Điều gây bất ngờ trong việc tái đắc cử của ông Hassan Rouhani tại cuộc bầu cử tổng thống ở Iran không phải ở chính nó mà ở mức độ thắng cử vang dội và thuyết phục của ông, với 22,8 triệu phiếu so với 15,5 triệu phiếu thuộc về ứng cử viên xếp gần nhất trong tổng số 40 triệu phiếu bầu.
Kết quả này cho thấy đa số cử tri ở Iran mong muốn những quan điểm chính sách mà ông Rouhani thực thi trong 4 năm qua sẽ được tiếp tục trong 4 năm tới.
Như thế đồng nghĩa với việc họ mong mỏi đất nước tiếp bước về phía trước chứ không quay lại quá khứ, cải cách chứ không bảo thủ, hòa nhập vào thế giới hiện đại chứ không khép kín và biệt lập, ôn hòa chứ không thái quá. Cuộc bầu cử tổng thống này vì thế chẳng khác gì cuộc trưng cầu dân ý chọn lựa giữa đường lối cải cách và hiện đại hóa đất nước của ông Rouhani hay là bảo thủ và cực đoan về tôn giáo. Kết quả như thế giúp ông Rouhani có được sự hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ cần thiết cho cuộc giằng co quyền lực với những thế lực tôn giáo bảo thủ và cực đoan nhưng đầy quyền uy ở trong nước và vị thế quyền lực hợp pháp cần thiết để xử lý những thách thức đối ngoại và chính trị an ninh mà Iran đang phải đối mặt.
Tái đắc cử với kết quả bầu cử như thế, ông Rouhani không có lý do gì để không tiếp tục những gì đã tiến hành trong nhiệm kỳ trước. Những thách thức đối ngoại và chính trị an ninh lớn nhất đối với ông vẫn là quan hệ với Mỹ và EU, với Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út cùng các đồng minh của họ ở khu vực. Iran càng ổn định về chính trị và càng đồng thuận nội bộ thì càng có thêm thế và lực để đối phó với những thách thức ấy.
Bình luận (0)