Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan là người đầu tiên tuyên bố trên mạng xã hội về việc ký kết thỏa thuận đình chiến vào rạng sáng 10.11, và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cùng Điện Kremlin sau đó lần lượt xác nhận thông tin trên.
“Tuyên bố ba bên được ký kết sẽ đóng vai trò then chốt trong nỗ lực dàn xếp xung đột”, ông Aliyev phát biểu trên cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, được truyền hình trực tiếp.
Tổng thống Putin cho hay lực lượng hòa bình Nga nhanh chóng được triển khai dọc theo tiền tuyến ở Nagorno-Karabakh.
Sputnik News dẫn lời Tổng thống Aliyev cho biết lực lượng Nga sẽ đóng tại khu vực trong vòng 5 năm, và sẽ tiếp tục tự động gia hạn thêm 5 năm nữa nếu cả Baku và Yerevan đều nhất trí.
Trên Facebook, ông Arayik Harutyunyan, người đứng đầu khu vực Nagorno-Karabakh, hy vọng thỏa thuận trên “sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt”.
Tuyên bố trên đã được đưa ra theo sau 6 tuần giao tranh dữ dội tại Nagorno-Karabakh. Ông Baku hôm 9.11 cho biết đã kiểm soát thêm hàng chục khu dân cư ở Nagorno-Karabakh, một ngày sau khi tuyên bố giành chiến thắng tại khu vực.
Cuộc chiến giữa Armenia – Azerbaijan làm dấy lên quan ngại về nguy cơ chiến tranh lan rộng, với Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đồng minh Azerbaijan, còn Nga đã ký kết thỏa ước quân sự với Armenia và có căn cứ quân sự tại nước này.
Azerbaijan cho hay kể từ ngày 27.9, thời điểm bùng nổ chiến sự, nước này đã giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng đất ở Nagorno-Karabakh và xung quanh khu vực này. Armenia bác bỏ thông tin trên.
Theo Đài Al Jazeera, tâm điểm của mâu thuẫn là Nagorno - Karabakh, vùng đất rộng khoảng 4.400 km2 với phần lớn người Armenia thiểu số, do chính quyền Xô viết sáp nhập thành vùng tự trị thuộc Azerbaijan vào năm 1921. Dần dần, vùng này có xu hướng đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền Azerbaijan, điều mà người thiểu số Armenia tại đây không chấp nhận.
Vào năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno - Karabakh bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Armenia, khiến chính quyền Azerbaijan và Moscow cực lực phản đối. Từ đó, phong trào ly khai tại Nagorno - Karabakh ngày càng lớn dần.
Azerbaijan và Armenia lâm vào cuộc xung đột vũ trang tại Nagorno-Karabakh sau khi phe ly khai người Armenia nhận được sự hỗ trợ chính quyền Yerevan đã kiểm soát tỉnh miền núi từ thập niên 1990.
Ít nhất 30.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1992-1994 giữa hai nước sau khi Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào năm 1991.
Bình luận (0)