Thế giới 2020 - một năm nhìn lại

Ngọc Mai
Ngọc Mai
29/12/2020 07:46 GMT+7

Thế giới đã trải qua một năm 2020 đầy sóng gió với đại dịch bao trùm, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt và một cuộc bầu cử nhiều tranh cãi.

Đại dịch và những tác động không tưởng

Cuối năm 2019, những ca viêm phổi lạ tại Vũ Hán (Trung Quốc) được phát hiện và không lâu sau căn bệnh Covid-19 lan rộng ra toàn thế giới, đẩy cả nhân loại vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có. Chỉ trong vòng một năm, hơn 81 triệu người đã nhiễm bệnh, trong đó hơn 1,75 triệu người tử vong. Con số tiếp tục tăng nhanh mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Sự xuất hiện của các biến thể vi rút mới khiến nỗi lo càng thêm lớn.
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh đời sống con người, làm thay đổi thế giới từ những điều nhỏ nhất. Hơn một nửa dân số thế giới sống trong cảnh bị phong tỏa, cách ly hoặc giãn cách. Khẩu trang trở thành vật bất ly thân kể cả với người phương Tây. Hàng loạt sự kiện lớn nhỏ ở tất cả lĩnh vực bị hủy bỏ hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến.
Cách con người giao tiếp với nhau cũng phải thay đổi, những cử chỉ thân mật và thông lệ ngoại giao nhường chỗ cho trạng thái “bình thường mới”. Kinh tế thế giới lao đao, suy thoái, các doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Biên giới cứng quốc gia phải “dựng lên” khắp nơi để chặn dòng lây lan không kiểm soát của dịch bệnh.
Nhưng cũng trong cuộc chiến với kẻ thù chung ấy, cả thế giới bước vào cuộc đua phát triển vắc xin trong thời gian ngắn kỷ lục. Ngay lúc này, Nga, Mỹ, châu Âu đã bắt đầu việc tiêm chủng trên quy mô lớn chưa từng có. Với kỳ vọng có được khiên chắn cho con người trước Covid-19, các nước còn bước vào một cuộc đua khốc liệt khác: mua sắm vắc xin. Dù đẩy nhanh tiến độ lẫn công suất nhưng lượng vắc xin chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của thế giới.
Trong cuộc đua không cân sức, các nước giàu rõ ràng giành lợi thế, vì vậy nỗ lực đảm bảo phân phối vắc xin công bằng đã được đặt ra. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, dù có được vắc xin thì cuộc chiến này vẫn chưa thể kết thúc.

Bầu cử Mỹ tranh cãi nhất

Năm 2020 cũng được người Mỹ chờ đợi nhất khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra. Cuộc đua vào Nhà Trắng lần này đã bị tác động rất lớn bởi nhân tố đại dịch.
Trước khi Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, dù đối đầu với chính trị gia “lão làng” là cựu Phó tổng thống Joe Biden nhưng đương kim Tổng thống Donald Trump có nhiều lợi thế khi mang về thành tựu kinh tế ổn định sau 3 năm cầm quyền. Tuy nhiên, Covid-19 đã tạo ra cơn địa chấn đối với nước Mỹ và cách ứng phó của chính quyền Tổng thống Trump cũng như khả năng vực dậy nền kinh tế trở thành chủ đề cốt lõi.
Thế giới 2020 - một năm nhìn lại1

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vẫn chưa hết tranh cãi

ẢNH: REUTERS

Cuộc bầu cử diễn ra ngày 3.11 nhưng phải 4 ngày sau thì truyền thông Mỹ mới gọi tên người chiến thắng là ông Biden do các bang phải kiểm đếm phiếu bầu qua thư và vắng mặt cao chưa từng có. Cả hai ứng viên đều phá vỡ mọi kỷ lục về số phiếu phổ thông, trong đó ông Biden giành 81 triệu phiếu - cao nhất lịch sử, còn ông Trump nhận được 74 triệu phiếu.
Dù cơ hội lật ngược kết quả được cho là gần như không thể, ông Trump vẫn theo đuổi cuộc chiến pháp lý dai dẳng và tốn kém đến tận hôm nay.
Cuộc bầu cử cứ ngỡ đã ngã ngũ nhưng việc Tổng thống Trump không nhận thua khiến nước Mỹ trở nên càng chia rẽ sau cuộc bầu cử. Cũng chính vì thế, Tổng thống tân cử Biden càng gặp nhiều khó khăn để sớm bắt tay vào việc tiếp quản quyền lực.
Giới quan sát nhận định ông Biden phải đối diện với bài toán khó cả về đối nội và đối ngoại khi bước vào Nhà Trắng, bởi lẽ nước Mỹ đang khủng hoảng vì Covid-19 và 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump đã định hình một nước Mỹ trên trường quốc tế rất khác so với thời kỳ ông Biden làm phó tổng thống.

Cạnh tranh chiến lược, xung đột và chia rẽ

Dù có một kẻ thù chung là Covid-19 nhưng không vì thế mà cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn giảm đi trong năm 2020. Thậm chí, đại dịch còn làm cho quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng tới ngưỡng lo ngại Chiến tranh lạnh mới. Hai bên mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề: thương mại, ngoại giao, công nghệ, an ninh, Biển Đông, Đài Loan, Hồng Kông... Hai bên khẩu chiến, cấm vận, thậm chí dọa cắt đứt quan hệ song phương. Quan hệ xấu đến nỗi giới chuyên gia cho rằng ông Biden có thay ông Trump thì quy mô, cường độ xung đột Mỹ - Trung cũng không thể quay đầu.
Nhưng không chỉ Mỹ - Trung căng thẳng, hàng loạt điểm nóng khác cũng báo động trong năm 2020. Biên giới Ấn - Trung bùng nổ cuộc đụng độ gây chết người khiến hai bên điều động lượng lớn binh sĩ và khí tài hạng nặng. Đã có lúc dấy lên lo ngại về một xung đột vũ trang toàn diện trên dãy Himalaya. Phải sau nhiều cuộc đàm phán, Ấn Độ và Trung Quốc mới chịu hạ nhiệt căng thẳng.
Không được may mắn như thế, vùng Nagorno-Karabakh năm 2020 trở thành chiến trường đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan. Hơn 5.000 người ở cả hai phía thiệt mạng trong cuộc xung đột vũ trang có sự tham gia của khí tài hiện đại là UAV. Phải mất gần 2 tháng, cuộc chiến mới chấm dứt nhưng nó để lại nhiều vấn đề về diện mạo của chiến tranh hiện đại và địa chính trị tại đây.
Cũng trong năm 2020, Trung Đông nơm nớp lo sợ về một cuộc chiến tranh nóng khi Mỹ tấn công giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Sự kiện khiến căng thẳng Mỹ - Iran leo thang nhanh chóng bởi ông Soleimani được Iran xem là công thần, đồng thời là một trong những người quyền lực và bí ẩn nhất Trung Đông. Tuy nhiên, Iran tung đòn trả đũa chừng mực đã giúp ngăn một cuộc chiến tranh toàn diện. Không may thay, trong khoảng thời gian phòng ngừa Mỹ, Iran đã phóng tên lửa bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine khiến 176 người thiệt mạng.
Dù không nổ ra chiến tranh nóng, xung đột Trung Đông vẫn âm ỉ và luôn chực chờ bùng nổ với sự tham gia của các nhân tố cả trong lẫn ngoài khu vực.
Điểm sáng trong bức tranh đầy mảng tối
Trong năm 2020 đầy thách thức vừa qua, thỏa thuận hòa bình Trung Đông được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi của thế giới. Dù chưa toàn diện và không thể làm hài lòng tất cả nhưng việc Israel bình thường hóa quan hệ với một loạt quốc gia Ả Rập đã đánh dấu xu thế hòa giải đang được chú trọng tại Trung Đông sau nhiều thập niên chia rẽ và xung đột. Tuy vậy, hòa bình và ổn định ở Trung Đông còn là một bài toán rất dài lâu.
Cũng trong năm qua, hàng loạt sứ mệnh không gian đã thành công, đánh dấu bước tiến mới của con người trong hành trình thám hiểm vũ trụ. Đó là việc SpaceX hai lần phóng thành công tàu vũ trụ đưa các phi hành gia NASA lên quỹ đạo. Chuyến bay của SpaceX đã mở ra thời kỳ mới cho các hoạt động kết hợp mục đích khoa học và thương mại, do các công ty hàng không vũ trụ tư nhân thực hiện.
2020 cũng là năm Trung Quốc ghi tên vào lịch sử khi trở thành quốc gia thứ hai (sau Mỹ) cắm cờ trên mặt trăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.