Căng thẳng thương mại Ấn - Trung

02/07/2020 07:00 GMT+7

Cuộc khủng hoảng biên giới tranh chấp Trung Quốc - Ấn Độ dẫn đến căng thẳng trong thương mại song phương và các lĩnh vực khác.

Công ty vận chuyển DHL (trụ sở ở Đức) ngày 1.7 tuyên bố tạm ngừng dịch vụ chuyển hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Ấn Độ bởi căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh đã chuyển từ tranh chấp biên giới sang thương mại.
Chính phủ Ấn Độ vừa ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc bao gồm TikTok, WeChat và Weibo, theo AFP. Bên cạnh đó, New Delhi đang xem xét áp đặt các biện pháp hạn chế, mức thuế cao hơn đối với doanh nghiệp và hàng hóa Trung Quốc giữa lúc làn sóng đòi tẩy chay hàng Trung Quốc leo thang sau vụ đụng độ chết người ở biên giới tranh chấp gần đây, theo chuyên san Nikkei Asian Review.

Trả đũa thương mại

Cụ thể, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ tuyên bố 59 ứng dụng Trung Quốc bị cấm kể từ ngày 29.6 vì “dính líu những hoạt động gây phương hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đe dọa an ninh trật tự công cộng”.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 30.6 cho biết Bắc Kinh “cực kỳ quan ngại” trước lệnh cấm 59 ứng dụng và tiếp tục theo dõi tình hình. Ông Triệu khẳng định Bắc Kinh luôn yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế và luật pháp khi hoạt động ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ông Triệu nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Trung - Ấn là đôi bên cùng có lợi và làm tổn hại điều này không phải là lợi ích của Ấn Độ. Sau đó, hàng loạt trang tin và website của đài truyền hình Ấn Độ đã bị chặn ở Trung Quốc, theo tờ Hindustan Times.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ bắt đầu thảo luận về việc áp mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, như máy điều hòa, phụ tùng ô tô và đồ nội thất. Căng thẳng Ấn -Trung ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, bao gồm sản phẩm của các công ty Mỹ Apple, Cisco và Dell, vì các cảng Ấn Độ hồi tuần rồi bắt đầu giữ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để tăng cường kiểm tra, kéo dài thời gian thông quan, theo Reuters.

Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc

New Delhi có động thái kể trên sau vụ đụng độ ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng ngày 15.6. Nhiều người dân Ấn Độ bày tỏ bức xúc trước vụ việc này, lan truyền lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc trên mạng xã hội và tham gia một số cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.
Theo Nikkei Asian Review, chính phủ Ấn Độ cũng đang cân nhắc ban hành chỉ thị cấm sử dụng thiết bị viễn thông của Tập đoàn Huawei cùng những nhà cung cấp khác từ Trung Quốc. Các công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ đã được khuyến cáo không sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE để nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng di động 4G hoặc phát triển 5G. Cùng lúc, các quan chức Ấn Độ đề xuất chính sách tăng cường sản xuất ít nhất 370 sản phẩm ngay ở trong nước, bao gồm hóa chất và thép, để hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mới đây, truyền thông Ấn Độ đưa tin chính quyền bang Maharashtra tạm ngừng thực hiện một thỏa thuận với Hãng Great Wall Motor (Trung Quốc). Theo thỏa thuận, Great Wall Motor được cấp phép sử dụng nhà máy sản xuất ô tô bị bỏ hoang và trước đây là của Hãng General Motors (Mỹ). Ngoài ra, chính quyền bang Maharashtra dự định đóng băng tất cả hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến xe buýt điện và sản xuất máy móc.
Tuy nhiên, ngăn chặn đầu tư từ Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ấn Độ vốn đang trước bờ vực khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong năm 2020 xuống mức -4,5% và điều này thể hiện sự sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào cuối thập niên 1970. Cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ bày tỏ lo ngại trước những biện pháp đáp trả quá mức đối với các công ty Trung Quốc.
Hiện Ấn Độ có thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 50 tỉ USD (hơn 1,1 triệu tỉ đồng). Bên cạnh đó, Trung Quốc xuất khoảng 3.000 loại sản phẩm cho Ấn Độ. Nhiều lĩnh vực sản xuất ở Ấn Độ không thể hoạt động nếu thiếu nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, theo AFP. “Tẩy chay hàng hóa là không khả thi vì Ấn Độ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ cũng nên cố gắng tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hàng Trung Quốc”, Chủ tịch Liên đoàn Các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ Sharad Kumar Saraf nói với Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.