'Tháp 4 tầng' cứu nhiều bệnh nhân nặng

Duy Tính
Duy Tính
23/07/2021 05:59 GMT+7

Từ mô hình tháp điều trị 3 tầng được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Giang, ngành y tế TP.HCM đã cải tiến thành tháp 4 tầng, qua đó kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân Covid -19 nặng.

Theo Bộ Y tế, chiến lược “tháp 3 tầng” (điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, bệnh nhân có triệu chứng và bệnh nhân nặng) được áp dụng đầu tiên tại Bắc Giang. Khi đó số lượng bệnh nhân (BN) tăng nhanh trong thời gian ngắn đã tạo áp lực rất lớn cho việc tiếp nhận và điều trị cho các ca bệnh, cũng như đáp ứng điều trị cho cả ca bệnh diễn biến nặng.

Tâm sự từ bên trong nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Điều chỉnh kịp thời, phù hợp thực tế

Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, tại TP.HCM ban đầu cũng áp dụng “tháp 3 tầng”, nhưng ở thời điểm hiện tại đã nâng lên “tháp 4 tầng”. Cụ thể, tầng 1 là BN không triệu chứng, triệu chứng nhẹ; tầng 2 là BN thở ô xy; tầng 3 là BN thở ô xy dòng cao (HFNC) và tầng 4 là BN thở máy xâm nhập, ECMO và lọc máu liên tục. Các BN nặng chủ yếu được điều trị tại Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường.
Chỉ sau 5 - 6 ngày đưa BV Hồi sức Covid-19 vào hoạt động, đã có 106 BN Covid-19 nặng chuyển về mức độ trung bình, nhẹ và 39 BN đã chuyển về BV tuyến dưới. Điều này cho thấy việc đầu tư tập trung vào BV hồi sức cùng với mô hình tháp điều trị 4 tầng là chiến lược phù hợp thực tiễn chống dịch tại TP.HCM để điều trị BN nặng, tăng quy mô tiếp nhận bệnh nặng và giảm tải cho các BV hiện hữu.
Nhiều bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19

Nhiều bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19

Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19, dựa trên mô hình “tháp 4 tầng” trong điều trị Covid-19 cùng các kinh nghiệm thực tiễn, ngành y tế đã tiến xa hơn một bước trong cuộc chiến chống dịch với chiến lược “đánh chặn từ xa”, ngăn BN chuyển nặng đổ về BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới hay BV Covid-19.
“Đánh chặn từ xa là phát hiện sớm BN chuyển nặng để điều trị sớm. Nếu ngồi chờ BN nặng đến thở máy, ECMO là thất bại do thụ động”, TS-BS Nguyễn Tri Thức giải thích và cho biết để làm được việc này BV Chợ Rẫy vừa thiết lập hệ thống hội chẩn online với BV tầng 2, BV quận; tổ chức đường dây nóng; ban hành tiêu chí nhận bệnh. Điều đặc biệt là BV Chợ Rẫy chia bác sĩ (BS) hồi sức của BV ra nhiều BV khác.
Cụ thể, 4 BS chuyên khoa hồi sức từ BV Chợ Rẫy trực tiếp cắm chốt tại 4 BV ở tầng 2 (BV điều trị Covid-19 Thủ Đức, BV Covid-19 Củ Chi, BV Covid-19 Bình Chánh và BV Covid-19 Cần Giờ), cùng các BS tại chỗ theo dõi, đánh giá tình trạng, mức độ nặng của các BN. Nếu BN có dấu hiệu chuyển nặng sẽ cho chuyển viện sớm chứ không đợi thở máy mới chuyển viện. Chuyển sớm sẽ an toàn cho BN; can thiệp sớm bằng thở máy dòng cao, lọc máu sớm để chặn BN từ độ 3 không chuyển sang độ 4 mà trở về độ 2.
Y bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chăm sóc bệnh nhân Covid-19 không ngơi nghỉ ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Y bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chăm sóc bệnh nhân Covid-19 không ngơi nghỉ

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Hiện BV Hồi sức Covid-19 có các chuyên gia hồi sức hàng đầu phụ trách như BS Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy), TS-BS Nguyễn Hoàng Hải (BV Nhân dân Gia Định), TS-BS Đỗ Quốc Huy (BV Nhân dân 115); thành lập một tổ hội chẩn online, cho ý kiến 24/24 để hỗ trợ các tầng khác... “Để đưa vào hoạt động ngay một BV hồi sức với quy mô 1.000 giường là điều không thể, do đó BV sẽ tiến hành nâng cao khả năng tiếp nhận và điều trị cho BN Covid-19 nặng, nguy kịch theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, bên cạnh hơn 650 nhân sự đang phục vụ tại BV (đến từ 10 BV, địa phương khác nhau), chúng tôi đã yêu cầu hỗ trợ nhân lực từ Sở Y tế TP.HCM. Giai đoạn tiếp theo BV đã có công văn đề nghị Bộ Y tế chi viện nhân lực”, TS-BS Thức nói.

Bản tin Covid-19 ngày 22.7- Cả nước 6.194 ca mới, TP.HCM có thể áp dụng 16+ ở vùng nguy cơ

Sẽ có “tháp 5 tầng”

Hiện nay, TP.HCM đang điều trị cho 35.000 BN. Ngành y tế dự kiến sẽ có 5 tầng tiếp nhận BN và đang trình UBND TP mô hình này. Theo đó, tầng 1 là khu cách ly quận, huyện tiếp nhận BN cộng đồng, BN không có triệu chứng; tầng 2 là các bệnh viện dã chiến (BVDC) điều trị BN có triệu chứng; tầng 3 là các BV quận, huyện điều trị BN có triệu chứng trung bình; tầng 4 là các BV điều trị Covid-19 nặng; tầng 5 gồm BV Hồi sức Covid-19 (1.000 giường), BV Bệnh nhiệt đới (200 giường), BV Chợ Rẫy (200 giường) điều trị BN nặng, nguy kịch. Mới đây, BV Quân y 175 cũng đã chuẩn bị 200 giường hồi sức để bổ sung cho tầng 5. Việc điều trị BN khi cần sẽ huy động các BV đa khoa, BV tư có năng lực tốt.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP tập trung để cứu sống các BN nặng, nhưng cũng cần phải giảm BN nặng chuyển lên “tầng 5”. Do đó, TP đầu tư cho các tầng còn lại phù hợp, như chỉ đạo của UBND TP.HCM. Theo đó, ngay ở tầng 1 phải bố trí phòng sơ cấp cứu với các trang thiết bị cấp cứu cơ bản, có bình ô xy và trang thiết bị y tế như: dụng cụ cấp cứu cơ bản; các dụng cụ theo dõi sức khỏe như: nhiệt kế, huyết áp, ống nghe, thiết bị đo độ bão hòa ô xy trong máu qua da (SpO2); phương tiện phòng hộ cá nhân, khẩu trang; thuốc hạ sốt và vitamin. Trong đó, bình ô xy cần ít nhất từ 5 - 10 bình để có thể cho nhiều người bệnh cùng thở một lúc trong khi chờ chuyển người bệnh đến BV.
Sở Y tế cũng vừa yêu cầu các BVDC thu dung, điều trị BN Covid-19 chuẩn bị thực hiện chiến lược điều trị trong tình hình mới bằng cách “nâng cấp” (từ tầng 1 lên tầng 2), trang bị ô xy lỏng, điều trị thuốc cho BN có triệu chứng nhẹ, trung bình. Các BVDC phân công 1 phó giám đốc phụ trách chuyên môn triển khai thực hiện và giám sát tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán điều trị Covid-19; phối hợp đông tây y trong điều trị; tham gia tập huấn sử dụng thuốc chống đông; sử dụng máy thở không xâm lấn... “Để giảm bệnh nặng chuyển lên tầng 5, năng lực của các tầng dưới phải được đảm bảo; BVDC phải nâng lên thành điều trị, chứ không chỉ cách ly. Trong trận chiến, phải rải quân đánh chặn từng chỗ”, PGS-TS Thượng nói.
Trước tín hiệu khả quan từ mô hình tháp điều trị 4 tầng ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đúc kết, ở tầng quận, huyện, Bộ Y tế đã hỗ trợ nhân lực từ các BV các tỉnh, T.Ư và đã có hiệu quả. Nói về việc 106 BN nặng được BV hồi sức Covid-19 điều trị trở về mức độ trung bình, nhẹ, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá đây là sự thành công đáng mừng của ngành y tế TP.HCM dưới sự giúp đỡ của BV tuyến T.Ư. Tại đây đã tập trung lực lượng hồi sức ở tuyến cao nhất, trang thiết bị y tế cũng đã được bố trí tạm ổn. Cùng với đó, việc theo dõi, điều trị sát sao đã giúp các BN chuyển về tình trạng nhẹ hơn.
“Nhưng phải nói đến vai trò hết sức quan trọng của chính quyền địa phương, dưới sự đề xuất của ngành y tế, đã chuẩn bị 1 cơ sở hiện đại. Sự hỗ trợ trang thiết bị y tế, vật tư của Bộ Y tế cũng rất kịp thời. Ngoài ra, nguồn nhân lực, đặc biệt là các chuyên gia có kinh nghiệm điều trị Covid-19 trước đây, đều được tập trung về BV Hồi sức Covid-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.

Phụ nữ có thai nhiễm Covid-19 được chăm sóc ở bệnh viện dã chiến thế nào?

Tăng cường thiết bị, vật tư y tế chống dịch cho phía nam

Ngày 22.7, Bộ Y tế cho biết các trang thiết bị y tế gồm hơn 2.000 máy thở, máy lọc máu, máy tạo ô xy; hơn 12 triệu khẩu trang các loại... đã được chuyển đến kho dã chiến phục vụ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía nam. Ngoài ra, 3 hệ thống ECMO được chuyển đến TP.HCM (2 hệ thống) và Đồng Nai. Bộ Y tế cũng đã chuyển 60 hệ thống thở ô xy dòng cao đến kho dự trữ này và trong tuần này sẽ cấp tiếp 500 hệ thống do một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ.
Trước đó, Bộ Y tế đã chuyển 32 máy lọc máu liên tục; 113 máy theo dõi BN, 290 máy tạo ô xy, 221 bơm tiêm điện, 160 máy truyền dịch, 13 máy phun khử khuẩn đến kho dự trữ. Về vật tư y tế, có 125.000 khẩu trang N95; 14.500 bộ quần áo chống dịch các loại; 12 triệu khẩu trang y tế. Ngoài ra, tuần qua 1,4 triệu test xét nghiệm nhanh cũng đã được phân bổ cho TP.HCM và một số tỉnh phía nam. Trong thời gian tới, vật tư, trang thiết bị điều trị sẽ tiếp tục được điều chuyển cho các tỉnh, thành phía nam.
Liên Châu
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định trong thời gian tới, BN nặng sẽ tăng lên, vì sau giai đoạn dịch tăng lên cao nhất, thu dung BN nhiều thì diễn tiến ngày càng nặng. “Phương châm hiện giờ là đánh chặn từ xa. Tất cả cơ sở thu dung ở quận, huyện đều trang bị đầy đủ, đặc biệt là ô xy để BN thở; chuẩn bị một số loại thuốc, trong đó có thuốc y học cổ truyền, áp dụng điều trị sớm ở quận, huyện và các thuốc thiết yếu cho tầng 1. Một số trang thiết bị máy thở chức năng thấp sẽ chia về cho quận, huyện”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.