Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/07/2024 09:01 GMT+7

Thầy Nguyễn Tuấn Anh chạnh lòng khi nghe ai đó bàn tán về kết quả học tập của con, một số phụ huynh phẩy tay khi nghe nhận xét của giáo viên về môn mỹ thuật: 'Ôi dào, môn phụ ấy mà!'.

Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh

PHƯƠNG HÀ

Muốn thay đổi những định kiến ấy, những năm qua, thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên mỹ thuật Trường THCS Tân Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM, đều âm thầm mang những sáng tạo vào trong những tiết dạy của mình.

Muốn học sinh luôn trông chờ đến tiết mỹ thuật

Đến Trường THCS Tân Bình vào tiết mỹ thuật của thầy Tuấn Anh sẽ thấy thầy giáo trẻ luôn đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho các em học sinh.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thầy giáo cho học sinh xem phim tài liệu, đọc sách, để từ đó cùng vẽ tranh đề tài lịch sử. Thầy Tuấn Anh còn xây dựng chuyên đề sáng tác tác phẩm về Bác Hồ, hưởng ứng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Để rèn luyện cho học sinh về sự khéo léo của đôi tay, khả năng thẩm mỹ, thầy Tuấn Anh hướng dẫn học trò cùng tái chế những túi xách từ quần jeans cũ. Hay ở một tiết mỹ thuật khác, học trò thích thú khi được thầy hướng dẫn làm tranh từ vỏ trứng, trang trí túi xách, trang trí nón lá, làm mô hình nhà từ bìa carton, trang trí mặt nạ dịp tết trung thu...

Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 2.

Thầy Tuấn Anh trong tiết mỹ thuật

PHƯƠNG HÀ

Những sản phẩm do học sinh làm ra luôn được các giáo viên trân trọng. Thầy Tuấn Anh hướng dẫn học sinh tổ chức các buổi triển lãm, ngay trong hành lang trường học, để các tác phẩm tranh của học sinh, trang trí quạt, trang trí túi xách, trang trí nón được trưng bày, giới thiệu…

Đặc biệt, để học trò hào hứng với tiết học, thầy giáo tổ chức hoạt động trải nghiệm cho các em được trang trí trên áo dài, tổ chức buổi trình diễn áo dài mà chính các em là những người mẫu; sàn diễn là ở sân trường và đông đảo học sinh khác là khán giả. Những buổi trình diễn này luôn được học sinh vô cùng thích thú và mong chờ.

Thầy giáo mỹ thuật còn ứng dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như: dạy học trực tuyến, các phần mềm dạy học giúp học sinh thêm hứng thú với môn mỹ thuật...

Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 3.

"Tôi luôn mong ước học sinh luôn trông chờ đến tiết mỹ thuật", thầy Tuấn Anh chia sẻ

PHƯƠNG HÀ

Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 4.
Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 5.

Học trò của thầy Tuấn Anh làm tranh từ vỏ trứng

NVCC

Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 6.
Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 7.

Học sinh của thầy Tuấn Anh thực hiện mô hình hoạt cảnh lễ hội Việt Nam (trái) và làm tranh từ vỏ trứng

NVCC

Nhiều năm qua, thầy giáo sinh năm 1985 không chỉ đánh giá học trò dựa trên các kết quả bài kiểm tra định kỳ, cuối kỳ mà còn nhận xét học sinh trong quá trình các em làm dự án, thuyết trình. Kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không. Những lời động viên nho nhỏ dành cho học trò như "hôm nay con tô màu đẹp", "lần này con đã có ý tưởng rất hay rồi đó"… đều giúp các học sinh thấy mình được tôn trọng, được khuyến khích để cố gắng hơn.

"Tôi chạnh lòng khi đâu đó vẫn còn những phụ huynh, học sinh xem mỹ thuật chỉ là môn phụ và xem nhẹ. Với tôi, mỹ thuật không phải là môn học chỉ để học trò vẽ tranh. Từ môn mỹ thuật, các em sẽ được phát triển về tư duy, năng lực thẩm mỹ, khả năng cảm thụ nghệ thuật. Từ môn mỹ thuật, các em được có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc và ứng dụng được nhiều điều vào cuộc sống", thầy giáo tốt nghiệp ngành sư phạm mỹ thuật, Trường ĐH Sài Gòn bộc bạch.

Thầy giáo được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Trước khi về công tác tại Trường THCS Tân Bình, thầy Nguyễn Tuấn Anh từng dạy mỹ thuật tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám, THCS Võ Văn Tần. Ở ngôi trường nào, thầy cũng tìm tòi phương pháp dạy học theo hướng tích cực để hướng dẫn các em học sinh chủ động tốt trong quá trình học tập.

Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 8.

Thầy giáo luôn tìm tòi phương pháp dạy học sáng tạo

NVCC

Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 9.
Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 10.

Những sản phẩm mỹ thuật do các em học sinh ở Q.Tân Bình cùng nhau tạo nên

NVCC

Liên tiếp từ năm học 2012-2013 đến nay, luôn có nhiều học sinh do thầy bồi dưỡng đạt các giải thưởng ở các hội thi vẽ áo dài, vẽ tranh tuyên truyền an toàn giao thông; hội thi "Nét vẽ xanh" cấp quận và thành phố; hội thi "Vẽ tranh thiếu nhi Tân Bình nói lời hay làm việc tốt"; hội thi "Lớn lên cùng sách"; hội thi "Khéo tay kỹ thuật" cấp quận và cấp thành phố…

Bản thân thầy Tuấn Anh được nhận bằng khen của UBND TP.HCM năm 2014, cùng năm đó thầy là gương tiêu biểu trong "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời".

Thầy giáo mỹ thuật là giáo viên trẻ tiêu biểu cấp quận nhiều năm học liên tiếp. Trong năm học 2015 - 2016, thầy nhận giải ba cuộc thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học". Còn năm học 2018- 2019, thầy đạt giải nhất kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, là nhà giáo được nhận Huy hiệu TP.HCM.

Đặc biệt, với những thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả trong thực tế, thầy Tuấn Anh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm học 2019-2020.

Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 11.
Thầy giáo ở TP.HCM muốn xóa bỏ định kiến 'mỹ thuật là môn phụ'- Ảnh 12.

Học sinh cùng nhau vẽ trang trí áo dài, làm tranh mô phỏng tranh Đông Hồ - những dự án dạy mỹ thuật của thầy Tuấn Anh đều giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam

NVCC

Thầy Nguyễn Tuấn Anh hiện đang là giáo viên cốt cán môn mỹ thuật tại Q.Tân Bình, thầy có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng giảng dạy ở trường, quận và ngành giáo dục công nhận.

Như năm học 2012 - 2013, thầy có sáng kiến "Định hướng thẩm mỹ cho học sinh - Thông qua xu hướng thời trang". Năm học 2014-2015, sáng kiến "Tích hợp và ứng dụng vật liệu dân gian, nghề thủ công mỹ nghệ vào phân môn trang trí" được công nhận.

Đáng chú ý, năm học 2017- 2018, thầy Tuấn Anh có sáng kiến "Củng cố và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua tranh đề tài lễ hội". Đây cũng là một trong những tâm huyết của thầy giáo trẻ, làm sao để từ môn mỹ thuật có thể tăng cường giáo dục cho học sinh về văn hóa dân tộc và lòng yêu nước…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.