Chiều cùng ngày, T.Ư Đoàn cũng đã tiên phong chỉ đạo Hội đồng Đội T.Ư, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (VN), T.Ư Hội Sinh viên VN tổ chức phát động chương trình “Cùng em học trực tuyến” - Nâng niu triệu ước mơ học vấn không gián đoạn. Chương trình nhằm hỗ trợ kịp thời cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, không bị thất học.
Không ai nghĩ rằng ở giữa thời bình nhưng nhiều trẻ em, thậm chí ở những thành phố lớn, cũng có nguy cơ thất học trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thực tế, khi đợt dịch mới bắt đầu từ năm 2020, nhiều học sinh, nhất là những vùng khó khăn đã phải nghỉ học, do không có phương tiện học tập trực tuyến. Nhiều em có điện thoại, nhưng phải đi bộ hàng chục cây số ra trung tâm để bắt sóng nhờ, hoặc lên đồi cao làm lán để ngồi học…
Báo Thanh Niên từng phản ánh nhiều trường hợp là học sinh giỏi đang ôn thi tốt nghiệp THPT để dự tuyển vào đại học, nhưng dịch bùng phát, các em phải nghỉ học về nhà và đứng trước nguy cơ bỏ học vì không theo kịp chương trình. Lâm Đại Lộc, lớp 12 Trường PTDT nội trú tỉnh Yên Bái, là một trong những học sinh như thế. Khi biết hoàn cảnh này, Báo Thanh Niên đã đăng bài kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ mua tặng Lộc 1 chiếc điện thoại có thể kết nối internet để học trực tuyến. Từ những giúp đỡ này, Lộc đã tiếp tục theo học và trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó em đạt được tổng điểm 29,75, trúng tuyển vào Trường Sĩ quan chính trị. Hiện, em cũng nỗ lực học tập với danh hiệu sĩ quan tiên tiến của trường trong năm học vừa qua…
Chỉ một trường hợp như vậy cho thấy ý nghĩa của việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ có giá trị như thế nào, khi có hàng triệu học sinh đang phải đối mặt với khó khăn. Đặc biệt, sự tiên phong thực hiện của tổ chức Đoàn, Hội, Đội với chương trình “Cùng em học trực tuyến” sẽ thắp lên những ước mơ cho học sinh nghèo.
Bác Hồ với sự nghiệp diệt giặc đói, giặc dốt đã đặt nhiệm vụ chống “giặc dốt” xếp thứ hai sau nhiệm vụ chống “giặc đói”. Vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19, vừa lo an sinh xã hội nhưng việc chống nguy cơ của “giặc dốt” cũng là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình này, cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
Theo dự tính của ban tổ chức, nếu có 1 triệu máy tính, điện thoại hay phủ sóng internet, sẽ cần tới hàng ngàn tỉ đồng. Vì vậy, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, ngoài đóng góp kinh phí mua máy tính, các doanh nghiệp có thể trao tặng thiết bị, hỗ trợ giá, phần mềm, gói cước data... người dân có thể quyên góp đồ cũ để ban tổ chức sửa chữa trao tặng học sinh nghèo.
Chương trình là sự sẻ chia, tình cảm và trách nhiệm của toàn xã hội đối với tương lai của con em chúng ta; tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ, vun đắp cho những ước mơ của các em sớm trở thành hiện thực.
Bình luận (0)