Thầy giáo viết chữ bằng miệng lan tỏa yêu thương đến cộng đồng

23/01/2020 15:33 GMT+7

"Thân thể tôi như cái áo rách, nếu còn mảnh vải nào lành lặn, tôi muốn lấy nó vá cho người có cái áo rách hơn để che chở cho người ta trong ngày đông giá rét”. Đó là tâm nguyện của anh Trường (Hà Nội)

Trong căn nhà nhỏ giữa rốn lũ thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có một người thầy tật nguyền hơn chục năm nay vẫn miệt mài luyện chữ đẹp, dạy học miễn phí cho trẻ em. Nhiều người dân vẫn thường ví von thầy là “bông hoa nơi đất lũ”.

Thầy giáo viết chữ bằng miệng lan tỏa yêu thương đến cộng đồng

Cậu bé hiếu học và số phận nghiệt ngã

Sinh ra trong gia đình thuần nông tại vùng quê thường xuyên ngập lũ, 2 năm sau khi lọt lòng, anh Phùng Văn Trường (42 tuổi, trú tại thôn Nhân Lý, Nam Phương Tiến) bắt đầu có những triệu chứng thoái hóa cơ. Năm lên lớp 8, dù rất kiên cường, hiếu học nhưng anh Trường buộc phải nghỉ học vì sức khỏe không cho phép.
“Bố tôi cầm tay tôi để lấy lực tì bút, đưa từng nét, từng nét nhưng bút lại rơi xuống, và từ đó, tôi phải nghỉ học và bắt đầu làm quen với xe lăn”, anh Trường nghẹn lại.

Không thể viết bằng tay, anh Trường quyết tâm luyện viết bằng miệng

Ảnh Trần Cường

Xa trường, nhớ lớp, nhớ bảng đen, phấn trắng, cậu bé hiếu học vẫn tìm mọi cách để cầm bút viết nhưng đôi tay run rẩy, cầm bút lên lại rơi xuống. Không đầu hàng số phận, cậu bé Trường đã tìm mọi cách để có thể viết chữ trở lại.
“Tình cờ, tôi nghe qua radio về nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, người vượt qua số phận, viết chữ bằng chân. Từ đó, cảm hứng trong tôi trở lại, nhưng đôi chân tôi cũng không còn khả năng đi lại. Tiếp đó, tôi thấy một nhân vật trong phim Bao Thanh Thiên viết chữ bằng miệng, và từ đó tôi bắt đầu ngậm bút, tập viết trở lại”, anh Trường nhớ lại.

Vượt qua số phận để mang yêu thương về nơi đất lũ

Quá trình nghỉ học, anh Trường phụ bố mẹ bán hàng, thời gian này anh Trường rất tự ti vì muốn ghi chép, thống kê lại hàng hóa nhưng không viết được, cộng với việc con của em gái học kém, không chịu viết nên anh Trường đã quyết tâm ngày đêm ngậm bút tập viết để đáp ứng công việc và dạy cháu, sau nhiều lần nản trí.
Từ khi thấy anh Trường kèm cháu tốt, kết quả học tập khá lên, nhiều người hàng xóm đã nhờ kèm con mình những lúc anh Trường rảnh việc. Và từ đó, anh Trường bắt đầu luyện chữ, dạy toán, tập đọc, sửa chính tả,... những kiến thức cơ bản cho các cháu bậc tiểu học trong vùng. Cũng từ đó, anh Trường được mọi người trong vùng gọi với cái tên thân thương “thầy Trường”.

Học sinh quây quần bên người thầy tật nguyền

Ảnh Trần Cường

“Tôi không học qua trường lớp nào nên chỉ đủ khả năng kèm cho các cháu bậc tiểu học. Tôi không thể cầm tay, luyện viết cho các cháu như những chỗ khác, nhiều khi tôi nghĩ các cháu cho rằng tôi không viết đẹp thì sao dạy được các cháu?. Tôi viết mẫu chữ để các cháu viết theo, chỉ cho các cháu khổ chữ cao bao nhiêu li, kéo xuống bao nhiêu li để các cháu viết đúng và chỉ biết động viên các cháu “phải viết thật đẹp vào”. Có những cháu nghe lời, chăm chỉ, nên nét chữ cũng tiến bộ rất nhanh”, anh Trường nói và cho biết nguyện vọng của anh chỉ mong các cháu học hành thành đạt, sau này về xây dựng vùng quê nghèo.
Từ đó đến nay, người dân gửi kèm các cháu đông dần, nhất là những ngày hè, lớp học có khoảng 30 cháu, anh Trường đã kê bàn ghế để các cháu có chỗ ngồi học.
Năm 2012, anh Trường bén duyên với một cô gái trong vùng và lập gia đình, sinh được một bé trai kháu khỉnh. Vợ anh không ngăn cản mà luôn ủng hộ anh dạy các cháu, “mang cái chữ, mang yêu thương về cho vùng đất lũ”.

Thư viện miễn phí ngay trong ngôi nhà nhỏ của thầy Trường

Ảnh Trần Cường

Tiếng lành đồn xa, năm 2014, anh Trường được tham gia chương trình “Điều ước thứ 7”. Tại đây, anh Trường đã nói về mơ ước được mở một tủ sách cho các cháu trong vùng có sách để đọc, mở mang kiến thức.
Từ sự ủng hộ của mọi người, “ngôi nhà tạp hóa” vừa ở, vừa dạy học của anh Trường hình thành thêm một thư viện cho các cháu trong vùng đến đọc, và mượn sách mang về hoàn toàn miễn phí.

Một em nhỏ say sưa đọc truyện tại thư viện

Ảnh Trần Cường

Thư viện miễn phí của người thầy tật nguyền có tên Hallo world, tức “Chào thế giới”, với mong muốn các cháu học tập tốt, vươn xa ra thế giới. Hiện thư viện Chào thế giới đã có hàng ngàn đầu sách, từ sách văn học, toán học, địa lý, lịch sử,... cho đến chuyện đọc.
“Ngoài việc mở thư viện miễn phí, trong năm qua (2019), nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ, quyên góp được hàng trăm đầu sách để vận chuyển lên tặng các cháu vùng cao khó khăn, cho các cháu được mở mang tri thức”, anh Trường nói.

Làm việc có ích cho xã hội cho đến khi nằm xuống

Từ năm 2017, anh Trường bắt đầu vận động gia đình để tổ chức chương trình “Tết ấm yêu thương” cho các cháu và những người có hoàn cảnh éo le, khó khăn trên địa bàn. Chương trình được bắt đầu từ 25 Tết, cho đến khi phát hết quà.
Từ 25 Tết, anh Trường tổ chức cho các cháu gói bánh chưng thi, sau đó chấm điểm và trao giải động viên các cháu và mang chính những chiếc bánh này đi tặng các hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Trường phát bánh chưng cho các học sinh trong chương trình Tết ấm yêu thương

Ảnh Trần Cường

“Năm đầu, tôi bỏ 200.000 đồng, cộng với người thân ủng hộ để mua gạo, thịt, lá dong,... tổ chức cho các cháu thi gói bánh, sau đó dùng bánh này cùng các cháu tặng cho các gia đình khó khăn, leo đơn,... trong vùng để các cháu biết trong xã hội vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, từ đó khơi dậy tình yêu thương mọi người trong các cháu. Những năm tiếp theo được các nhà hảo tâm ủng hộ thì mỗi suất quà sẽ kèm thêm số tiền 200.000 đồng để ủng hộ những gia đình khó khăn. Tôi mong sức khỏe tôi không xấu đi để tiếp tục thực hiện chương trình này nhiều năm nữa, lan tỏa yêu thương tới mọi người”, anh Trường nói.

Thầy Trường viết chữ bằng miệng tặng phóng viên

Ảnh Trần Cường

Tuy làm nhiều việc có ích cho xã hội nhưng “bông hoa nơi đất lũ” vẫn canh cánh trong lòng bởi nhiều người không hiểu, nghĩ anh "bày trò" ra để lấy tiền thiên hạ. Tuy nhiên, anh Trường cho rằng mình là người lan tỏa yêu thương, giúp những đồng tiền hảo tâm được chuyển đến đúng chỗ, thông qua những gì anh đã và đang làm.
Ngoài những việc kể trên,  anh Trường vẫn còn một nguyện vọng lớn trước khi nằm xuống, đó là để lại giác mạc, thứ quý giá, lành lặn nhất của mình cho đời.

Tết ấm yêu thương

Ảnh Trần Cường

“Tôi là một người bất hạnh, sức khỏe của tôi đang kém đi, cuộc đời tôi có lẽ cũng ngắn ngủi nhưng trong xã hội này vẫn còn nhiều bất hạnh hơn mình. Tôi mong được hiến tặng giác mạc của mình để người bất hạnh hơn được nhìn thấy ánh sáng. Tôi rất mong có tổ chức nào biết đến nguyện vọng của tôi, cho tôi được ký kết trước khi tôi nằm xuống. Thân thể tôi như cái áo rách, nếu còn mảnh vải nào lạnh lặn, tôi muốn lấy nó vá cho người có cái áo rách hơn để che chở cho người ta trong ngày đông giá rét. Khuất đi, thì cũng như cát bụi về cát bụi mà thôi”, anh Trường bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.