Cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng tới quyền lựa chọn
Theo PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, việc Bộ dự kiến cập nhật kết quả học tập (lớp 10, 11, 12) lên cơ sở dữ liệu chung của hệ thống quản lý thi và xét tuyển là một kế hoạch hay, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS) khi đăng ký xét tuyển và cho các trường trong hoạt động xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, Bộ cũng cần cân nhắc các biện pháp triển khai hệ thống lọc ảo chung để tránh ảnh hưởng tới quyền lựa chọn của TS. Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi thiết kế phần mềm xét tuyển, nhà trường căn cứ không chỉ vào tính đa nguyện vọng (NV) của từng phương thức xét tuyển mà còn tính đa đối tượng của TS (mỗi TS được xem là một đối tượng khác nếu tham gia phương thức xét tuyển khác - PV).
Vì thế, TS đồng thời có thể đỗ 3 - 4 NV (xét rộng ra thì sẽ đỗ 3 - 4 trường khác nhau) do tham gia đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh. Sau đó, TS có thể chọn NV mong muốn nhất.
“Tôi lo lắng liệu năm nay các TS có bị hạn chế quyền lựa chọn? Có vẻ như việc Bộ đưa dữ liệu của tất cả phương thức tuyển sinh vào một hệ thống lọc ảo chung khiến cho TS chỉ có một lần đặt NV, và như thế chỉ có thể đỗ một NV? Làm thế thì thuận lợi cho các trường nhưng quyền lựa chọn của các em bị giới hạn”, PGS Triệu chia sẻ.
Nhiều trường đại học đã nhận hồ sơ xét tuyển năm 2022 theo phương thức điểm học bạ |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Ủng hộ việc lọc ảo chung, nhưng…
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường không nên gọi việc xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ là một phương thức, vì số lượng TS đáp ứng yêu cầu để được tuyển thẳng là rất thấp, và cũng không có nhiều trường có TS trúng tuyển diện này. Việc xét tuyển khi xét đợt 1 trước đối với diện TS này là hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí có thể thực hiện ngay khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra (năm ngoái 31.5 các trường đã tuyển xong TS diện này). Mặt khác, Bộ cũng nên yêu cầu các trường chủ động trong việc xét tuyển phương thức khác ngoài 2 phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ.
“Năm nay, với việc đưa dữ liệu kết quả học bạ lên hệ thống thì xét tuyển cho phương thức dựa vào điểm học bạ sẽ được làm nhanh như xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp, do việc lọc ảo chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, chỉ vài ba ngày. Vì thế, trường nào đa dạng phương thức xét tuyển, đặc biệt là trường nào sử dụng các phương thức phức hợp (kết hợp chứng chỉ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp) thì nên chủ động xét trước, sau đó công bố danh sách xét tuyển sơ bộ (chưa chính thức) trước, để các em có định hướng đặt NV trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT cho phù hợp”, PGS Điền đề xuất.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho biết ông chia sẻ với lo ngại của Bộ về vấn đề TS trúng tuyển ảo trong mấy năm gần đây (khoảng 40% TS trúng tuyển NV cao nhất nhưng vẫn không nhập học). Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do TS đã trúng tuyển bằng các phương thức khác. Chủ trương gộp tất cả các phương thức xét tuyển vào một hệ thống chung để lọc ảo của Bộ là đúng đắn, nhưng cần phải làm thế nào để đỡ phức tạp.
“Hiện có 3 nhóm xét tuyển: theo phương thức kết quả tốt nghiệp, theo học bạ, theo các phương thức khác. Cách làm đơn giản là gộp chung 3 nhóm làm một để lọc ảo. Việc lọc ảo này không quan tâm đến việc các trường xét tuyển theo phương thức gì mà chỉ quan tâm các em đã được trường xác nhận đủ điều kiện theo học hay chưa. Nghĩa là trường đưa ra điều kiện cho từng phương thức, TS đăng ký, trường sẽ xét TS có đủ điều kiện hay không và lên danh sách, rồi đưa danh sách đó lên hệ thống chung. TS lên hệ thống chung đăng ký NV, xếp thứ tự NV theo mong muốn của mình. Sau khi hệ thống lọc ảo chung được chạy thì TS sẽ chỉ trúng tuyển một NV cao nhất”, ông Tùng kiến nghị.
Yêu cầu các trường không bắt thí sinh xác nhận nhập học sớm
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hệ thống mà Bộ sẽ hỗ trợ các trường không phải có tính năng xét tuyển chung. Đây là hệ thống xử lý NV và lọc ảo chung, trong đó có hệ thống đăng ký NV chung và dữ liệu danh sách trúng tuyển của các trường. Hệ thống cho phép TS đăng ký NV, sau đó cho phép các trường tải danh sách NV đăng ký vào trường mình cùng với dữ liệu TS. Việc xét tuyển sẽ do từng trường thực hiện (với phần mềm được thiết kế phù hợp từng trường).
Vấn đề “quyền TS”, ông Sơn cho rằng cần phải nhìn rộng ra. Đến một thời điểm giới hạn, TS phải chốt một chỗ học, để không chiếm chỗ học của TS khác. Để tôn trọng quyền của TS, đồng thời đảm bảo lợi ích của trường, Bộ sẽ yêu cầu các trường không bắt TS phải xác nhận nhập học sớm. Nếu TS nào muốn xác nhận sớm thì các em chỉ cần đưa NV đó vào NV cao nhất của mình khi đăng ký xét tuyển. Khi các trường tải danh sách trúng tuyển lên, TS đương nhiên trúng tuyển theo danh sách đó nếu TS đăng ký đó là NV1.
Về thời gian xét tuyển đợt 1, theo ông Sơn, có thể kéo dài trong khoảng một tuần, để các trường xét tuyển theo phương thức dựa vào điểm học bạ cũng có thời gian để xử lý. Trường nào thực hiện các phương thức phức tạp thì cứ chủ động xét tuyển như mọi năm, chỉ cần khi bắt đầu xét tuyển đợt 1 thì tải dữ liệu lên hệ thống.
“Đơn giản nhất là các trường tải lên danh sách trúng tuyển vào hệ thống chung. Bộ sẽ hỗ trợ thêm trường nào xét tuyển theo điểm thi, theo học bạ… về dữ liệu. Với trường tuyển sinh theo phương thức khác thì Bộ chỉ hỗ trợ được danh sách, dữ liệu về NV thôi. Bộ không làm thay các trường việc chạy phần mềm xét tuyển”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, TS đã đăng ký xét tuyển trực tuyến thì sẽ được cấp mã định danh, chính là số CCCD. Năm nay, Bộ cũng liên thông dữ liệu tuyển sinh với dữ liệu công dân của TS. Vì dữ liệu này sẽ được xác thực nên Bộ đã lên phương án dùng mã này để TS xác nhận nhập học chứ không nhất thiết phải dùng phiếu kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, một khi TS đã xác nhận nhập học rồi thì tên sẽ không còn nằm trong hệ thống để được xét tuyển nữa.
Mong đề thi có tính phân hóa
Theo nhiều trường ĐH, trong 2 năm vừa rồi, việc các trường ĐH phải đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh là do hoàn cảnh đặc biệt chứ không hẳn do các trường không cần dùng đến kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngay cả những trường yêu cầu chọn lọc cao như khối trường y dược.
“Mong đề thi có sự phân loại nhất định, để giúp các trường sử dụng kết quả thi làm căn cứ xét tuyển. Hiện nay, những trường có yêu cầu phân hóa cao, vẫn cần đến kỳ thi đó”, PGS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y dược TP.HCM, kiến nghị.
GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nêu ý kiến: “Trong năm qua, ít nhất có hơn 50% chỉ tiêu được xét tuyển theo phương thức dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, chính Bộ cũng muốn các trường tiếp tục dùng phương thức này để xét tuyển, vì như thế mới ổn định được. Dù các trường khối sức khỏe chưa họp được với nhau nhưng chúng tôi cũng xác định các trường trong khối sẽ sử dụng kỳ thi THPT làm công cụ chính để xét tuyển. Vì thế, chúng tôi mong Bộ giữ vai trò chỉ đạo trong tổ chức thi, trong việc ra đề thi. Đây là 2 khâu chủ yếu có tính quyết định kết quả thi có tin cậy hay không, có tính phân loại hay không, để các trường sử dụng, việc xét tuyển mới tốt được. Mong Bộ đóng vai trò chỉ đạo nhiều hơn càng tốt, để chúng tôi yên tâm sử dụng kết quả thi”.
Bình luận (0)