Brazil sẽ sản xuất vắc xin Covid-19 của Nga

Khánh An
Khánh An
13/08/2020 11:54 GMT+7

Brazil dự kiến sẽ sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V của Nga vào năm 2021.

Hãng Reuters ngày 13.8 đưa tin Viện Công nghệ Parana (Tecpar) tại Brazil dự kiến sẽ sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 của Nga vào năm 2021, sau khi bang Parana ký bản ghi nhớ với Moscow.
Nga ca ngợi Sputnik V là vắc xin ngừa Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới, nhưng nhiều chuyên gia trên thế giới lo ngại về độ an toàn khi đưa sản phẩm này ra thị trường, trong bối cảnh nhiều hãng dược vẫn đang tiến hành thử nghiệm quy mô lớn các loại vắc xin ngừa Covid-19.
Bên cạnh kế hoạch sản xuất, Tecpar cho hay viện có thể sẽ nhập khẩu vắc xin của Nga nếu cơ quan chức năng Brazil cho phép.
Tecpar đã ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, với mục tiêu “tổ chức sản xuất vắc xin Sputnik V và phân phối ở Brazil cùng các quốc gia Mỹ La tin khác”.
Ông Jorge Callado, giám đốc Tecpar, cho hay họ vẫn đang chờ phía Nga gửi kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2, và hiểu rõ rằng vắc xin vẫn đang thử nghiệm giai đoạn 3. Bên cạnh đó, ông hy vọng bang Parana sẽ có thể tham gia thử nghiệm giai đoạn 3.

Tổng thống Duterte tin tưởng, sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19 Sputnik V của Nga

Trong khi đó, Brazil ghi nhận 3.164.785 ca mắc Covid-19, với 104.201 ca tử vong và 2.506.228 ca hồi phục. Nước này hiện xếp thứ 2 trên thế giới về số ca mắc Covid-19 sau Mỹ.
Liên quan vắc xin Nga, Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Eldelstein cho hay nước này sẽ xem xét và đàm phán mua nếu nhận thấy rằng đó là “một sản phẩm nghiêm túc”.Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Israel ghi nhận 88.151 ca mắc Covid-19, với 639 ca tử vong và 62.109 ca hồi phục.
Trong diễn biến liên quan, Reuters ngày 13.8 dẫn thông tin từ chính quyền thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) cho hay mẫu cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil có xét nghiệm dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19.
Cơ quan chức năng Thâm Quyến lập tức truy vết và xét nghiệm những người có thể đã tiếp xúc với sản phẩm, và chưa có ca dương tính nào. Trước đó, Trung Quốc nói có virus Corona trong tôm nhập khẩu từ Ecuador.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.