Thế cờ hội đàm quốc phòng Mỹ - Trung

01/06/2024 06:00 GMT+7

Bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã có cuộc hội đàm vào hôm qua 31.5.

Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng 2 nước kể từ năm 2022. Tại Đối thoại Shangri-La diễn ra cùng thời điểm này năm ngoái, Washington đã đề nghị một cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Austin với người đồng cấp phía Trung Quốc khi đó là ông Lý Thượng Phúc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối đề xuất của Washington.

Tâm điểm Đài Loan

Theo thông báo của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Austin bày tỏ lo ngại về hoạt động "khiêu khích" của quân đội Trung Quốc. Vừa qua, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn bao vây Đài Loan và các đảo xa xôi của nước này. Có ý kiến cho rằng, cuộc tập trận nhằm mục tiêu sẵn sàng tấn công quân sự Đài Loan.

Thế cờ hội đàm quốc phòng Mỹ - Trung- Ảnh 1.

Phái đoàn quân sự Mỹ - Trung tại cuộc hội đàm hôm qua

Reuters

Ông Austin còn nói thêm Bắc Kinh "không nên sử dụng quá trình chuyển đổi chính trị của Đài Loan để làm cái cớ cho các biện pháp cưỡng chế".

Đáp trả lại, tướng Đổng Quân cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào công việc của Trung Quốc với Đài Loan. Sau cuộc họp, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cách tiếp cận của Washington đối với Đài Loan đang gửi một "tín hiệu sai lầm" đến "các lực lượng ly khai" ở Đài Bắc.

Cụ thể, Bộ trưởng Đổng đang ám chỉ việc Washington chúc mừng ông Lại Thanh Đức nhậm chức lãnh đạo Đài Loan vào ngày 20.5 vừa qua, đồng thời cử một phái đoàn đến dự lễ.

Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Austin và tướng Đổng kéo dài khoảng 75 phút, lâu hơn dự kiến. Tuy nhiên, bất chấp bầu không khí căng thẳng, cả hai bên cũng tìm cách ổn định quan hệ.

Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc mở giữa lực lượng vũ trang của hai nước, và "hoan nghênh" các kế hoạch triệu tập một nhóm công tác xử lý khủng hoảng truyền thông vào cuối năm nay. Tướng Đổng cũng cho rằng các quan hệ song phương nên được trân trọng và cả hai bên không nên "bôi nhọ bên kia". Bắc Kinh mô tả cuộc hội đàm là điển hình về nỗ lực "tích cực, thực tế và mang tính xây dựng".

Cũng liên quan cuộc hội đàm, theo tờ Nikkei Asia, phía Bắc Kinh nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến ở Gaza, kêu gọi ngừng bắn và lập luận rằng Mỹ nên có trách nhiệm. Trong khi đó, phía Washington cho biết Bộ trưởng Austin "đã thảo luận về cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine" và vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.

Cuộc hội đàm quan trọng

Trả lời Thanh Niên tối qua 31.5, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích có 3 lý do khiến cuộc hội đàm quan trọng với cả 2 phía.

Thứ nhất, trong ngắn hạn, hội đàm diễn ra khi Mỹ đang phải dùng nhiều nguồn lực cho Ukraine và Israel. Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cần dành thời gian cho cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại nước này. Nên hiện tại là cơ hội để Trung Quốc tối đa hóa hoạt động ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan với nhiều diễn biến leo thang. Washington muốn kiểm soát sự leo thang đó.

Thứ hai, trong trung hạn, cuộc đàm phán này diễn ra nhằm giải quyết lo ngại về tình hình Đài Loan. Bắc Kinh đang thúc đẩy sức mạnh quân sự và tăng cường áp lực quân sự nhằm vào Đài Loan. Thậm chí, có nhiều nhận định cho rằng Bắc Kinh sắp sử dụng sức mạnh quân sự để thống nhất Đài Loan.

Thứ ba, về lâu dài, hội đàm diễn ra khi cán cân sức mạnh tên lửa thay đổi. Vì Trung Quốc đang nâng cấp kho tên lửa một cách mạnh mẽ, với các loại tên lửa DF-17, DF-21, DF-26… là mối đe dọa lớn đối với lực lượng Mỹ tại khu vực này. Đáp lại, hồi tháng 4, Mỹ công bố triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung mới tại Philippines.

Giữa những căng thẳng đó, theo TS Nagao, hai bên hội đàm để có cơ hội thảo luận nhằm tránh những tính toán sai lầm. "Tuy nhiên, một cuộc đàm phán như vậy không phải là một thông điệp mạnh mẽ đối với Trung Quốc", TS Nagao phân tích. 

Giảm thiểu rủi ro

Có thông tin về việc hai bên nhất trí thiết lập đường dây nóng quân sự giữa Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ) và chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc - điều này sẽ tuân theo các cam kết của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi cuối năm ngoái. Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng nó sẽ có tác động tối thiểu đến rủi ro trong mối quan hệ. Trung Quốc tiếp tục coi đường dây nóng và truyền thông khủng hoảng là "lá bài" có thể đổi chác. Trong khi đó, căng thẳng về Đài Loan và Biển Đông đang ở mức cao.

TS Jonathan Berkshire Miller (Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Nhật)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.