Nghị lực phi thường của chàng họa sĩ 9X nhiễm chất độc da cam

24/04/2016 09:00 GMT+7

'Tay tôi rất yếu, có thể bị chấn thương bất cứ lúc nào. Vì thế, tôi vẽ tranh bằng miệng. Ban đầu rất khó nhưng rồi cũng thuần thục. Mọi người thấy cách vẽ của tôi đặc biệt, song nó chứa lắm ẩn họa', Châu chia sẻ.

'Tay tôi rất yếu, có thể bị chấn thương bất cứ lúc nào. Vì thế, tôi vẽ tranh bằng miệng. Ban đầu rất khó nhưng rồi cũng thuần thục. Mọi người thấy cách vẽ của tôi đặc biệt, song nó chứa lắm ẩn họa', Châu chia sẻ.

Nụ cười rạng rỡ của Minh Châu sau bao thăng trầm cuộc sống - Ảnh: chụp từ clipNụ cười rạng rỡ của Minh Châu sau bao thăng trầm cuộc sống - Ảnh: chụp từ clip

Cuộc sống không công bằng

Đó là điều Lê Minh Châu, chàng trai sinh năm 1991 tại Đồng Nai nhận ra trong suốt những năm tháng lớn lên tại làng Hòa Bình. Bị ảnh hưởng chất độc dioxin, Châu mang trong mình những dị tật. Cơ thể anh dị thường, tứ chi bị teo. Chàng trai di chuyển bằng 2 đầu gối, bàn tay không cầm nắm được vật gì quá lâu.

Châu không nhận được sự yêu thương trọn vẹn từ người thân. Vào Làng năm 6 tháng tuổi nhưng mãi đến 12 tuổi cậu mới biết mình có một gia đình ở đâu đó ngoài kia. Số lần anh về thăm bố mẹ và họ đến làng thăm anh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Song khi nói về chuyện này, Châu vẫn tin: “Tôi may mắn hơn các bạn trong làng vì vẫn còn một gia đình để trở về”.

'Tôi lấy lại niềm tin vào cuộc sống và nhận ra: chỉ có đam mê từ nghề vẽ mới khiến mình hạnh phúc và kiếm được tiền' Ảnh: NV

Năm 16 - 17 tuổi, Châu quyết định rời làng để sống tự lập. Dù ở trường anh đã được thầy cô dạy các môn văn hóa và kỹ năng sống, nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ với người khuyết tật và không một đồng dính túi như Châu lúc đó.

9X tâm sự: “Khi từ quê trở lại Sài Gòn, tôi từng làm việc ở xưởng giày dép một thời gian ngắn nhưng bị họ từ chối, nhiều áp lực cuộc sống, tôi đã xin nghỉ việc và quẩn trí tìm đến cái chết. Nhưng may sao, mẹ của một người bạn thân đã khuyên nhủ tôi rất nhiều. Sau lần ấy, tôi lấy lại niềm tin vào cuộc sống và nhận ra: chỉ có đam mê từ nghề vẽ mới khiến mình hạnh phúc và kiếm được tiền”.

Năm 2013, Châu quyết định vay tiền từ một người anh để vẽ lên tác phẩm đầu tiên. Anh bán bức tranh đó với giá 3 triệu đồng thì trả nợ hết 1,5 triệu đồng. Cái tên LMC gallery đã ra đời từ đó với những tác phẩm ít ỏi ở quận 7. Trong thời gian này, Châu còn nhận dạy vẽ cho trẻ em nước ngoài. Khoảng thời gian học tập tại Làng Hòa Bình, 9X được trang bị vốn tiếng Anh, tiếng Nhật kha khá nên việc tiếp xúc và giảng dạy học trò ngoại quốc, với anh không có gì khó khăn.

[CLIP] Minh Châu kể về những khó khăn cuộc sống đã qua - Clip YanTV

Vẽ tranh bằng miệng và nuôi ước mơ

Như tìm được ánh sáng ở cuối đường hầm, Minh Châu chuyên tâm theo đuổi đam mê hội họa. Điều đặc biệt khiến Châu được biết đến trong giới chính là kỹ thuật vẽ tranh bằng miệng.

Về điều này, 9X chia sẻ: “Tay tôi rất yếu và có thể bị chấn thương bất cứ lúc nào. Vì thế, tôi vẽ bằng miệng nhiều hơn bằng tay. Ban đầu rất khó nhưng lâu rồi cũng thành thuần thục. Mọi người thấy cách vẽ này của tôi đặc biệt, song nó cũng chứa lắm ẩn họa, ví như có lúc tôi bị rách quai hàm, uống nhầm xăng dầu, ăn phải màu… khi quá nhập tâm để vẽ, là chuyện thường”.

Hiện nay, Lê Minh Châu đã chuyển về sống ở quận 10 và mở phòng tranh tại đây. Với số tiền tích góp được qua nhiều năm, cuộc sống của anh không còn quá khó khăn như trước nhưng cũng không dư dả, chỉ đủ để anh trang trải sinh hoạt phí, mua dụng cụ vẽ và nuôi mấy con thú cưng bầu bạn cùng mình.

Sống một mình giữa thành phố nhộn nhịp, hỏi Châu có buồn không, anh đáp: “Buồn thì mình đi cà phê, xem phim, gặp gỡ bạn bè và vẽ. Với tôi, mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một cách để chia sớt những tâm sự trong lòng”.

[CLIP] Minh Châu sống lạc quan để cuộc sống mình có ý nghĩa hơn từng ngày - Clip: YanTV

Nói vậy nhưng Châu nào nỡ khiến hội họa nhuốm màu buồn bã. Hầu hết các tác phẩm của anh đều phản chiếu gam màu tươi sáng và rộn ràng, hệt như ánh mắt của anh khi nói về tương lai.

“Tôi mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang và họa sĩ. Đến nay, mọi thứ đang dần trở thành hiện thực. Cuối năm, tôi sẽ tổ chức triển lãm 30 bức tranh cùng những bộ trang phục do mình thiết kế. Tuy nhiên tôi vẫn trong giai đoạn tìm nhà tài trợ. Tháng 6 này, tôi được mời sang Mỹ để nói chuyện truyền cảm hứng cho các bạn trẻ”, giọng Châu khấp khởi.

Châu không có châm ngôn sống để nhắn gửi, với anh chỉ đơn giản là: Cuộc đời ai cũng có những khó khăn của riêng mình, đôi lúc chấp nhận và vượt qua cũng là một cách mạnh mẽ để đương đầu với số phận.

Ngày 14.1, bộ phim tài liệu Chau, beyond the Lines do nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 8 năm, tái hiện chân thực cuộc sống của Châu đã được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) đề cử top 5 phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016. 19.4 Chau, beyond the Lines  đã được công chiếu tại Việt Nam. Trước khi được đề cử Oscar 2016,Chau, beyond the Lines từng được vinh danh tại Liên hoan phim Austin 2015 và Liên hoan phim Mỹ 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.