Thấy gì sau 40 ngày đưa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào sử dụng?

Bắc Bình
Bắc Bình
11/06/2022 17:42 GMT+7

Giao thông trên QL1 qua tỉnh Tiền Giang đã giảm ùn tắc, nhưng bản thân cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phát sinh nhiều vấn đề khách quan cần xử lý, khắc phục.

Cứu hộ 225 trường hợp do các sự cố

Ngày 11.6, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Huy, đại diện đơn vị tham gia quản lý vận hành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết để công tác quản lý khai thác vận hành dự án đảm bảo an toàn, thông suốt, thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả - Doanh nghiệp được Chính phủ giao ''giải cứu'' dự án từ tháng 3.2019) đã bố trí hơn 100 nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn, huy động các xe cứu thương, xe chữa cháy, xe cứu hộ cứu nạn…và phối hợp lực lượng Cục CSGT (C08 - Bộ Công an), lực lượng chuyên môn của tỉnh Tiền Giang vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Lưu lượng xe di chuyển trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận rất đông.

BẮC BÌNH

Đề xuất thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ 1.7.2022

Sau 40 ngày vận hành (tính từ 30.4.2022), đến nay, tổng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng gần 800.000 lượt, trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm. Lực lượng điều hành tuyến đã tổ chức cứu hộ 225 trường hợp do các sự cố như bị va quẹt, chết máy, nổ lốp, thậm chí có nhiều trường hợp cao tốc bị ùn ứ giao thông vì sự cố xe hết nhiên liệu. Trong các vụ va chạm giao thông đã làm 2 người chết, 1 người bị thương. Đường dây nóng của Ban điều hành cao tốc đã tiếp nhận giải đáp thắc mắc và sự cố qua đường dây nóng hơn 500 cuộc gọi.

Vẫn theo ông Huy, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km/1 dải; Bên trái tuyến 5 điểm dừng và bên phải tuyến 6 điểm dừng); Chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2 m nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt các loại xe container, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ xử lý nhanh và kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của quy trình quản lý vận hành.

Một số tài xế quên đổ xăng khi di chuyển lên cao tốc đã gây ùn ứ phương tiện

BẮC BÌNH

Hiện nay, dọc 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (49,6 km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51,5 km) chỉ có một trạm dừng nghỉ tại km28+200. Như vậy, đoạn từ km28+500 đến cuối tuyến (km101+126) dài 73 km chưa được bố trí các trạm dừng nghỉ trên tuyến để cho các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, cứu hộ khi có hỏa hoạn, nghỉ ngơi cho lái xe và người tham gia giao thông, đảm bảo đúng yêu cầu và tổ chức an toàn giao thông theo quy định.

Kéo giảm kẹt xe trên QL1

Theo C08, tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tần số về số vụ va quẹt, tai nạn giao thông và các sự cố giao thông khác trên toàn tuyến là không nhiều, ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc khắc phục các sự cố gặp nhiều khó khăn, mất thời gian do mặt đường hẹp (chỉ 3,5 m2/làn) và không có làn dừng khẩn cấp. Và tồn tại này chỉ có thể khắc phục khi tuyến đường được đầu tư mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.

Lưu lượng xe đông trong điều kiện làn đường hẹp, vận tốc tối đa chỉ tới 80 km/h đã gây không ít khó khăn cho tài xế trong quá trình di chuyển.

BẮC BÌNH

Đồng tình với quan điểm của C08, ông Trần Văn Bon, giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết thêm, hiện nay, lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ghi nhận trung bình 23.000 lượt/ngày đêm. Con số này gần chạm mức mãn tải. Nguyên nhân sắp mãn là do thực hiện theo quy hoạch và tính toán căn cứ vào mốc khởi điểm cách đây 13 năm (tức tính toán lưu lượng phương tiện tại thời điểm trước năm 2009). Trong khi, tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước, lưu lượng xe về miền Tây ngày càng tăng cao và lưu lượng xe sẽ còn tăng cao đột biến khi đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào hoạt động,…

“Hiện tỉnh Tiền Giang cũng đã có kiến nghị với T.Ư để sớm tiếp tục đầu tư, mở rộng trên toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong đó, chủ yếu là mở rộng tuyến chính để đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Trung Lương (rộng 3,75 m/làn), có làn dừng khẩn cấp…Vấn đề cấp bách trước mắt chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành khác của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh là hoàn tất một số thủ tục pháp lý còn lại, nghiệm thu tại một số hạng mục cuối cùng,…Và định thời gian để chủ đầu tư BOT thu phí hoàn vốn”, ông Trần Văn Bon cho biết.

Do vận tốc tối đa tại tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận chưa đồng bộ (100km/h) với tuyến TP.HCM - Trung Lương nên nhiều tài xế cũng đã bất cẩn, vi phạm tốc độ,...bị xử lý.

BẮC BÌNH

Ngoài ra, theo ông Bon, từ khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào vận hành đã căn bản giải quyết được tình trạng căng thẳng do ùn tắc cục bộ trên tuyến QL1 tại các cầu “thắt cổ chai” (đường song song với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) qua địa bàn TX.Cai Lậy và H.Cái Bè, vốn gây bức xúc cho người dân nhiều năm qua. Ngoài ra, hàng trăm ngàn tấn trái cây của Tiền Giang tại các khu vực phía Tây cũng đã thuận lợi trong quá trình vận chuyển đến các cảng ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, ra khu vực phía Bắc…

Giá dự kiến thu phí BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ông Trần Văn Bon cho biết theo đề xuất của chủ đầu tư dự án thì kể từ ngày 1.7 tới sẽ bắt đầu thu phí BOT hoàn vốn. Hiện, các công việc cuối cùng tại dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cũng gần như đã sẵn sàng để hoàn thành. Về giá thu phí, ông Bon cho biết gần như biểu giá được dự kiến sẽ khó có thể thay đổi (hạ thấp) vì đó là giá đã được phê duyệt ban đầu trong phương án tài chính của nhà đầu tư. Vấn đề mà phía tỉnh Tiền Giang và Chủ đầu tư đang làm việc để thống nhất là thời gian thu phí sẽ kéo dài bao lâu. Trước khi thu phí, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ có thông báo trước ít nhất là 10 ngày.

Biểu giá thu phí BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo Công văn 4092/UBND-KTTC ngày 20.11.2019 của UBND tỉnh Tiền Giang dự kiến như sau:

  1. Xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 2.100 đồng/km;
  2. Xe ô tô từ 12 ghế ngồi đến 30 chỗ, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn là 3.000 đồng/km;
  3. Xe khách từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có giá 3.700 đồng/km;
  4. Xe tải có trọng tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 fit là 6.000 đồng/km;
  5. Xe có trọng tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit là 8.400 đồng/km.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.