Bắc Kinh trong tham vọng bá chủ quân sự

21/03/2020 06:55 GMT+7

Những báo cáo, phân tích của giới chuyên gia, nghiên cứu quốc tế vừa công bố cho thấy Trung Quốc đang ra sức hiện đại hóa quân sự để tìm kiếm ngôi vị số 1 thế giới.

Tham vọng số 1 vào năm 2049

Ngày 20.3, chuyên san The National Interest đăng bài bình luận của chuyên gia David Axe về việc Trung Quốc đang tham vọng đến năm 2049 sẽ trở thành cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Bài bình luận dựa trên một báo cáo, được thực hiện bởi cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert O.Work và nhà nghiên cứu Greg Grant - do Trung tâm an ninh nước Mỹ mới công bố cách đây chưa lâu.
Theo đó, Trung Quốc đang nuôi tham vọng trên nhằm đánh dấu cột mốc 100 năm ra đời nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949 - 2049). Và để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung Quốc phải có sức mạnh quân sự vượt Mỹ. Quá trình đó được đặt ra từ thập niên 1990 và hướng đến mục tiêu thông qua ba giai đoạn như sau.
Giai đoạn 1 là bối cảnh Bắc Kinh chấp nhận vị thế thấp hơn về công nghệ. Từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phát triển các phương án để nếu xảy ra xung đột thì vẫn có thể đánh thắng Mỹ dù thua kém về công nghệ. Đây tạm xem là giai đoạn chịu lép vế để chờ thời cơ phát triển nhanh.
Giai đoạn 2 bắt đầu khi Trung Quốc đạt được vị trí ngang bằng với Mỹ về công nghệ quốc phòng như phát triển các loại tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao, thông minh, đồng thời nâng tầm tổ chức mạng lưới tác chiến. Đây là giai đoạn mà Trung Quốc sẵn sàng cho khả năng ngăn chặn sự can thiệp của quân đội Mỹ vào khu vực ven biển Đông Á.
Giai đoạn thứ ba là lúc Bắc Kinh đặt ra mục tiêu vượt qua Washington về công nghệ để đạt được vị thế quân sự vượt trội, tiến qua khu vực chuỗi đảo thứ nhất đồng thời đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ hai. Chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai là các khái niệm nằm trong Chiến lược chuỗi đảo mà Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô cũ. Theo đó, chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim và kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines. Chuỗi đảo thứ hai thường được tính là từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines.

“Tiến bộ” bằng sao chép và phá hoại

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì cho đến năm 2019, Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn thứ nhất của quá trình trên, và đang dần chuyển qua giai đoạn hai nhờ những tăng trưởng về kinh tế cũng như các bước tiến công nghệ. Kèm theo đó, sự tiến bộ còn dựa trên các hoạt động gián điệp.
Bắc Kinh trong tham vọng bá chủ quân sự
Cụ thể hơn là Bắc Kinh đã tăng cường đánh cắp bí mật công nghệ, quân sự và hoạt động này gần như đóng vai trò “xương sống” trong các kế hoạch mà quân đội Trung Quốc đặt ra. Quá trình đánh cắp bí mật công nghệ sẽ giúp Bắc Kinh nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với Washington.
Song hành theo đó, Trung Quốc cũng nghiên cứu các chiến lược phá hoại hệ thống nhằm giảm thiểu sức mạnh tác chiến của quân đội Mỹ, bởi ưu thế quân sự của Mỹ hiện nay dựa rất nhiều vào kho tên lửa chính xác tầm xa, vũ khí thông minh, hệ thống điện tử tối tân. Vì thế, bằng cách phá hoại hệ thống điện tử, Bắc Kinh muốn dễ dàng hơn trong việc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Washington, cũng như làm giảm hiệu quả hệ thống vũ khí đối phương.
Tất nhiên, tham vọng trên của Trung Quốc không phải muốn là đạt được, vì theo các phân tích thì quân đội Mỹ cũng đang xây dựng nhiều chương trình cải tiến và thích ứng, trong cuộc cạnh tranh toàn diện mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Tham vọng hạm đội tấn công hùng hậu

Đó là về tổng thể chiến lược, còn về hải quân thì Bắc Kinh cũng đang không ngừng theo đuổi các chương trình tàu chiến.
Liên quan nội dung này, Cơ quan Khảo cứu thuộc quốc hội Mỹ ngày 18.3 đã công bố bản cập nhật báo cáo về quá trình Trung Quốc hiện đại hóa hải quân, qua đó đánh giá tác động đối với thực lực - bối cảnh hải quân Mỹ. Báo cáo cung cấp nhiều thông tin liên quan quá trình Bắc Kinh chạy đua phát triển hải quân.
Cụ thể, chiến lược phát triển hải quân của Trung Quốc đang hướng đến sở hữu gần 300 tàu chiến có khả năng tác chiến mạnh bao gồm các loại tàu ngầm tấn công (như mang tên lửa đạn đạo hạt nhân, tàu tấn công chạy bằng hạt nhân và tàu chạy bằng diesel), tàu sân bay, tàu khu trục...
Trong đó, tàu sân bay là một mũi nhọn quan trọng để Bắc Kinh sở hữu khả năng tác chiến viễn chinh toàn diện. Sau khi sở hữu tàu Liêu Ninh - vốn được mua lại từ Ukraine, Bắc Kinh đang theo đuổi phát triển thêm đến 3 lớp tàu sân bay gồm Type-001A, Type-002 và Type-003. Đến nay, tàu sân bay Type-001A đã được đưa vào biên chế từ tháng 12.2019. Tuy nhiên, đây chỉ là phiên bản do Trung Quốc tự đóng dựa trên thiết kế của tàu Liêu Ninh, nên có độ choán nước cũng chỉ chưa đến 70.000 tấn. Bước tiến mà Bắc Kinh đang kỳ vọng là tàu sân bay Type-002 có độ choán nước vượt mức 70.000 tấn, thậm chí có thể đạt 80.000 - 85.000 tấn. Nổi bật hơn cả là tàu này có thiết kế bộ phóng máy bay tương tự tàu sân bay Mỹ, chứ không còn dựa vào thiết kế mũi hếch lên để máy bay cất cánh như Type-001A hay tàu Liêu Ninh. Và đỉnh cao mà Trung Quốc mong muốn là Type-003 không chỉ tích hợp bộ phóng máy bay, mà còn chạy bằng năng lượng hạt nhân để có thể sánh kịp các tàu sân bay Mỹ.
Kèm theo việc phát triển tàu sân bay, Trung Quốc tất nhiên cũng đẩy mạnh quá trình phát triển máy bay chiến đấu để sử dụng kèm theo tàu sân bay. Hiện nay, nước này đang tập trung hoàn thiện quá trình triển khai tác chiến máy bay tiêm kích J-15 cho tàu sân bay. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tốc độ hoàn thiện các loại chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình là J-20 và J-31. Tất nhiên, Bắc Kinh tham vọng sớm sở hữu tiêm kích thế hệ 5 phiên bản dành cho tàu sân bay.
Không chỉ tăng cường lực lượng tàu chiến, Trung Quốc cũng đang theo đuổi kế hoạch nâng cấp và củng cố kho tên lửa chống tàu chiến, tên lửa tầm xa dựa trên chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận nhằm vào hải quân Mỹ. Và theo nhận định của giới chuyên gia quân sự Mỹ thì Bắc Kinh đang tăng cường quân sự song hành đẩy mạnh hiện diện quân sự ở các khu vực lân cận, trong đó có Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.