7 thói quen giúp bạn nâng cao chất lượng cuộc sống

26/04/2016 07:54 GMT+7

Đôi khi, để đạt được những thành tựu to lớn, bạn cần nhận thức được tầm quan trọng của những thói quen tưởng như nhỏ nhặt.

7 thói quen được Business Insider liệt kê ra dưới đây có thể giúp bạn xây dựng lối sống thích cực, chủ động hơn, từ đó xây dựng những bước đi nhỏ để dẫn dắt đến con đường thành công.
Thức dậy đúng giờ
Nhiều người có thói quen đặt báo thức, sau đó chọn chế độ Nhắc lại (Snooze) khi chuông reo vào buổi sáng, thậm chí đến mức ngủ quên. Tuy vậy, hành động này vô tình trở thành “lời nói dối đầu ngày”, ảnh hưởng tiêu cực đến những thói quen khác của bạn.
Xét về mặt tâm lý học, tuân thủ tiếng chuông báo thức tương tự như việc cố gắng thực hiện cam kết với bản thân; do đó, thất bại cũng đồng nghĩa là bạn đã thất hứa, buông thả ngay khi ngày mới vừa bắt đầu. Như vậy, thức dậy đúng giờ giúp chúng ta rèn luyện thói quen giữ lời nói đi đôi với hành động.
Nên tập thói quen thức dậy đúng giờ - Ảnh: Shutterstock
Liệt kê 10 ý tưởng mỗi ngày
Để nảy sinh các ý tưởng hay và quan trọng nhất là khả thi thì não bộ cũng như cơ thể của bạn phải liên tục hoạt động; mức độ rèn luyện như vậy khiến cơ thể luôn được tươi mới, khỏe mạnh. Việc liệt kê các sáng kiến cũng giúp chúng ta ghi nhớ chúng tốt hơn.
Hãy tận dụng mọi thứ: sổ tay, giấy ghi chú, ứng dụng trên điện thoại thông minh... để chép lại các ý tưởng bất chợt xuất hiện trong tâm trí. Nếu bạn là người sở hữu khả năng sáng tạo, tư duy cao, nên tập phân tích, cân nhắc để từ đó chọn lọc ra 10 sáng kiến độc đáo, khả thi nhất mỗi ngày.
Ăn uống điều độ
Ăn uống thiếu điều độ sẽ làm cơ thể mất đi sự cân bằng cần thiết, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Bạn không thể sở hữu lối sống tích cực nếu thiếu đi nhân tố chính yếu nhất: sức khỏe.
Nếu cảm thấy bị hạn chế về thời gian, bạn có thể kết hợp các công việc đơn giản để tranh thủ làm vào giờ ăn như đọc sách vào bữa sáng, sắp xếp các cuộc hẹn công việc cho bữa trưa hoặc ăn tối cùng gia đình...

Kiến trúc sư ẩm thực

10 năm làm kiến trúc sư, rồi anh bỏ công việc cầm chì vẽ chuyển sang cầm chảo. Có lẽ vì thế, các món ăn do anh Michael Bảo Huỳnh nấu đều đẹp như những công trình thực sự với vật liệu là từ thịt cá rau củ bình thường.
Đọc 30 phút mỗi ngày
Nếu dành ra 30 phút mỗi ngày cho việc đọc thì trung bình cứ sau khoảng 2 tuần, bạn sẽ tiếp thu hết nội dung của một quyển sách, tức xấp xỉ 24 quyển/năm, khối lượng nội dung và tri thức vô cùng lớn.
Bạn có thể tranh thủ đọc khi di chuyển bằng phương tiện công cộng, trong khi ăn, giữa thời gian nghỉ ngơi... Chỉ 30 phút đọc mỗi ngày sẽ giúp duy trì vận động của não bộ cũng như sự luân chuyển của dòng kiến thức.
Rèn luyện sức khỏe
Luyện yoga, tập gym, boxing, chạy bộ... là những hoạt động thông dụng giúp bạn tăng cường thể chất, từ đó duy trì đầu óc tỉnh táo và tâm trí cởi mở. Bên cạnh đó, nghiên cứu của chuyên gia Tâm lý học nhận thức Lorenza Colzato đến từ trường Đại học Leiden (thành phố Leiden, tỉnh Zuid-Holland, Hà Lan) khẳng định người thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao phát triển khả năng sáng tạo tốt hơn bình thường.
Mỗi ngày, bạn chỉ cần dành ra từ 30 phút đến một giờ đồng hồ để luyện tập sức khỏe thay vì chờ đợi đến khi cơ thể hoàn toàn rệu rã, thiếu sức sống. Thói quen này đặc biệt quan trọng với những người phải làm việc liên tục trước màn hình máy vi tính.
Rèn luyện sức khỏe thường xuyên giúp nâng cao chất lượng cuộc sống - Ảnh: Shutterstock
Dành 15 phút tĩnh tâm
Tĩnh tâm là thói quen của hầu hết những người thành công nhất trên thế giới. Đây được xem như khoảng thời gian để mỗi cá nhân tương tác với suy nghĩ của chính bản thân, nhìn nhận lại những điều tạo nên cảm giác hạnh phúc hoặc phiền muộn, các vấn đề phải giải quyết để từ đó xác định rõ mục tiêu cần hoàn thiện tiếp theo.
Bạn càng kiểm soát tốt khó khăn trước khi chúng xảy ra, năng lượng, thời gian tiết kiệm được càng nhiều; hoặc bạn có thể cân nhắc chấp nhận mạo hiểm trong tương lai nếu cảm thấy tâm trí đang tràn đầy tham vọng và nhiệt huyết.
Đánh giá lại bản thân trước khi ngủ
Mỗi tối, nên dành 5 phút trước khi đi ngủ để tự đánh giá chính mình. Ghi chép lại những điều làm bạn hài lòng trong ngày, sau đó là các vấn đề cần phải được giải quyết vào hôm sau. Động tác tưởng chừng nhỏ nhặt này giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể, rõ ràng về tương lai, khuyến khích, cổ vũ bản thân, đồng thời tạo thói quen tự phê bình, rèn luyện thái độ cầu tiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.