Để kịp thời đến được Mỹ trước thời điểm đêm 13.3 (giờ địa phương) khi nước này tạm ngưng toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ châu Âu (trừ Anh), nhiều người đã phải chọn lựa việc thuê chuyên cơ vì không thể mua kịp vé máy bay.
Những chuyến bay thương mại còn chỗ trống thì phần lớn thuộc hạng vé giá “trên trời”. Như tờ The Guardian dẫn lời một hành khách cho hay ông được báo giá lên đến 20.000 USD (gần 500 triệu đồng) để bay từ Pháp về Mỹ. Trong bối cảnh như thế, thuê chuyên cơ trở thành lựa chọn của nhiều người, giữa lúc ngành hàng không thương mại lại đang bị thất thu nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tăng trưởng đột biến
Thực tế, không phải đến khi Mỹ công bố lệnh tạm thời “đóng cửa” hàng không với châu Âu (trừ Anh), mà thị trường thuê chuyên cơ đã tăng trưởng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ. Bloomberg dẫn lời ông Adam Twidell, Tổng giám đốc Công ty PrivateFly chuyên cho thuê máy bay riêng, tiết lộ thị trường này tăng trưởng mạnh, dù ông không công bố mức tăng trưởng cụ thể. Theo đó, nhiều nhóm khách cao cấp đi du lịch hay các nhóm chuyên gia, chuyên viên cũng đã chọn chuyên cơ để di chuyển trong mùa dịch. Ví dụ như PrivateFly vừa qua phục vụ cho một gia đình bay từ Hồng Kông đến Bali (Indonesia), hay phục vụ đoàn khách 50 người của một doanh nghiệp Mỹ bay từ Tokyo (Nhật) về Los Angeles (bang California, Mỹ)…
|
Còn đại diện của Công ty JetSet Group, chuyên cho thuê máy bay riêng và có trụ sở tại New York (Mỹ), tiết lộ trung bình mỗi tháng công ty này phục vụ khoảng 150 chuyến thuê bay chuyên cơ, và trong những tuần của tháng 2 thì số lượng đặt chuyến tăng đến 25%.
Giá cả phải chăng ?
Phân tích sâu hơn, giới chuyên gia cho rằng việc thuê chuyên cơ không hề quá đắt, nhất là đối với những hành khách thường xuyên di chuyển với vé máy bay hạng nhất.
Cụ thể, vé máy bay hạng nhất khứ hồi New York (Mỹ) - London (Anh) vào khoảng 10.000 USD (gần 250 triệu đồng), còn thuê nguyên chiếc máy bay Gulfstream IV với 12 chỗ ngồi đầy đủ tiện nghi cũng chỉ khoảng 140.000 USD cho chuyến bay khứ hồi cùng quãng đường trên. Như thế, với 12 người thì chỉ tốn thêm tổng cộng khoảng 20.000 USD, nhưng đổi lại có thể hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người - vốn mang nhiều rủi ro lan truyền bệnh dịch.
Ngoài ra, chuyên cơ cũng có nhiều loại với nhiều mức độ cao cấp khác nhau nên có nhiều lựa chọn cho khách hàng. Điển hình như phân khúc chuyên cơ hạng nhẹ từ 6 - 8 người bay tầm ngắn thì mức thuê chỉ vào khoảng 5.000 USD/giờ. Đây là mức giá không hề quá đắt đối với những hành khách hay đi lại với vé máy bay hạng thương gia, chứ chưa nói đến hạng nhất.
Thêm vào đó, đại diện các công ty chuyên cho thuê máy bay cho rằng trong mùa dịch bệnh, các du khách hạng sang cũng hạn chế chi tiêu vào các dịch vụ ở những nơi đông người, nên họ có thể dùng khoản tiền đó để “nâng cấp” từ việc mua vé máy bay hạng nhất sang thuê chuyên cơ để có chuyến du lịch an toàn hơn.
Tuy nhiên, chính vì nhu cầu tăng trưởng nóng nên kéo theo giá thuê chuyên cơ cũng tăng lên gần đây. Bởi ngoài lý do nhu cầu tăng cao thì các nhà cung cấp dịch vụ phải tốn thêm chi phí khử trùng máy bay, cùng các khoản chi “bồi dưỡng” cho phi hành đoàn di chuyển đến những nơi có nguy cơ cao như Trung Quốc, bởi mỗi chuyến đi về có thể phải cách ly đến 14 ngày. Mặc dù vậy, các công ty cung cấp chuyên cơ vẫn cho rằng khách hàng cao cấp sẽ vẫn tiếp tục chi tiền để đi chuyên cơ trong mùa dịch.
Việt Nam trở thành điểm đỗ chuyên cơ
Theo Bloomberg, do nhiều doanh nhân vẫn phải đến Trung Quốc để công tác nên số lượng hợp đồng thuê chuyên cơ từ nhiều nước, nhất là Mỹ và châu Âu, đến Trung Quốc đại lục vẫn có nhiều. Và với những chuyến bay như thế, sau khi đưa khách đến Trung Quốc đại lục, đơn vị cho thuê máy bay thường di chuyển máy bay qua Việt Nam để đỗ trong lúc chờ đón khách bay về lại từ Trung Quốc. Việc đỗ tại Việt Nam giúp hạn chế nhiều rủi ro cho phi hành đoàn và tiết giảm chi phí đáng kể.
|
Bình luận (0)