Cặp 'sát thủ diệt hạm' của Mỹ thách thức Trung Quốc trên Biển Đông

04/04/2020 07:00 GMT+7

Tên lửa tấn công hải quân loại mới kết hợp cùng máy bay trực thăng không người lái được xem là một cặp đôi “sát thủ” trên biển mà Mỹ đang triển khai ở Biển Đông giữa bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái gây căng thẳng.

Cuối tháng 3, trang thông tin thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hình ảnh trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout cùng tàu chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (thuộc lớp Independence) hoạt động trên Biển Đông.

Bước tiến mới của chiến hạm cận bờ

Trả lời Thanh Niên ngày 3.4, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho biết ban đầu, tàu chiến cận bờ được Mỹ phát triển để thực thi các nhiệm vụ như chống cướp biển, chống khủng bố… hay ứng phó với các tàu chiến nhỏ của Vệ binh cách mạng Iran thời hậu Chiến tranh lạnh. Theo hình thức này, khi kết hợp cùng nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu chiến cận bờ có nhiệm vụ xác định mục tiêu, để nhóm tác chiến triển khai tấn công.
“Tuy nhiên, bắt đầu thập niên 2000 thì tình hình đã thay đổi, sự trỗi dậy của Trung Quốc và nhất là các hoạt động của nước này ở Biển Đông, khiến Washington gần đây triển khai tàu chiến cận bờ đến Biển Đông bởi loại tàu này phù hợp với tính chất của vùng biển này”, TS Nagao nói và nhận xét thêm: “Nhưng so với chiến hạm của Trung Quốc, thì tàu chiến cận bờ của Mỹ không thể tương xứng về hỏa lực”.
Bởi tàu chiến cận bờ lớp Independence lẫn lớp Freedom đều chủ yếu dựa vào các hệ thống pháo với loại pháo mạnh nhất cũng chỉ 57 mm. Về tên lửa thì lớp Independence chỉ mang tên lửa AGM-114 Hellfire tầm bắn khoảng 10 km dùng để tấn công tàu chiến hoặc mục tiêu cố định. Lớp Freedom có thêm tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 (một số tàu lớp Independence cũng mang tên lửa loại này).
Thế nhưng, tương quan hỏa lực nay đã đổi khác, bởi theo TS Nagao: “Mỹ bắt đầu tăng cường vũ khí cho chiến hạm cận bờ (thuộc các lớp Independence và Freedom) khi mang theo máy bay trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout và tên lửa đột kích hải quân thế hệ mới (NSM), giúp cải thiện tình hình đáng kể”.

Gia tăng uy lực

Giờ đây, sau một thời gian dài thử nghiệm, các tàu chiến cận bờ - trong đó có tàu USS Gabrielle Giffords - dần được trang bị NSM. Đây là loại tên lửa đối hạm hiện đại, thậm chí có nhiều ưu điểm so với tên lửa Harpoon vốn đã có hơn 40 năm đồng hành cùng nhiều lớp tàu chiến Mỹ.
Cặp 'sát thủ diệt hạm' của Mỹ thách thức Trung Quốc trên Biển Đông1

Máy bay không người lái MQ-8B Fire Scout trên chiến hạm USS Gabrielle Giffords ở Biển Đông vào cuối tháng 3 vừa qua

Ảnh: DVIDS

Cụ thể, nếu Harpoon nặng 700 kg thì NSM chỉ 407 kg nên có thể trang bị cho nhiều loại tàu chiến hơn. Bên cạnh đó, tuy có khối lượng đầu đạn chỉ 100 kg tức thua mức 248 kg của Harpoon, nhưng NSM lại có cơ chế nổ và công nghệ điện tử tiên tiến hơn để tối đa hóa độ chính xác và sức công phá. Giai đoạn cuối của NSM cũng được tinh chỉnh về mặt công nghệ để cập nhật kịp thời mục tiêu và gia tăng tính chính xác.
Trong một số trường hợp, NSM có tầm bắn lên đến 300 hải lý (hơn 550 km) tức không thua kém, thậm chí vượt cả Harpoon. Tuy nhiên, tầm bắn hiệu quả hiện nay của NSM vào khoảng 100 hải lý (khoảng 185 km) với tầm bay gần như sát mặt nước để dễ dàng vượt qua các hàng phòng thủ tên lửa được lắp trên các tàu chiến. Theo một bài phân tích của chuyên gia quân sự trên chuyên san The National Interest, NSM nằm trong nhóm 5 tên lửa đối hạm đủ sức đánh chìm hầu hết các loại tàu chiến nổi.

Mỹ bắt đầu tăng cường vũ khí cho chiến hạm cận bờ (thuộc các lớp Independence và Freedom) khi mang theo máy bay trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout và tên lửa đột kích hải quân thế hệ mới (NSM), giúp cải thiện tình hình đáng kể

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)

Khả năng tác chiến của NSM còn mạnh mẽ hơn khi kết hợp cùng máy bay trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout. Xét về hỏa lực, MQ-8B Fire Scout chỉ được trang bị các loại tên lửa tầm ngắn như Hellfire, bom dẫn đường cỡ nhỏ, tên lửa tấn công mặt đất. Tuy nhiên, dòng máy bay này lại sở hữu hệ thống điện tử tối tân, nhất là các bộ cảm biến, radar hải quân cực nhạy cả ban ngày lẫn ban đêm. Hệ thống radar trên MQ-8B Fire Scout có tầm bao phủ với bán kính khoảng 80 km. Nhờ đó, khi phối hợp với NSM, MQ-8B Fire Scout có thể đóng vai trò trinh sát từ xa để “chỉ điểm” về hệ thống vũ khí trên tàu chiến, rồi chuyển dữ liệu để khai hỏa NSM. Với sức mạnh này, tàu chiến cận bờ lớp Independence có thể “đụng độ” với tàu chiến cỡ lớn của đối phương.

Phương án mới của Mỹ trên Biển Đông

Từ cuối năm 2019, USS Gabrielle Giffords được điều động đến Biển Đông để đồn trú luân phiên. Đến giữa tháng 3 vừa qua, chiến hạm này đã phối hợp cùng tàu đổ bộ USS America (LHA-6) tập trận trên Biển Đông.
Sự thay đổi về sức mạnh, lại có tính linh hoạt cao, nên tàu chiến cận bờ đang được Mỹ sử dụng trong các nhiệm vụ mà trước đây thường được tiến hành bởi tàu khu trục hoặc tàu tuần dương. Điển hình là việc thực thi tự do hàng hải (FONOP) áp sát các thực thể, đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép trên Biển Đông.
Như TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) trả lời phỏng vấn Thanh Niên, NSM giúp chiến hạm cận bờ lớp Independence vẫn có uy lực mạnh mẽ để tiến hành FONOP, chứ không cần phải điều động tàu khu trục như trước đây.
Và với việc đồn trú luân phiên tàu chiến cận bờ ở Thái Bình Dương, Mỹ có thể tiến hành nhiều hoạt động hải quân để thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông.
Nhật Bản xem xét mua máy bay MQ-8B Fire Scout
Năm ngoái, trang tin The Japan News của nhật báo Yomiuri đưa tin Nhật Bản đang xem xét mua 20 máy bay trực thăng không người lái để trang bị cho các tàu khu trục của nước này. Số máy bay dự kiến mua sẽ được triển khai để tăng cường khả năng trinh sát của khu vực biển Hoa Đông và rộng ra Thái Bình Dương. Đây là một trong những trang bị cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc liên tục tăng cường lực lượng hải quân với nhiều chiến hạm lớn tại các vùng biển thuộc Thái Bình Dương.
Đối với kế hoạch trang bị trực thăng không người lái của Nhật thì dòng máy bay MQ-8B Fire Scout được xem là ứng viên đầu bảng. Dự kiến quyết định chọn mua loại máy bay nào sẽ được Nhật Bản đưa ra vào năm 2022 và việc đặt mua bắt đầu từ năm 2023.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.