Tôi học lớp vỡ lòng với thầy Võ Trọng Cương. Hồi đó ai đặt tên “vỡ lòng” nghe hay tuyệt.
Lớp học trong đình làng Lộc An. Trước đình là đồng chiêm trũng của huyện Lệ Thủy. Học trò kê bất cứ thứ gì để ngồi, viết trên tấm ván thuyền đã mục làm bàn. Lúc đó thầy Cương đã già, thế mà đến khi tôi đi bộ đội thầy vẫn còn dạy vỡ lòng.
Thầy không thuộc biên chế, dạy ăn điểm của hợp tác xã. Mỗi ngày thầy được 6 điểm (người đi làm mỗi ngày 10 điểm gọi là một công) dù thầy dạy hai buổi, hai lớp, lớp Lộc An hạ và Lớp Lộc An thượng. Thầy lại khá vụng, không biết làm gì ngoài dạy học, thế nên nhà thầy nghèo vào diện nhất làng.
Thầy Cương viết chữ rất đẹp nên sau này, học trò học lên, đứa nào từng học với thầy chữ cũng hao hao nhau, nói chung là từ khá đẹp đến rất đẹp.
Thầy nghiêm lắm. Đứa nào không thuộc bài đều bị quỳ trên đá tổ ong. Tôi hay viết tay trái nên bị quỳ mãi. Hết quỳ, cầm bút lại viết tay trái. Thầy cầm thước khẻ vào tay thì chuyển qua tay phải, thầy đi lại chuyển qua tay trái. Lâu quá thầy nản nên kệ.
Hồi đó thầy dạy trò bằng roi, bằng thước là chuyện bình thường, không ai đưa lên mạng như bây giờ.
Thầy hay hát những bài hát về chữ cái để học trò nhớ chữ, bây giờ thấy ngô ngô nghê nghê, nhưng lúc đó chúng tôi hát say sưa:
O tròn như quả trứng gà/ Ô thời đội mũ, ơ là thêm râu...
Hay: Anh em i, tờ (t)/ Bên anh cao tờ/ Này em có móc đứng song song/ Này em i ngắn/ Bên anh cao t/ i chấm trên đầu tờ có ngang...
Thầy giỏi tiếng Pháp nên mỗi khi tức quá, quát học trò thầy quên mất, cứ xổ tiếng Pháp ra, đến mức sau đó tụi học trò mắng nhau cũng bằng... tiếng Pháp.
Lớn lên một chút, mỗi lần ba tôi gửi quà về nhà, bao giờ tôi cũng mang biếu thầy một gói trà loại 2 (loại phiếu C mới mua được). Thầy pha trà, mời mọi người đến uống, lại nói, trà của ba trò Thịnh biếu.
Tôi đi bộ đội, ở chiến trường, ngoài viết thư cho gia đình, tôi luôn viết thư cho thầy. Mỗi lần nhận được, thầy đi khoe khắp làng.
Ở bộ đội về, đi làm báo, có cái nhà đầu tiên, tôi rước thầy về thành phố chơi. Lúc đó thầy đã rất già, đầu óc minh mẫn nhưng sinh hoạt thì không kiềm chế được, có khi đi không kịp thầy làm ướt cả quần. Tôi thì đã đành nhưng vợ tôi lúc đó còn rất trẻ vẫn không ngại ngùng gì. Tôi quý thầy nên vợ quý theo, coi như ông mình.
Dịp nào đi công tác, thuận đường hay về quê, tôi đều đến thăm và biếu thầy ít tiền cho dù thời đó còn rất khốn khó.
Mỗi lần có tiền, đi chợ bụi mua thức ăn tươi, bà con lại hỏi: Thằng Thịnh mới về à thầy? Thầy cười móm mém, đứng kể chuyện say sưa, bảo: Trò Thịnh làm chi đó to lắm, đến mức xe chủ tịch tỉnh chở trò ấy về làng…
*
Hàng năm, đến ngày 20.11, người ta lại rầm rộ chúc tụng thầy cô, hoa vô thiên lủng.
Tôi chợt nghĩ, nếu tôi mua tặng thầy một lẵng hoa, không biết gương mặt thầy lúc đó thế nào.
Là nghĩ thôi, thầy tôi đã mất rồi. Thầy mất, tôi ở Hà Nội, không ai biết để báo. Một năm sau về quê, nghe nói chuyện, tôi mới trả tiền thầy nợ ông thợ mộc đóng quan tài cho thầy.
Bình luận (0)