Ấn Độ phản đối khu trục hạm Mỹ di chuyển qua Vùng đặc quyền kinh tế

10/04/2021 23:18 GMT+7

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 10.4 phản đối việc tàu khu trục USS John Paul Jones của hải quân Mỹ quá cảnh qua Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này mà không được sự đồng ý từ Ấn Độ.

Một người phát ngôn không nêu tên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết các quy tắc của Liên Hiệp Quốc (LHQ) không cho phép việc quá cảnh mà không có sự đồng ý của Ấn Độ, theo Reuters.
"Quan điểm của Chính phủ Ấn Độ đối với Công ước LHQ về Luật Biển là: Công ước không cho phép các quốc gia khác tập trận, diễn tập quân sự hoặc những hoạt động liên quan đến sử dụng vũ khí hoặc chất nổ trong EEZ và thềm lục địa mà không có sự đồng ý của quốc gia ven biển”, người phát ngôn nói trong một tuyên bố ngày 10.4.
Người phát ngôn cho biết thêm quân đội Ấn Độ đã theo dõi hoạt động của khu trục hạm USS John Paul Jones khi tàu này di chuyển từ Vịnh Ba Tư đến eo biển Malacca.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Hạm đội 7 của Mỹ ngày 7.4 thông báo tàu khu trục USS John Paul Jones đã "khẳng định các quyền và tự do hàng hải" bên trong EEZ của Ấn Độ là phù hợp với luật pháp quốc tế khi di chuyển cách đảo Lakshadweep (Ấn Độ) khoảng 130 hải lý (241 km) về phía tây.
Hải quân Mỹ trước đây cũng từng tiến hành cái gọi là hoạt động đảm bảo tự do hàng hải, điều tàu chiến di chuyển qua vùng biển Ấn Độ mà không xin phép New Delhi, lần cuối cùng là trong năm tài chính 2019, theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, ông Arun Prakash đã đặt nghi vấn vì sao Mỹ lại tiến hành hoạt động này trong vùng biển của một đối tác chiến lược.
"Hạm đội 7 thực hiện các nhiệm vụ như thế này trong EEZ của Ấn Độ là vi phạm luật của chúng tôi. Và hải quân Mỹ công khai chuyện đó?", ông Prakash bình luận trên Twitter.
Trong khi đó, hằng năm Hải quân Ấn Độ và Mỹ thực hiện các cuộc tập trận chung quy mô lớn và nay có thêm sự tham gia của Nhật Bản và Úc.
Bốn quốc gia này hình thành lập một nhóm an ninh phi chính thức được gọi là “Bộ tứ kim cương” (Quad) nhằm đầy lùi sự hiện diện quân sự và sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.