Thập Vạn Đại Sơn - chiến dịch ít được biết đến: Trận Trúc Sơn

09/10/2022 07:24 GMT+7

Bước vào chiến dịch, Trúc Sơn là trận mở đầu. Chính ủy Hoàng Thế Dũng viết: “Nếu giải phóng được cửa khẩu Trúc Sơn sẽ giúp bạn có điều kiện thu thuế, có tiền nuôi quân”.

Người mẹ Trung Quốc khóc thương

Sau 3/4 thế kỷ, đi tìm nhân chứng tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn thật không dễ dàng, nhất là tìm những người lính chiến. May mắn thay, tôi được ông Diêu Nhật Thăng, sống tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết còn 1 người lính chiến. Đó là ông Thân Văn Nhã, đang ở tỉnh Bắc Giang. Ban đầu gặp gỡ, thực lòng tôi chưa dám tin ngay vì ông Nhã mất hết thông tin với đồng đội. Hôm đó, ông mới đi thăm đồn Bình Liêu (Quảng Ninh) trở về được ít lâu, trong lòng người lính già biết bao nỗi nhớ đồng đội cũ giờ đây đều đã khuất núi. Cẩn thận ghi chép những ký ức do ông Thân Văn Nhã nhớ lại, thi thoảng tôi chen vào hỏi một câu để kiểm chứng. Thấy ông Nhã đọc đúng phiên hiệu đại đội, đọc đúng họ đệm và tên của đại đội trưởng, đại đội phó cùng chính trị viên đại đội, tôi tin chắc đây là người lính chiến thực sự đã tham gia chiến dịch này.

Nhân chứng lịch sử Thân Văn Nhã

K.M.S

Lương y Thân Văn Nhã dành thời gian cuối đời ở tuổi 90 viết lại 10 trang đánh máy trên giấy khổ A4 kể lại những ký ức còn nhớ được khi tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (1949).

Bước vào chiến dịch, trận đầu tiên là trận Trúc Sơn - một thị trấn nhỏ nằm sát biển, có khoảng một đại đội quân Tưởng đóng giữ. Đêm 5.7.1949, ta nổ súng công đồn. Trận này, làm chủ được đồn Trúc Sơn nhưng ta thương vong hơn một tiểu đội. Lễ an táng các liệt sĩ ở trên một quả đồi gần thị trấn Giang Bình. Trong buổi lễ an táng có đơn vị bộ đội ta, chính quyền địa phương và một số nhân dân sở tại.

Ông Thân Văn Nhã viết trong hồi ký: “12 huyệt mộ và 12 cỗ áo quan hai hàng song song. Gọi là áo quan nhưng không phải bằng gỗ như thường lệ mà bằng tre do nhân dân địa phương ủng hộ, bộ đội ta đóng thành khung xung quanh và đầu áo quan được ghép bằng phên tre. Mỗi liệt sĩ được liệm trong một chiếc chăn trấn thủ, trên đầu đặt chiếc mũ nan và bên cạnh là một ca ăn cơm bằng ống tre và một ống tre đựng nước uống.

Khi cán bộ đang đọc điếu văn thì bỗng nhiên có một bà mẹ người Trung Quốc chạy ào đến như một cơn lốc, vừa chạy vừa gào khóc thảm thiết. Bà ôm chầm lấy các quan tài: “Dịt Nàm chảy à, Dịt Nàm chảy à, nỉ sỉ lơ ma...”.

Những tiếng khóc thương của người mẹ Trung Quốc dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam năm ấy vẫn im đậm trong ký ức cựu chiến binh Thân Văn Nhã rỏ xuống đầu bút thành dòng chữ:

“Ối các con Việt Nam ơi, các con chết rồi à, vừa hôm qua các con còn ở nhà mẹ, các con đã lợp lại cho mẹ mái ngói bị xô để chống dột, các con cũng dựng lại cho mẹ hàng rào bị đổ hôm giông bão, các con lại còn gánh cho mẹ đầy một bể nước. Mẹ neo đơn một mình không ai đỡ đần khổ lắm. Các con là những người lính Việt Nam tốt quá. Mẹ thương các con nhiều lắm. Thế là các con không được trở về quê hương đất nước của các con. Ông trời ơi sao ông bất công thế”.

Mọi người trong buổi lễ không ai cầm được nước mắt!

Quân tưởng bạt vía kinh hồn

Sau trận Trúc Sơn là trận Mào Lẻng, rồi trận Quán Thoong, đây là một trận “tao ngộ chiến” giữa hai bên. Ông Nhã viết lại, vì trận đánh giáp lá cà nên trung đội “mác xung kích” phát huy tác dụng tối ưu, khi quân địch chưa kịp bóp cò súng thì đã bị lưỡi mác xuyên thủng bụng.

“Trận này làm quân Tưởng bạt vía kinh hồn - hồi ký của ông Thân Văn Nhã viết - Họ loan tin trong quân đội rằng “quân áo nâu nó không thèm dùng súng mà chỉ dùng mác, phải tránh thật xa nó ra. Nếu đã nhìn thấy nó thì mạng sống không còn nữa”.

Tiếp tục hành quân, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã giải phóng một vùng khá rộng lớn: Na Lương, Khâm Châu, Phòng Thành, Đông Hưng.

Trong hồi ký mang tên Để nhớ một thời (NXB Quân đội Nhân dân, 2012), dược sĩ Phùng Thị Sâm dành 30 trang kể lại hành trình “Theo chân bộ đội vượt Thập Vạn Đại Sơn”. Bà còn làm thơ để ghi nhớ lại hành trình gian nan song rất đỗi tự hào khi làm nhiệm vụ quốc tế:

“Thập Vạn Đại Sơn qua rồi khó quên...

Trận Trúc Sơn cực kỳ gian nan

Đánh thắng quân địch muôn vàn khó khăn

Mào Lẻng, Trường Thán, Quán Thoòng

Làng Đại Trực và diệt địch trên đường hành quân,

Cuối cùng vào chiếm Đông Hưng,

Quân Tưởng tháo chạy dân mình reo vui

Căn cứ được mở rộng rồi, Việt - Trung đoàn kết tình người bao la...” (còn tiếp)

“Chiến sĩ Việt Nam mới” tham gia chiến dịch

Đó là ông Toshio Komaya, sinh tại Fu-kui (Nhật Bản). Năm 21 tuổi, ông bị phát xít Nhật điều động sang Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia Việt Minh và được đổi tên là Nguyễn Quang Thục. Ông trở thành "chiến sĩ Việt Nam mới".

Chiến đấu trong đội hình Liên khu Việt Bắc do Tư lệnh Lê Quảng Ba chỉ huy, do lập nhiều thành tích nên Toshio Komaya được tư lệnh cử tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.