốc đã lập hợp đồng chuyển nhượng vốn và nhận góp thay vốn với Công ty TNHH Phát Triển, do con gái ông Minh làm Chủ tịch và Công ty CP Hưng Vượng, do ông Minh làm đại diện theo pháp luật.
Trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, bị can Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm đã không đưa lô đất 145 ha vào xác định giá trị doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 1.648 tỉ đồng. C03 xác định, hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Văn Minh là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại về tài sản cho nhà nước với tổng thiệt hại được xác định là 1.850 tỉ đồng.
Chiếm đoạt hơn 800 tỉ đồng
Cũng tại khu đất 145 ha, với mục đích tạo điều kiện cho Công ty Hưng Vượng có nguồn tài chính thanh toán các khoản nợ tồn đọng, cũng như để doanh nghiệp của con gái trả nợ ngân hàng, bị can Nguyễn Văn Minh đã quyết định chủ trương để Tổng công ty Bình Dương mua lại 19% vốn điều lệ của Công ty Tân Thành với giá hơn 105.000 đồng/cổ phần, so với giá trị trên sổ sách là 16.315 đồng/cổ phần (chênh lệch tăng thêm hơn 89.000 đồng/cổ phần).
Theo C03, trong số 19% vốn điều lệ tương ứng 9,12 triệu cổ phần, có 15% của Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý, cùng là cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát Triển và 4% từ Công ty Hưng Vượng. Thông qua đó, bị can Nguyễn Văn Minh và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 815 tỉ đồng của Tổng công ty Bình Dương. Trong đó, bị can Nguyễn Văn Minh chiếm hưởng 154 tỉ đồng; Nguyễn Thục Anh chiếm hưởng hơn 209 tỉ đồng; Trần Đình Như Ý chiếm hưởng hơn 201 tỉ đồng…
Sau khi vụ việc bị phát hiện, ngày 15.11.2019, theo chỉ đạo của bị can Nguyễn Văn Minh, các bên đã hủy hợp đồng mua bán cổ phần và trả lại cho Tổng công ty Bình Dương số tiền hơn 964 tỉ đồng.
Hành vi phạm tội của cựu Bí thư Bình Dương “đặc biệt nghiêm trọng”
Ông Trần Văn Nam khi còn đương chức |
Ngọc Thắng |
Cụ thể, bị can Trần Văn Nam, thời điểm là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký văn bản chấp thuận đề xuất của Cục Thuế tỉnh Bình Dương thu tiền thuế trước bạ và tiền sử dụng đất của Tổng công ty Bình Dương trái pháp luật, trực tiếp gây thất thoát ngân sách nhà nước 761 tỉ đồng.
Khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, bị can Trần Văn Nam có đủ thẩm quyền ra quyết định buộc Tổng công ty Bình Dương khắc phục hậu quả đối với khu đất 43 ha. Tuy nhiên, vì động cơ cá nhân, ông Nam đã cố ý cho Tổng công ty Bình Dương tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo.
Để hợp thức, ông Trần Văn Nam đã tiếp tục chỉ đạo hợp thức hóa các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương, làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu. Riêng hành vi này gây thiệt hại 201 tỉ đồng.
“Bị can Trần Văn Nam là người có chức vụ cao nhất trong số các bị can phạm tội này và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để phạm tội nên hành vi phạm tội của Trần Văn Nam là đặc biệt nghiêm trọng”, kết luận điều tra nêu.
Bình luận (0)