Thế cuộc từ chảo lửa hỗn độn Syria

03/12/2024 05:32 GMT+7

Tuy quy mô và mức độ chiến sự chưa lớn, nhưng những gì đang xảy ra ở Syria là minh chứng cho sự bất ổn song hành các diễn biến trong khu vực, cũng như sự thay đổi cán cân quyền lực.

Reuters hôm qua (2.12) đưa tin hàng trăm tay súng từ Iraq đã tiến vào Syria để hỗ trợ cho chính phủ sở tại. Số tay súng này được cho là thân với Iran nên đến Syria để hiện thực hóa cam kết của Tehran đối với Damascus giữa lúc các lực lượng quân sự đối lập đang vùng lên mạnh mẽ, chiếm đóng một số khu vực.

"Năm phe bảy phái"

Hiện nay, tại Syria có 4 lực lượng quân sự chính đang đấu đá lẫn nhau. Thứ nhất là quân đội chính phủ và một số nhóm bán vũ trang thân thiết với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời chính phủ còn có sự ủng hộ mạnh mẽ từ lực lượng Hezbollah ở Li Băng.

Thế cuộc từ chảo lửa hỗn độn Syria- Ảnh 1.

Các tay súng của một lực lượng quân sự đối lập tại Aleppo ngày 30.11

Ảnh: AFP

Thứ hai là Mặt trận Dân chủ Syria do người Kurd điều khiển dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Thứ ba là tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS, trước đây là Mặt trận Nusra) từng là một nhánh của al-Qaeda và hiện bị nhiều nước như Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Thứ tư là "Quân đội Quốc gia" Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cùng một số nhóm thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế, xung đột bắt đầu bùng nổ ở Syria vào năm 2011 khi nhiều lực lượng nổi dậy muốn lật đổ Tổng thống al-Assad. Xuyên suốt cuộc nội chiến là sự hình thành của nhiều lực lượng, cũng như sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sự trỗi dậy của IS là lý do khiến Mỹ đã hiện diện quân sự ở Syria, dù Washington cũng muốn lật đổ chính quyền của ông al-Assad.

Đến khoảng năm 2015, nhờ có sự tham chiến hỗ trợ từ Iran và Nga mà Tổng thống al-Assad không chỉ đứng vững, mà còn giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Mặc dù vậy, chính quyền Damascus vẫn đối mặt thách thức lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ ý định lật đổ ông al-Assad. Tình hình chỉ thực sự lắng dịu vào năm 2019 sau khi Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận về vấn đề Syria. Đạt được vào thời điểm Mỹ sắp rút quân, theo thỏa thuận, Syria sẽ tiến đến tổng tuyển cử. Từ đó đến nay, ông al-Assad vẫn tại vị, cuộc nội chiến xem như tạm dừng dù các lực lượng quân sự đối lập vẫn chiếm cứ các khu vực nhất định.

Thế nhưng, ngày 27.11 vừa qua, HTS bất ngờ tấn công các khu vực quân chính phủ đang kiểm soát và nhanh chóng chiếm được Aleppo là thành phố lớn thứ 2 của Syria. Tất nhiên, các nhóm vũ trang khác cũng "động binh", như SNA đã mở rộng vùng chiếm giữ và tấn công lực lượng người Kurd.

Rộ tin Moscow thay tướng phụ trách lực lượng Nga ở Syria

Theo Reuters dẫn nguồn các blogger quân sự Nga, ông Sergei Kisel, tướng phụ trách lực lượng Nga ở Syria, đã bị cách chức sau khi quân nổi dậy tràn vào TP.Aleppo (Syria). Việc bãi nhiệm ông Kisel (53 tuổi) được tiết lộ trên kênh Telegram Rybar - vốn được cho là gần gũi với Bộ Quốc phòng Nga, và trang quân sự Voenny Osvedomitel. "Rõ ràng ông ấy được cho là sẽ bộc lộ tiềm năng của mình ở Syria, nhưng lại có điều gì đó không ổn", theo Voenny Osvedomitel.

Trí Đỗ

Cán cân thay đổi

Theo phân tích từ Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới - gửi đến Thanh Niên, HTS đã nhìn thấy sự thay đổi cán cân trong khu vực khi Nga tiêu tốn nhiều nguồn lực trong cuộc xung đột với Ukraine, còn Iran và các lực lượng thân thiết chịu thiệt hại lớn từ các chiến dịch quân sự của Israel. Vì thế, HTS lợi dụng cơ hội để hành động giữa bối cảnh sự hỗ trợ của Moscow và Tehran dành cho Damascus bị giới hạn về nguồn lực, hay Hezbollah cũng khó đủ sức chi viện cho ông al-Assad.

Việc HTS "động binh" có thể có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì gây sức ép lên Tổng thống al-Assad lẫn Nga và Iran trong bối cảnh nhiều điều khoản trong thỏa thuận năm 2019 đã không được thực thi. Diễn biến này cũng có thể giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng kiểm soát, đồng thời làm suy yếu lực lượng người Kurd. Nhiều năm qua, Ankara luôn phải ứng phó với các lực lượng người Kurd vốn đang đấu tranh thành lập nhà nước riêng mà trong đó có phần đất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời Thanh Niên, chuyên gia tình báo quân sự Mỹ đánh giá: Diễn biến hiện nay sẽ làm suy yếu chính quyền của ông al-Assad, đồng thời ảnh hưởng của Iran sẽ dần lớn hơn Nga tại Syria, do Moscow khó đủ lực hỗ trợ mạnh mẽ cho Damascus trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực sẽ trở nên căng thẳng hơn, và nhiều khả năng Tehran sẽ tác động để lực lượng thân hữu tấn công SNA. Mặt khác, Iran cũng tìm cách gia tăng sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết tình hình, đồng thời đổ lỗi cho Israel và Mỹ đã gây bất ổn để "chuyển lửa" ra khỏi các cuộc xung đột liên quan Tel Aviv hiện tại.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia nhận định xung đột leo thang sẽ sớm ổn định trong tháng 12. Vấn đề chỉ là khu vực kiểm soát của chính quyền Tổng thống al-Assad sẽ bị thu hẹp.

Mỹ, Pháp, Đức, Anh thúc giục giảm leo thang ở Syria

Mỹ, Pháp, Đức và Anh kêu gọi "giảm leo thang", bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng ở Syria để ngăn chặn tình trạng sơ tán thêm và gián đoạn việc tiếp cận nhân đạo.

"Sự leo thang hiện tại chỉ làm nổi bật thêm nhu cầu cấp thiết về một giải pháp chính trị do Syria dẫn dắt đối với cuộc xung đột, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", theo tuyên bố chung của 4 quốc gia trên được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 1.12. Nghị quyết 2254 của LHQ kêu gọi các bên ngừng bắn và ủng hộ tiến trình hòa bình tại Syria. Cùng ngày, Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Syria Adam Abdelmoula cũng kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Syria.

Trí Đỗ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.