Biển Azov trở thành tâm điểm căng thẳng mới giữa Nga - Ukraine

30/11/2018 07:50 GMT+7

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang xoay quanh biển Azov với nhiều cáo buộc lẫn nhau kể từ vụ đụng độ tàu hải quân hai bên ở eo biển Kerch.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Volodymyr Omelyan hôm qua cáo buộc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine bên bờ biển Azov, cụ thể là ngăn cản nhiều tàu di chuyển qua eo biển Kerch. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó bác bỏ cáo buộc và khẳng định tàu thuyền vẫn di chuyển bình thường qua eo biển Kerch thuộc Crimea, nối liền biển Azov với biển Đen. Theo ông Peskov, việc tàu thuyền trì hoãn khi qua eo biển này chỉ là do thời tiết xấu.
Tranh cãi trên tiếp tục đẩy căng thẳng giữa Nga và Ukraine nóng thêm, sau vụ đụng độ có sử dụng vũ lực giữa lực lượng hai bên hôm 25.11. Cảnh sát biển Nga đã nổ súng, bắt giữ 2 pháo hạm nhỏ và 1 tàu lai dắt cùng 24 lính hải quân Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải trong lúc 3 tàu này di chuyển qua eo biển Kerch.
[VIDEO] Nga nói lệnh thiết quân luật của Ukraine gây căng thẳng trong khu vực
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua khẳng định Moscow có quyền hợp pháp để bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine xâm phạm lãnh hải, bất chấp lời cảnh báo của tàu tuần tra Nga. Ông chủ Điện Kremlin đồng thời cáo buộc vụ đụng độ là “hành động gây hấn” do chính quyền Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko dàn dựng. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố không loại trừ khả năng phương Tây biết rõ từ trước và tham gia vào kế hoạch khiêu khích của Ukraine ở eo biển Kerch.
Trong khi đó, Tổng thống Poroshenko ngày 29.11 đề nghị các nước thành viên NATO, trong đó có Đức, gửi tàu hải quân đến biển Azov để hỗ trợ nước này. “Chúng tôi không thể chấp nhận chính sách hung hăng của Nga. Đầu tiên là Crimea, sau đó miền đông Ukraine và bây giờ, ông ấy muốn biển Azov”, ông Poroshenko nói với tờ Bild (Đức).
[VIDEO] Xem cảnh truy đuổi, đâm va nguy hiểm giữa tàu hải quân Nga và Ukraine
Phản ứng trước lời kêu gọi trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ đưa vấn đề biển Azov ra khi gặp Tổng thống Putin tại Hội nghị G20 diễn ra ở Argentina từ ngày 30.11 - 1.12. Dù vậy, bà Merkel nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu phía Ukraine phải thận trọng bởi vì chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và không có giải pháp quân sự cho những vụ tranh chấp như thế này”. Liên minh Châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung lên án Nga và yêu cầu trả tự do cho 3 tàu cùng 24 quân nhân Ukraine. Các quân nhân Ukraine đã hầu tòa tại TP.Simferopol ở bán đảo Crimea. Họ sẽ bị tạm giam trong vòng 2 tháng trước khi đem ra xét xử.
Reuters dẫn lời các nguồn tin ngoại giao tiết lộ một số lãnh đạo EU kêu gọi tăng cường trừng phạt Nga, nhưng do nội bộ liên minh còn chia rẽ nên trước mắt sẽ không có hành động gì cụ thể. Về phía Mỹ, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình căng thẳng Nga - Ukraine. Trước đó, ông Trump cân nhắc hủy cuộc gặp với ông Putin tại Hội nghị G20. Tuy nhiên, Điện Kremlin hôm qua cho biết Washington đã xác nhận cuộc gặp sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch và không cần trung gian bên ngoài giải quyết vấn đề căng thẳng với Ukraine.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.