Thấy gì qua quy hoạch lễ hội?

28/02/2013 03:20 GMT+7

Tuy mới đang được soạn thảo, quy hoạch lễ hội do Cục Văn hóa cơ sở soạn thảo đã có một số điểm bất cập nhìn từ nguyên lý văn hóa.

Sau một thời gian dài soạn thảo, thông tin từ phía Cục Văn hóa cơ sở (VHCS), Bộ VH-TT-DL cho biết dự thảo về việc quy hoạch lễ hội đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, các lễ hội dân gian sẽ được phân cấp trách nhiệm quản lý đến các tỉnh, huyện; và sẽ có tiêu chí các lễ hội quy mô cấp xã, huyện, tỉnh. Các lễ hội lớn hơn ở cấp khu vực do Bộ quản lý. Lễ hội cấp quốc gia do Chính phủ quản lý. Một số lễ hội như festival nghề, festival dừa, cà phê sẽ phải giảm tần suất, có thể sẽ được đề xuất 5 năm tổ chức một lần.

 Quy hoạch lễ hội phải phù hợp với nguyên lý văn hóa
Quy hoạch lễ hội phải phù hợp với nguyên lý văn hóa - Ảnh: Ngọc Thắng

Cũng theo thông tin từ Cục này, các lễ hội không còn phù hợp sẽ mai một dần. Một số lễ hội dân gian trùng lặp có thể sẽ quy hoạch lại. “Ví dụ Nam Định và Thái Bình cùng có lễ hội đền Trần, phải chăng để tiết kiệm, trang trọng và đảm bảo quy mô, nên giữ lại lễ hội chính, sàng lọc bớt đi”, ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục VHCS nói. Cũng theo ông Thủy, nếu có nhiều làng cùng thờ một thần linh trong xã, sau khi quy hoạch sẽ giao cho xã đứng ra tổ chức một lễ hội. Nhờ đó, số lượng lễ hội trùng lặp sẽ giảm.

Tuy nhiên, cách sàng lọc, phân cấp này dường như có vấn đề từ góc độ nguyên lý văn hóa.

Phải giữ đa dạng văn hóa

 

Hai làng Vi, Trẹo ở Phú Thọ đều cùng thờ Hùng Vương. Thế mà chỉ riêng việc tu bổ miếu thờ làng nọ át làng kia cũng đã đủ để nảy sinh mâu thuẫn giữa hai làng. Như thế đủ thấy, nếu ghép hội làng, nguy cơ xung đột văn hóa là rất lớn

Một nhà dân tộc học

Chẳng hạn, việc giảm số lượng lễ hội bằng cách ghép các hội làng có cùng một thần linh đã vi phạm nguyên tắc đa dạng văn hóa. Điều này được quy định tại điều 4, Công ước 2005 về đa dạng văn hóa. Theo đó: “Đa dạng văn hóa nghĩa là có nhiều cách thức khác nhau, thông qua đó, nền văn hóa của các nhóm người và các xã hội tìm ra cách biểu đạt. Những biểu đạt này được lưu truyền trong mỗi nhóm người và xã hội, cũng như giữa các nhóm người và các xã hội với nhau...”.

Chỉ cần nhìn vào di sản mới được công nhận - tín ngưỡng Hùng Vương chúng ta có thể thấy rõ được điều đó. Hiện chúng ta có hàng trăm di tích thờ Hùng Vương trải dài khắp cả nước. Có những làng sát nhau cùng thờ Hùng Vương. Tuy nhiên, cách thờ của mỗi làng cũng có những nét đặc sắc riêng. Chính vì thế dựa trên công ước về đa dạng văn hóa, sự tồn tại của mỗi hội làng cũng đều xứng đáng được tồn tại như nhau. “Hai làng Vi, Trẹo ở Phú Thọ đều cùng thờ Hùng Vương. Thế mà chỉ riêng việc tu bổ miếu thờ làng nọ át làng kia cũng đã đủ để nảy sinh mâu thuẫn giữa hai làng. Như thế đủ thấy, nếu ghép hội làng, nguy cơ xung đột văn hóa là rất lớn”, một nhà dân tộc học giấu tên cho biết.

Về lễ hội đền Trần, nhà nghiên cứu này nói: “Cho dù các lễ hội đền Trần thế nào, việc ghép lễ hội để tiết kiệm là không thể. Chúng ta hoàn toàn không có công cụ nào, căn cứ nào để nói lễ hội đền Trần ở đâu là chính. Bởi lễ hội, nói cho cùng có ý nghĩa không phải dựa trên số lượng người tham gia, mà có ý nghĩa bởi chính những gì nó làm cho người thụ hưởng. Vì thế, lễ hội đền Trần Thái Bình dẫu có mười ngàn người cũng chỉ quan trọng với người Thái Bình tương tự như hội đền Trần Nam Định chỉ có mười ngàn người với người Nam Định”.

Lễ hội khác hội chợ

Những hé lộ ít ỏi từ phía Cục VHCS cũng cho thấy lỗi văn hóa khác. Theo đó, các lễ hội xúc tiến thương mại có nguy cơ bị hạn chế.

Còn nhớ, hồi đầu năm 2012, một hội thảo về lễ hội đã bỏ nhiều thời gian để bàn bạc về lễ hội văn hóa - du lịch. Những lễ hội này được tổ chức với mục tiêu thu hút du lịch cho địa phương. “Tuy nhiên, hiện đang có hiện tượng đua đòi tùy tiện tổ chức lễ hội văn hóa du lịch. Một số địa phương kinh tế thị trường chưa mạnh, sức mua thấp, cơ sở hạ tầng nhỏ bé, chất lượng phục vụ nghiệp dư. Do đó việc tổ chức tuy đầu tư kinh phí khá lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại chưa tương ứng”, TS Nguyễn Hữu Thức, Ban Tuyên giáo T.Ư nói.

Mặc dù vậy, cũng phải thấy rằng, không phải lễ hội kinh doanh xúc tiến thương mại nào cũng rơi vào tình trạng hiệu quả kém như vậy. Hơn nữa, nếu chỉ vì lễ hội chưa có hiệu quả mà cấm đoán, bắt phải 5 năm mới được tổ chức một lần sẽ thiếu linh hoạt cho địa phương. Bởi, thực chất vấn đề nằm ở chỗ, phải tổ chức sao cho hiệu quả chứ không phải chuyện bao nhiêu năm mới được làm một lần.

“Theo tôi, phải coi những lễ hội chẳng hạn như lễ hội cà phê - chè để xúc tiến thương mại không phải là lễ hội. Nó giống như một dạng hội chợ triển lãm thì đúng hơn”, PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nói.

Trinh Nguyễn

>> Biến tướng lễ hội - Kỳ 7: Sàm sỡ, đánh nhau...
>> Biến tướng lễ hội
>> Biến tướng lễ hội - Kỳ 2: “Quan hóa”
>> Quan chức và lễ hội
>> Lễ hội Vía Bà
>> Lễ hội cầu an
>> Cảnh báo lễ hội biến tướng - Kỳ 8: Bất lực đứng nhìn?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.