Từ đam mê đến thực hiện dự án giúp ích cho cộng đồng
Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Hải Trường (34 tuổi), sinh sống tại TP.Đà Nẵng, đang làm việc cho Tổ chức giáo dục ADT (A Different tribe) của Bỉ. Chàng thanh niên này luôn ấp ủ mong muốn xây dựng được nhiều sân bóng chuyền và dạy miễn phí cho các bạn trẻ có đam mê với môn thể thao này. Từ đó, giúp các em rèn luyện sức khỏe, theo đuổi đam mê.
"Cuối năm 2018, tôi bắt tay vào thực hiện điều mà mình ấp ủ bằng cách thành lập câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền cộng đồng với mong muốn giúp đỡ các bạn trẻ không có điều kiện được tiếp xúc với môn thể thao này. Hơn nữa, việc này cũng góp phần giúp các bạn học sinh, sinh viên tránh xa điện thoại, trò chơi điện tử và các tệ nạn khác", anh Trường chia sẻ.
Vì muốn duy trì dự án lâu dài và phát triển bền vững nên Trường không muốn kêu gọi sự giúp đỡ hay tài trợ từ ai mà tự tạo ra nguồn thu nhập để đóng góp cho xã hội bằng cách dạy bóng chuyền, tổ chức các giải đấu, bán quần áo, đồ lưu niệm để gây quỹ… Số tiền thu được dùng để xây dựng sân bóng chuyền cho các địa phương khó khăn. Ngoài ra, kinh phí đó cũng dùng để đào tạo, phát triển tài năng cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn đam mê bóng chuyền.
"Từ khi bắt đầu cho tới hướng đi hiện tại tôi đã điều chỉnh từ mô hình doanh nghiệp sang một tổ chức phi Chính phủ. Vì có như vậy mới mang lại lợi ích và sự ảnh hưởng cho xã hội. Với nhiều người, mô hình phi Chính phủ chỉ áp dụng cho những lĩnh vực khác nên tôi mong mọi người có cái nhìn thật sự nghiêm túc về đóng góp của thể thao với sự phát triển của xã hội", anh Trường nói.
Anh Trường tạo sân chơi, tổ chức giải đấu cho mọi người cùng giao lưu và phát triển đam mê bóng chuyền
Sau hơn 4 năm hoạt động, dự án bóng chuyền vì cộng đồng đã mang lại những hiệu quả tích cực. Hiện tại, có 5 sân chơi bóng chuyền ở TP.Đà Nẵng. Cụ thể, tại sân Trường THCS Lý Tự Trọng, Trường THCS Trần Đại Nghĩa, Trường nội trú Hy vọng FPT, sân Hòa Xuân ở Q.Cẩm Lệ và sân ở Q.Sơn Trà.
Theo anh Trường, mỗi lớp học có khoảng hơn 10 em, mỗi tuần học 3 buổi từ 17 giờ 30 - 19 giờ và từ 19 giờ - 21 giờ. "Do số lượng quá nhiều nên một mình tôi làm không xuể, vì vậy tôi phải thuê người dạy, mà đa phần đều là sinh viên nên lớp học ở sân Trường THCS Lý Tự Trọng và Trường THCS Trần Đại Nghĩa buộc phải thu phí để trả tiền công cho các bạn, còn lại là dạy miễn phí", anh Trường cho biết.
Không dừng lại ở đó, mới đây, anh Trường vừa tổ chức thêm được 2 sân chơi tại quê hương ở xã Bình Trung và xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). "Hai sân bóng ở quê mới được triển khai gần 2 tháng, và tôi tranh thủ vào 2 ngày cuối tuần chạy về quê để tập bóng cùng các em. Bà con ở quê mừng lắm, khi con em họ có chỗ vui chơi, rèn luyện. Họ bắt tôi phải thu học phí nhưng tôi không chịu, họ ép quá nên tôi mới nói ai có điều kiện thì mỗi tháng cho xin 50.000 đồng để mua dụng cụ và tổ chức sinh hoạt với các em là vui rồi", Trường nói.
Không chỉ giúp trẻ em phát triển thể lực mà còn giúp thay đổ tính cách tốt hơn
Bên cạnh việc dạy bóng chuyền, anh Trường còn dành thời gian tâm sự, trò chuyện với tất cả các em đến sân. "Mỗi em là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Thời gian đầu nhiều em trốn lên chơi game nhưng sau thời gian chơi bóng, các em có thêm bạn bè, bỏ dần thói quen xấu. Ban đầu cứ nghĩ đơn giản là tạo sân chơi nhưng thấy các em ngày càng tiến bộ tôi vui lắm. Hy vọng không chỉ giúp các bạn phát triển thể lực mà còn có thể thay đổi tính cách của chúng. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi tiếp tục làm", anh Trường tâm sự.
Để có được hiệu ứng lan tỏa như ngày hôm nay, anh Trường cùng CLB đã trải qua nhiều khó khăn. "Từng có thời gian phải dừng lại vì dịch bệnh Covid-19 rồi bị người ta phá, nhưng ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, họ phá sân này thì mình tìm sân khác để tiếp tục làm. Và một trong những khó khăn lớn nhất hiện tại là hạn hẹp về mặt kinh phí khi tiền để mua dụng cụ, xây dựng sân bóng đa phần đều phải bỏ tiền túi ra làm. Mặc dù vậy nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ dừng lại, tôi biết mục tiêu của mình ở đâu và sẽ theo nó tới cùng", anh Trường nói.
Sau khi dự án bóng chuyền cộng đồng của anh Trường được lan tỏa về quê nhà đã nhận được hiệu ứng tích cực từ phía bà con, đặc biệt là những gia đình có con em đang trong độ tuổi học sinh. Là phụ huynh của 2 em nhỏ đang theo học tại lớp bóng chuyền của Trường, anh Nguyễn Huỳnh Dự, ngụ ở Tổ 9, thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Bình thường thời gian rảnh con tôi chỉ ở nhà xem tivi, điện thoại nhưng gần một tháng nay khi có lớp học bóng chuyền của Trường, các con không còn dán mắt vào các thiết bị điện tử nhiều nữa. Tôi rất quý việc làm của Trường".
Bên cạnh đó, việc làm anh Trường cũng nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo địa phương. Nhận xét về việc làm này, ông Trần Hữu Phước, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao và truyền thanh - truyền hình huyện Thăng Bình không giấu được sự phấn khởi.
Ông Phước, chia sẻ: "Với mô hình bóng chuyền cộng đồng của Trường rất có ích trong việc đào tạo trẻ, từ đó các em sẽ hứng thú hơn với bộ môn này. Trung tâm đánh giá rất cao về mô hình này vì nó tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các bạn trẻ, giúp các bạn tránh xa được những tệ nạn, vừa phát triển sức khỏe. Bản thân tôi đã trực tiếp làm việc với Trường, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có hướng giúp đỡ thêm để nâng tầm dự án lên và để mô hình phát triển mạnh mẽ hơn".
Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Trường cho biết, CLB sẽ tiếp tục xây dựng sân chơi, nhân rộng các lớp học bóng chuyền miễn phí và đặc biệt là mang môn thể thao này đến với các bạn trẻ ở những địa phương khó khăn hơn. Đồng thời, tổ chức các giải đấu để các tài năng được giao lưu học hỏi.
Bình luận (0)