Thế giới vượt 200 triệu ca nhiễm Covid-19

05/08/2021 06:47 GMT+7

Số liệu đầy ảm đạm được ghi nhận trong bối cảnh làn sóng dịch do biến chủng Delta nguy hiểm đang lan rộng và đe dọa nỗ lực chống dịch của hàng loạt quốc gia khắp thế giới .

Theo cập nhật mới nhất, hơn 200 triệu người trên toàn cầu đã mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong số này hơn 4,2 triệu người đã tử vong. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, kế đến là Ấn Độ. Điều đáng báo động là số ca nhiễm đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng hơn 6 tháng.

Diễn biến phức tạp, khó lường

Hôm qua, Trung Quốc ghi nhận 71 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, mức cao nhất kể từ tháng 1. Phân nửa số này ở TP.Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), nơi phát hiện ổ dịch ở sân bay từ giữa tháng 7.

Bệnh viện ở Tokyo ngấp nghé ngưỡng quá tải vì Covid-19

Từ đó đến nay, dịch bệnh đã lan rộng với gần 500 ca Covid-19 ở 25 thành phố, bao gồm thủ đô Bắc Kinh. TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) - ổ dịch đầu tiên của thế giới - cũng tái bùng phát Covid-19 sau hơn một năm, buộc chính quyền phải xét nghiệm nhanh toàn bộ 11 triệu dân.
Nhằm tránh nguy cơ lây lan biến thể Delta, chính quyền toàn bộ 31 tỉnh, khu tự trị và 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc yêu cầu người dân không rời nhà khi không cần thiết. Bắc Kinh hiện đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt, chặn các ngả đường với mục tiêu bảo vệ thủ đô bằng mọi giá. Trong khi đó, nhiều thành phố ở tỉnh Giang Tô phải phong tỏa và hủy chuyến bay nội địa. TP.Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) yêu cầu người dân trình giấy xét nghiệm âm tính nếu muốn rời thành phố.
Tại Đông Nam Á, hôm qua Thái Lan ghi nhận hơn 20.000 ca mắc Covid-19 mới và 188 trường hợp tử vong, mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện gần 5.000 bệnh nhân mắc bệnh nặng, theo Reuters. Malaysia cùng ngày cũng ghi nhận số liệu cao kỷ lục, với 19.819 ca mắc mới trong vòng 24 giờ. Trong khi đó, chính phủ Campuchia cảnh báo làn sóng biến chủng Delta đang lây lan trong cộng đồng, với 36 trường hợp được phát hiện trong vòng 24 giờ, bao gồm một số ca ở chợ Phnom Penh. Hôm qua, số ca tử vong vì Covid-19 ở Indonesia đã vượt ngưỡng 100.000.

WHO kêu gọi ngừng tiêm liều 3 vắc xin Covid-19, Mỹ phản bác

Vùng dịch lớn nhất thế giới là Mỹ cũng đang chứng kiến đà tăng các ca nhiễm và tử vong trong những ngày qua, phần lớn do biến chủng Delta. Hôm 3.8, hơn 50.000 giường bệnh trên toàn nước Mỹ đang điều trị bệnh nhân Covid-19, lần đầu tiên kể từ tháng 2 Mỹ quay lại tình trạng này.

Siết chìa khóa vắc xin

New York là thành phố đầu tiên của Mỹ yêu cầu giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin nếu muốn đến các địa điểm trong nhà, như nhà hàng, phòng gym, nhà hát, theo chính sách có tên “Chìa khóa đến New York”. “Nếu tiêm phòng, bạn nắm trong tay chìa khóa và có thể mở cửa. Nếu không, bạn sẽ không thể tham gia nhiều hoạt động”, AFP dẫn lời Thị trưởng Bill de Blasio tại cuộc họp báo rạng sáng qua (giờ VN). Bang New York quy định mọi nhân viên y tế phải tiêm vắc xin, đồng thời hàng chục ngàn viên chức, nhân viên làm việc cho các cơ quan thuộc chính quyền tiểu bang phải cung cấp giấy tiêm vắc xin hoặc đối mặt với việc xét nghiệm hằng tuần.
Ở Israel, Thủ tướng Naftali Bennett hôm qua cũng thông báo áp dụng các biện pháp giới hạn mới. Theo đó, người dân phải xuất trình giấy xác nhận tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính để vào cửa các địa điểm dưới 100 người, bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi hơn 100 người. Bên cạnh đó, Ủy ban Ứng phó Covid-19 thuộc nội các Israel cảnh báo biến chủng Delta đang lan nhanh chóng, và kêu gọi người dân “ngừng thói quen bắt tay, ôm hôn”. Bộ Y tế cũng mở rộng danh sách các nước cần phải cách ly vào thời điểm nhập cảnh, bất chấp đã tiêm vắc xin hoặc kết quả xét nghiệm (trong đó có Pháp, Ý, Mỹ).

Lo lắng trước ca nhiễm biến chủng Delta, Trung Quốc mở rộng tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh

Giới chức y tế Pháp vừa kích hoạt kế hoạch khẩn cấp đối với đảo Corsica và làn sóng thứ tư đang lan rộng ở nước này. Và Guadalupe trở thành lãnh thổ hải ngoại thứ ba của Pháp quay lại tình trạng bán phong tỏa, cấm ra ngoài ban đêm và hạn chế vào ban ngày vì số ca Covid-19 tăng mạnh.
Biến chủng Delta thay đổi ngưỡng miễn dịch cộng đồng
Báo cáo của Tổ chức Bệnh truyền nhiễm Mỹ ước tính nước này cần tiêm vắc xin Covid-19 cho gần 90% dân số nếu muốn đạt miễn dịch cộng đồng do biến chủng Delta, Bloomberg đưa tin. Thời gian trước đó, giới chức y tế tính toán chỉ cần tiêm từ 60 - 70% dân số là đạt được ngưỡng này. Hiện Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang đẩy nhanh việc cấp phép hoàn toàn cho vắc xin Pfizer/BioNTech sử dụng cho các trường hợp ngừa bệnh Covid-19. Hiện vắc xin này chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như các vắc xin còn lại đang được Mỹ sử dụng. TP.San Francisco (bang California) cũng thông báo cho phép người tiêm vắc xin Johnson & Johnson được tiêm tăng cường vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna. Bên cạnh đó, nghiên cứu mới của Anh cho thấy người được tiêm đủ liều vắc xin sẽ giảm đến 60% nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.