|
Trù yểm bò đua
Hằng năm, đến lễ Donta là đồng bào Khmer vùng Thất Sơn lại sôi nổi đua bò truyền thống. Ở các cuộc đua bò vẫn hay xảy ra các chuyện như đôi bò đang chạy băng băng gần tới đích bỗng nhiên lồng lên, chạy tạt ngang, bị phạm quy, thua cuộc. Nhiều người xì xầm đôi bò đã trúng bùa nên đang chạy đột nhiên thấy cọp dữ hoặc thấy hầm hố thì chúng hoảng sợ lồng lên chạy hoảng.
Ai thắng cuộc được trầm trồ ngưỡng mộ, đôi bò đua lọt vào mắt các “tuyển trạch” viên nên cuộc đua nào cũng mang tính chất quyết liệt không kém gì đua ngựa. Người ta còn truyền nhau rằng để chống lại bùa chú, huyền thuật, trước thi đấu vài ngày, chủ bò dùng máu chó mực, quần của phụ nữ lúc có kinh nguyệt yểm lên bò trừ tà. Sau đó khi ra trường đua, dù đối phương có làm bùa chú thì đôi bò nhà cũng không giật mình chạy bậy.
Nhà văn Sơn Nam thời trai trẻ nghiên cứu về vùng đất Thất Sơn đã được các bạn hữu cung cấp tư liệu về đua xe bò. Từ đấy, Sơn Nam đã viết nên truyện Đua xe bò Thất Sơn với các tình tiết ly kỳ cùng những cuộc đua ngoạn mục... Nhân vật chính và có thật là ông Năm Đắt, đua xe bò quá giỏi, cuộc đua nào cũng thắng, làm nhiều tay cá cược phía bên kia thua cuộc nên họ yểm bùa lên bò của ông nhưng không thành. Không lâu sau, Năm Đắt bị bệnh chết đột ngột và người ta nghi ngờ ông bị yểm chết.
Truyện ngắn ấy được đăng trên báo Dân Tộc trong năm 1968, sau đó NXB Lúa Trời đã in tái bản kèm lời giới thiệu của nhà văn Bình Nguyên Lộc, như sau: “NXB Lúa Trời đã làm công việc vô cùng hữu ích này, chúng tôi hoan nghênh, khoa học văn minh là cái này đây, là những cuộc đua xe bò, những trận đá gà, đá cá lia thia, lúa trời, những chiếc nóp... Những cái tối tăm không tên tuổi ấy vậy mà nó họp lại thành nền văn minh riêng biệt của ta đó, mà trên thế giới này không có nơi nào có hết…”.
'Độc nhãn thần ngưu'
Ông Nguyễn Văn Tấn, năm nay 73 tuổi, đã có hơn 50 năm say mê đua bò, huấn luyện bò đua. Ông Tấn bị chột mắt, đi đua bò đoạt nhiều giải nên được gọi là “độc nhãn thần ngưu”. Nơi Hai Tấn đang ở là căn nhà đơn sơ, nằm lọt thỏm trong chốn thâm u, gần chân núi Cấm thuộc ấp Tà Lọt, xã An Hảo, H.Tịnh Biên.
Hồi ức lại chuyện xưa, lão tướng kể, hồi đó gọi là đi bo bò, sau này mới gọi là đua. Bo bò xuất hiện từ lúc nào không ai nhớ đích xác, chỉ ước chừng trong khoảng năm 1920, đi bo bò rất phổ biến. Ông Tấn nói ngày xưa đua bò vẫn có đua bằng xe, nghĩa là hai cặp bò kéo xe chạy trên đường đua dài 200 m. Cách đua này người và bò đều mệt vì điều khiển vất vả nhưng đua xe bò vừa giải trí vừa có cá cược ngầm. Ông Hai Tấn nói: “Lúc đó, ông Năm Đắt nổi tiếng là người đua giỏi, tay nghề ổng rất siêu nên bò tuyển lựa đều là bò chiến”.
Lão cao thủ nhớ lại, ngày xưa, sau khi thu hoạch lúa xong, các chủ bò rủ nhau mang bò đến các sân rộng trong chùa Khmer để bừa đất thí công nhằm thư giãn và cầu mùa lúa sau trúng vụ, rồi chủ bò hứng lên rủ bo bò đua. Những đôi bò chiến thắng được các sư cả, à cha tặng phần thưởng, có khi là cái ách, cái bừa, sợi dây nài, vòng lục lạc... Ông Tấn nói, bò đi bo là bò giỏi nên các “tuyển trạch” viên bò đều kéo về theo dõi cuộc đua để chọn mua bò chiến. “Bò giỏi bo từ 3 - 4 vòng sân đua dài 200 m xong, chúng cũng không mệt, không thở đứt hơi, không chạy bậy. Đôi bò thắng cuộc giá mua bằng 2 - 4 cặp bò thường”.
Ông Tấn nói ngày xưa bò rất có giá trị, lúc trục đất cấy lúa phải đánh bò trục cho đất ruộng nát nhừ ra mới cấy được lúa nên cần bò giỏi, bò khỏe. Mà đất vùng Thất Sơn lại khô cứng hơn các ruộng đất vùng dưới nên bò Thất Sơn phải khỏe mới bừa trục nổi, lái bò mua chúng về vùng dưới sức chúng làm bằng 3 đôi bò thường.
Kỳ thú tuyển bò
Lão tướng tiết lộ, để lựa được bò đua giỏi phải có con mắt tinh tường, phải nhìn xoáy lông của chúng mới xác định đó là bò giỏi hay phản chủ. Bò đua chiều cao khoảng 1,3 - 1,4 m là đúng tiêu chuẩn, bò cao lớn quá cày bừa có thể giỏi nhưng đua chạy chậm chạp. Ông Tấn nói thường người ta mua bò từ bé nuôi dưỡng rồi huấn luyện dần cho chúng quen với đường đua, nếu nó là bò giỏi thì đem đổ tiếp ra mẻ bò chiến. Ông Tấn kể: “Bò không có xoáy lông người ta không thích vì loại này ngổ ngáo lắm, hay chạy quàng, chạy tạt nên còn gọi là bò tạt hay bò lôi, đem đua là thua chắc”.
Hỏi chuyện yểm bùa bò đua, ông Tấn xác nhận có nhưng ai sợ bùa thì sợ, riêng ông thì không. Ông nói bùa chú chỉ dọa được những người yếu vía, còn người đua bò giỏi vững tin vào đôi bò của mình thì người vật như hiểu nhau, bùa chú vô tác dụng. Đôi bò được huấn luyện đến nơi đến chốn, chủ ra lệnh chạy đường nào là không dám chạy quàng đường khác. Ông Tấn tiết lộ, người điều khiển bò phải có chiêu riêng vì trên đường đua khi quẹo cua cần những kỹ xảo riêng để trong cách đứng ngồi thúc bò chạy không “sượng” chân.
Ông nói, ngày xưa đua bò phải là hai vòng hô một vòng thả mới chứng tỏ được giá trị sức bền, sức dẻo của đôi bò, nhưng nay thể lệ đua bị cắt hết, chỉ còn một vòng thả nên đôi bò chiến thắng chưa hẳn là bò giỏi... Ông tâm sự, cùng với nhiều nguyên nhân khác, chất lượng bò đua ngày càng giảm sút là điều rất đáng tiếc.
Thanh Dũng
>> Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 2: Dị nhân và ông bác vật
>> Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 1: Con vua Quang Trung ở Thất Sơn ?
>> Thảo dược Thất Sơn - Bài 2: Dược liệu quý dần biến mất
>> Thảo dược Thất Sơn - Kỳ 1: Phố… thuốc núi
>> Tranh đá Thất Sơn
>> Lên đỉnh Thất Sơn
>> Điểm hẹn Thất Sơn
Bình luận (0)