Khác với những tiệm sửa xe thông thường, những “lò” độ xe thường nằm trong các con hẻm không quá đông người qua lại, chỉ có giới chuyên chơi xe độ mới biết đến. Hiện việc “lên đời” xe được ưa chuộng nhất là lên trái lớn (tức thay đổi pít tông có đường kính lớn hơn so với pít tông theo xe - PV).
Xe “cọp” được ra lò như thế nào ?
Một ngày trung tuần tháng 1.2021, trong vai “nài” xe đang cần lên đời con “chiến mã”, PV Thanh Niên đến “lò” độ xe T.H trên đường Tam Đảo (P.14, Q.10, TP.HCM). Đây là “lò” độ xe khá có tiếng trên địa bàn Q.10. Dường như thời điểm nào cũng có khách ra vào để độ chế xe máy. Tiếng pô kêu ầm ầm liên tục lúc thợ thử máy. Trong “lò” có khoảng 5 thợ máy hoạt động hết công suất. “Muốn làm máy cho bốc hơn đúng không? Một là lên trái 57, hai là lên trái 62”, thợ máy tên Đức (khoảng 30 tuổi) tư vấn. Đức giải thích, trái 57 thì đi vẫn bền y như xe zin (xe chưa thay đổi kết cấu - PV), còn trái 62 thì xe nhanh xuống máy hơn. Theo Đức, trái 57 tức là thay đổi pít tông có đường kính 5,7 cm; trái 62 tức thay pít tông có đường kính 6,2 cm.
Mỗi người đều có trường phái riêngNgày 18.1, PV Thanh Niên đến “lò” độ xe trên đường Công Chúa Ngọc Hân (P.13, Q.11) để tìm hiểu về thị trường “tân trang” xe đi “bão” đêm. Theo quan sát, “lò” này có quy mô khá lớn, nhiều “quái xế” tập trung uống cà phê bên cạnh “lò” để bàn về những chuyến “bão” đêm. Phía trong, 3 thợ máy đang làm việc hết công suất để độ xe.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, “lò” này khá nổi tiếng trên địa bàn TP.HCM. Người chuyên độ xe đi đua trong “lò” này là 2 anh em tên A.S và A.C. “Tụi tôi chỉ lên được trái 57 hay trái 62 thôi. Còn lên trái 65 hoặc lớn hơn nữa thì anh C. trực tiếp làm. Anh C. chuyên làm Exciter; anh S. thì có thế mạnh về độ xe ga… Nói chung, mỗi người đều có trường phái riêng”, một thợ máy nói về 2 sư phụ chuyên độ xe của “lò”.
|
Chúng tôi đề cập việc lên trái 65, Đức khẳng định quy trình này sẽ phức tạp hơn, và thường chỉ độ để đua với các “lò” khác. “Đảm bảo vừa vặn ga tốc độ sẽ lên nhanh chóng mặt. Lên trái lớn phải móc pô, nhưng đảm bảo móc êm ái, không ai biết mình... đi xe độ”, Đức tự tin.
Thợ độ xe này cho biết, khi lên trái lớn phải ép dên, vì tỷ số nén cao lên, nếu không ép dên máy sẽ khua. Lên trái lớn sẽ thay đổi cả pít tông, dên, bố, nồi, đầu nòng, cam, cò... “Làm ở đây có bảo hành đàng hoàng. Nếu làm trái 62 thì đặt cọc 3 triệu đồng; trái 62 mà đi đồ xịn, phụ tùng nhập từ Thái Lan hết 12 triệu đồng, đồ thường khoảng 10 triệu đồng. Lên pô xăng lửa thì chỉ độ cho dòng xe Fi (xe có phun xăng điện tử - PV). Lên trái 65 thì phải dời đường nước, độ chẻ tùm lum nên máy cũng nhanh xuống hơn. Pô thì phải móc lớn, chạy là người ta biết liền”, Đức tư vấn.
Nhưng nếu lên trái 54 cho con Wave thì Đức báo giá mềm hơn: “Lên trái 54 giá 2,8 triệu đồng. Giá này chỉ là tiền làm máy, chưa nói chi phí phát sinh (tổng khoảng từ 5 - 7 triệu đồng).
Trái 62 chạy hết ga khoảng 160 km/giờ; trái 54 thì lên được khoảng 120 km/giờ thôi”.
Trong lúc cò cưa giá cả với Đức, nhiều thợ máy khác thỉnh thoảng vặn ga ầm ầm để thử những con “chiến mã” đang được dày công đôn, độ. Tại đây, chúng tôi ghi nhận có khoảng 10 xe độ đang được trưng bày trước cửa “lò” này. Nhiều người đem xe đến độ ra vào liên tục, theo sát thợ máy mổ “chiến mã” lên đời cho mình.
PV Thanh Niên cũng đến một “lò” độ xe khác trên đường 3 Tháng 2 (Q.10). “Lò” này có diện tích khoảng 15 m2, nằm trong hẻm, thưa khách. Lúc này, 2 thợ máy đang mò mẫm, lên trái 54 cho một “chiếc mã”. Thợ máy xưng tên Khanh (khoảng 35 tuổi) cho hay “lò” này chuyên độ xe máy các loại. “Giá độ xe tất tần tật dao động từ 5 - 15 triệu đồng, tùy theo trái lớn hay nhỏ”, Khanh quảng cáo.
|
Độ xe để đi đua kiếm tiền, cướp giật ?
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, U. (43 tuổi, thợ máy chuyên độ xe ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) tiết lộ, muốn “lên đời” xe máy, đầu tiên phải biết độ, chế pít tông. Nếu muốn để dên zin, phải kiếm pít tông có đầu cao hơn bình thường từ 2 - 2,5 mm, lúc đó pít tông sẽ tém từ mặt nòng vào trông giống hình một chiếc nón. “Pít tông lồi ra, lốc máy, chảo bự thêm, cam lớn sẽ khiến độ hút xả mạnh lên, lúc này xe mới chạy nhanh khủng được”, U. nói.
U. liệt kê: “Xe bình thường, chạy kiểng có giá từ 3 - 7 triệu đồng, ở mức kha khá khoảng 10 - 15 triệu đồng. Còn để “kiếm tiền” (ý nói đua xe ăn tiền - PV) được thì ít nhất từ 20 triệu đồng trở lên”. U. cho rằng, nghề độ xe máy phải không ngừng suy nghĩ, không ngừng... sáng tạo. Sau khi xe được “lên đời” xong xuôi, các chủ xe bắt đầu tìm kiếm những vị trí lý tưởng, thường thì đoạn đường không có con lươn, vắng người và vắng cả lực lượng chức năng để thử máy, thử tốc độ của “chiến mã”.
Một thợ máy đã có hơn 30 năm trong nghề tên S. (50 tuổi, ngụ Q.5) chia sẻ việc độ xe là niềm đam mê của ông. Mò mẫm, nghiên cứu để “lên đời” tốc độ xe là niềm vui trong đời làm nghề. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, khách dùng xe do chính ông độ để đi trộm cướp. “Tôi từng dính rắc rối khi khách sử dụng xe do tôi làm máy đi cướp giật và bị lực lượng chức năng bắt giữ. Thú thật là chả ai hỏi khách “độ xe để làm gì”. Khách yêu cầu gì thì mình làm theo, chứ chẳng ai khai độ xe để làm phương tiện gây án cả!”, ông S. phân trần.
|
“Nài” sử dụng chất kích thích để tăng máu liều
Thường xuyên theo chân đoàn “bão” đêm và chứng kiến những pha đua tốc độ kinh hoàng, V. (25 tuổi, ngụ Q.11), một “nài” xe, cho hay: “Đâu phải muốn thử xe là thử liền đâu. Phải tìm nhà người quen ở đoạn đường muốn thử rồi gửi đó. Xong ngồi cà phê, canh chừng CSGT, đường sá im ắng mới cho thằng “nài” (người trực tiếp lái xe - PV) chạy cho quen xe. Coi bộ phận nào không ổn phải tìm ra để khắc phục”.
V. chia sẻ thêm: “Khi đua, không phải ngồi lên rồi rồ ga liền đâu, 2 thằng “nài” nó xoay vòng vòng, làm cho tua máy rống lên thật to, rồi nẹt pô cho tua máy căng lên. Xong 2 thằng mới cặp song song nhau mà chạy. Khi qua số, thậm chí ga vẫn không được hạ dù chỉ một tí, cứ giữ hết ga rồi nhích số, thế nên tụi nó phải nằm xuống, không là đầu xe nhấc lên trời. Việc “nài” xe sử dụng chất kích thích để tăng máu liều cũng không hiếm!”.
Những trận “so găng” với tốc độ cao nên tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Sau nhiều lần đi xem đua xe, V. từng chứng kiến cảnh tượng 2 “nài” tự quẹt vào nhau, hay thậm chí tông vào đuôi xe tải... “Việc “nài” té chết khi đua đua cũng không có gì lạ cũng không có gì lạ, mà nếu còn sống thì cũng... thân tàn ma dại thôi”, V. chép miệng.
(còn tiếp)
Bình luận (0)