Thấp thỏm vì hàng ngàn em bé ở TP.HCM có nguy cơ không được học lớp 1

Nguyễn Anh
Nguyễn Anh
22/08/2020 15:27 GMT+7

Hàng ngàn phụ huynh khác ở quận 12 (TP.HCM) đang “ngồi trên đống lửa”, sốt ruột vì đến giờ vẫn chưa tìm được chỗ học cho con học lớp 1 vì đăng ký trên sổ tạm trú (KT3) thiếu ngày thiếu tháng.

Vụ hàng ngàn học sinh chưa có chỗ học, một phần vì phải thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng phải ưu tiên giải quyết chỗ học cho học sinh.

Sẽ giảm bán trú, tăng sĩ số lớp để nhận học sinh

Theo ông Hiếu, hiện Q.12 đã nhận hơn 7.404 học sinh (HS) và sẽ nhận bổ sung hơn 1.000 HS nữa. Như vậy, có tổng cộng hơn 8.000 HS lớp 1 trong khi chỉ có 22 trường tiểu học công lập nên việc giải quyết chỗ học cho HS tiểu học gặp rất nhiều khó khăn.
“Trước mắt Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ làm việc với UBND Q.12 để tìm mọi cách giải quyết, tháo gỡ vấn đề tất cả HS ở địa bàn này được vào lớp 1. Chủ trương của thành phố là không để HS nào đến ngày khai giảng vẫn chưa có chỗ học”, ông Hiếu nói.

Thấp thỏm vì hàng ngàn em bé ở TP.HCM có nguy cơ không được học lớp 1

Theo ông Hiếu hiện có 2 giải pháp, thứ nhất Q.12 phải giảm số lớp 2 buổi/ngày ở lớp 1 và các khối lớp khác để tận dụng phòng học tiếp nhận tối đa số HS còn lại (nhận được bao nhiêu hay bấy nhiêu). Thứ hai là tăng sĩ số HS trên lớp, hiện quận này vừa tăng sĩ số trung bình từ 48 em/lớp lên 50 em/lớp để bổ sung 716 HS. Sở sẽ chỉ đạo tiếp tục tăng lên thành 52 - 54 em/lớp để nhận thêm được khoảng 600 HS nữa. Như vậy, đợt bổ sung này, Q.12 sẽ nhận thêm ít nhất 1.316 HS.
Theo đó quận sẽ sàng lọc, ưu tiên chọn những HS thuộc diện khó khăn nhất ưu tiên trước. Ví dụ những em có cha mẹ là công nhân, lao động thu nhập thấp để người lao động họ yên tâm làm việc.
Ông Hiếu cũng cho hay số HS này không thể quy thành diện hộ nghèo được, vì họ không có hộ khẩu ở địa phương nên rất khó giải quyết. Thậm chí có những gia đình thuộc diện tạm trú, mới vào thành phố được 2 - 3 tháng nên rất khó để tính toán được số lượng cụ thể. Vì vậy, sẽ chọn những trường hợp khó khăn nhất, không có điều kiện cho con học ở trường ngoài công lập hay gửi về quê để ưu tiên xét bố trí chỗ học cho các em từ đây đến hết tháng 8.
“Tăng như thế này thì rất khó trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo quy định, một lớp không quá 35 HS mà bây giờ sĩ số đã lên tới 52 - 54 em nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Để xây thêm được một trường mới cũng phải mất 2 - 3 năm, nên trước mắt phải giải quyết theo hướng này”, ông Hiếu chia sẻ.

Có thể hỗ trợ học phí cho HS khó khăn học ngoài công lập

“Chúng tôi sẽ cố hết sức, nhưng nếu không giải quyết được hết, số còn lại sẽ phải vận động phụ huynh chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục thành phố nói chung và Q.12 nói riêng. Phụ huynh có thể cho các em học ở các trường ngoài công lập. Về vấn đề kinh phí thì Q.12 cũng như Sở GD-ĐT thành phố sẽ có tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố có chế độ hỗ trợ về học phí cho số HS học lớp 1 ở các trường ngoài công lập”, ông Hiếu nói thêm.
Ông Hiếu cho rằng nếu thành phố có chủ trương thông qua thì Sở sẽ tạo điều kiện cho phụ huynh ứng trước khoản hỗ trợ này để rút ngắn thời gian. Nếu được thông qua thì có thể ngay trong năm học 2020 - 2021 phụ huynh đã có thể nhận được.
Về lý do Phòng GD-ĐT Q.12 đưa ra phải thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, phải sắp xếp để HS được học 2 buổi/ngày nên dẫn đến tình trạng không đủ trường lớp nhận HS như những năm trước, ông Hiếu cho rằng phải đặt vấn đề tạo chỗ học cho HS lên hàng đầu.
“Sắp xếp chỗ học cho các em quan trọng hơn việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng vẫn phải đảm bảo được việc HS lớp 1 sẽ được học trên 5 buổi/tuần theo chương trình năm nay. Thay vì cho các em học 2 buổi/ngày ở tất cả ngày trong tuần thì chúng ta có thể bố trí cho các em học 6 - 7 buổi/tuần để đảm bảo chuyển tải được chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Hiếu khẳng định.
Sẽ nghiên cứu cơ chế hỗ trợ phù hợp
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết về hướng giải quyết, đầu tuần tới UBND thành phố sẽ họp với Sở GD-ĐT để giải quyết chỗ học cho HS. Trước tiên chúng ta phải đảm bảo cho các em đúng tuổi là phải được đến trường.
“Tuy nhiên, từ phía phụ huynh cũng phải có chia sẻ, hỗ trợ với ngành giáo dục. Phụ huynh có thể san sẻ bớt gánh nặng này, có thể cho con học xa hơn một chút hoặc tìm chỗ ở phù hợp với việc học của con”, ông Đức nói.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đang vận động các trường ngoài công lập có chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí đối với con em công nhân, lao động thu nhập thấp. “Tuần sau chúng tôi sẽ họp với Sở GD-ĐT và Sở Tài chính để nghiên cứu cơ chế hỗ trợ phù hợp vì theo nguyên tắc HS tiểu học được miễn học phí. Do vậy, từ vụ việc này phải có cơ chế về vấn đề học phí giữa trường công, trường tư thế nào cho hợp lý để đảm bảo các em có quyền lợi như nhau”, ông Đức bày tỏ quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.